Phát triển nguồn nhân lực: 'Chìa khóa' cạnh tranh của khu vực ASEAN

02:04, 27/04/2021

Một nghiên cứu vừa công bố cho thấy các nước thành viên ASEAN đang rất nỗ lực phát triển nguồn nhân lực để chủ động và sẵn sàng thích ứng trong bối cảnh thế giới việc làm đang thay đổi...

 

Một nghiên cứu vừa công bố cho thấy các nước thành viên ASEAN đang rất nỗ lực phát triển nguồn nhân lực để chủ động và sẵn sàng thích ứng trong bối cảnh thế giới việc làm đang thay đổi...

Lễ ra mắt báo cáo nghiên cứu khu vực về sự sẵn sàng phát triển nguồn nhân lực trong ASEAN. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Lễ ra mắt báo cáo nghiên cứu khu vực về sự sẵn sàng phát triển nguồn nhân lực trong ASEAN. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong bối nền kinh tế số đang thay đổi nhanh chóng, với vị trí là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới, các nước thành viên ASEAN xác định việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của khu vực.

Đây là thông tin được đưa ra tại lễ ra mắt báo cáo nghiên cứu khu vực về sự sẵn sàng phát triển nguồn nhân lực trong ASEAN do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Thư ký ASEAN, Chương trình hợp tác ASEAN trong giáo dục nghề nghiệp (RECOTVET) tổ chức hôm nay, 26/4, theo hình thức trực tuyến.

Hội nghị có sự tham gia trực tuyến của Ban Thư ký ASEAN, đầu mối phụ trách lao động, giáo dục và kinh tế của các nước thành viên ASEAN, đại diện các cơ quan chuyên ngành của ASEAN và đại diện một số tổ chức quốc tế liên quan.

Việc ra mắt báo cáo về sự sẵn sàng phát triển nguồn nhân lực trong ASEAN là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy việc hiện thực hóa Tuyên bố ASEAN về phát triển nguồn nhân lực cho thế giới việc làm đang thay đổi và lộ trình thực hiện tuyên bố đã được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 và 37 trong năm 2020.

Tại buổi lễ ra mắt, các đại biểu đã được giới thiệu tổng quan về nội dung của báo cáo, các kết quả đầu ra, các thách thức, khoảng trống về chính sách và thực tiễn, từ đó thảo luận về các tác động của báo cáo đến chương trình quốc gia trong tương lai.

Nghiên cứu của báo báo đã đưa ra các phân tích về tổng quan về tình hình hiện tại của các chính sách phát triển nguồn nhân lực tại các quốc gia thành viên ASEAN. Bên cạnh đó, báo cáo còn chỉ ra các chiến lược, điển hình để thúc đẩy quá trình học tập suốt đời và các kỹ năng sẵn sàng cho tương lai.

Kết quả nghiên cứu cung cấp thông tin để đề xuất các hành động ở cấp khu vực và quốc gia thúc đẩy khung chính sách về phát triển nguồn nhân lực cho thế giới việc làm đang thay đổi.

Phát biểu khai mạc tại lễ ra mắt, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật mà Chương trình RECOTVET, Ban Thư ký ASEAN, các đầu mối phụ trách lĩnh vực lao động, giáo dục, kinh tế và các tư vấn quốc gia của các nước thành viên ASEAN trong quá trình xây dựng báo cáo khu vực này nói riêng và thực hiện Tuyên bố về Phát triển nguồn nhân lực nói chung.

Theo các chuyên gia, những tiến bộ của khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của tất cả các ngành với sự chuyển dịch từ kinh tế dựa vào tài nguyên sang kinh tế tri thức.

Trong bối cảnh đó, nguyên nhân cơ bản cản trở sự phát triển không còn là hạn chế về cơ sở vật chất và nguồn lực mà là hạn chế về khả năng sáng tạo của con người.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng khẳng định báo cáo sẽ là một tài liệu có giá trị với bức tranh tổng quan về khung chính sách phát triển nguồn nhân lực và các nguồn sẵn có của các quốc gia thành viên ASEAN để thúc đẩy việc học tập suốt đời và các kỹ năng cần thiết cho tương lai.

"Báo cáo đã xác định các yếu tố cần thiết để ASEAN xây dựng khung chính sách phát triển nguồn nhân lực gắn kết, chủ động thích ứng cũng như sẵn sàng đáp ứng trong bối cảnh thế giới công việc đang đổi thay," Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nói.

Ông Kung Phoak Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN cho biết các kết quả nghiên cứu đã cho thấy những nỗ lực của các nước thành viên ASEAN trong việc lồng ghép phát triển nguồn nhân lực và học tập suốt đời trong các chính sách, thực tiễn quốc gia như một công cụ để thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện năng lực thể chế, khả năng tiếp cận với giáo dục và dạy nghề.

Ông Kung Phoak hy vọng rằng những kết quả của nghiên cứu và thảo luận chuyên sâu sẽ góp phần thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố ASEAN về phát triển nguồn nhân lực và lộ trình thực hiện tuyên bố./.

Theo Hồng Kiều (Vietnam+)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh