Pin lithinium-ion đang được đánh giá là điểm nút quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có thể góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Ảnh minh hoạ: Internet. |
Pin lithinium-ion đang được đánh giá là điểm nút quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có thể góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Trong bối cảnh thế giới đang có xu hướng chuyển dần sang sử dụng năng lượng xanh, các loại pin thế hệ mới đang ngày càng đóng vai trò quan trọng nhờ khả năng lưu trữ và cung cấp các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió.
Giới quan sát thậm chí cho rằng, quốc gia nào có khả năng dẫn đầu ngành sản xuất này ở thế kỷ 21 sẽ giành được vị thế tương tự các cường quốc về dầu mỏ như ở thế kỷ 20.
Trong đó, loại pin lithinium-ion đang được đánh giá là điểm nút quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có thể góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Nhưng cùng lúc, “làn sóng” sản xuất loại pin tiềm năng này đang tạo ra “cuộc đua nóng” giữa các nước lớn.
Trong bản báo cáo về thị trường pin lithium-ion toàn cầu năm 2020 mới đây, 80% số pin lithium-ion được sản xuất tại Trung Quốc. Các nhà sản xuất châu Âu chỉ chiếm 7% thị trường toàn cầu, với năng lực sản xuất hiện chỉ khoảng 30 GWh (gigawat giờ).
Ý thức được sự chậm trễ này cũng như nguy cơ bị phụ thuộc quá lớn vào chuỗi cung ứng nằm ngoài châu Âu, đặc biệt là một quốc gia mà châu Âu coi là “đối thủ hệ thống” như Trung Quốc nên trong năm 2020, Ủy ban châu Âu đã đề ra một chiến lược dài hơi nhằm xây dựng sự tự chủ của khối này trong việc đảm bảo nguồn cung một loạt các mặt hàng thiết yếu có ý nghĩa chiến lược trong tương lai, không chỉ là pin lithium-ion mà còn có cả các nguyên liệu khác như đất hiếm, coban hay borat.
Trong số này, chiến lược sản xuất pin lithium-ion được coi là ưu tiên hàng đầu vì đây là bộ phận quan trọng nhất của ngành sản xuất ô tô điện, thường chiếm từ 70 đến 80% giá thành xe điện.
Do đó, EU đã tung ra Liên minh pin châu Âu, tài trợ khoảng 3,2 tỷ euro nhằm biến đây thành một dạng Airbus của châu Âu trong lĩnh vực pin lithium-ion.
Các nỗ lực này đang được đẩy rất mạnh và trong 2 năm qua, đầu tư của châu Âu trong lĩnh vực này cao gần gấp đôi so với Trung Quốc.
Dự kiến có đến khoảng gần 30 nhà máy sản xuất pin lithium-ion sẽ được xây dựng tại châu Âu và đến năm 2025, châu Âu có thể sẽ đáp ứng được tới 75% nhu cầu pin cho xe điện của khối này.
Các chuyên gia đánh giá, châu Âu có thể đạt được bước Đại nhảy vọt trong lĩnh vực này, đến năm 2030, thị phần của châu Âu trên thị trường pin điện toàn cầu có thể lên tới 31%, với giá trị khoảng 75 tỷ USD, tức gấp 5 lần hiện nay.
Trong lĩnh vực ô tô điện, trong năm 2020 châu Âu là thị trường bán nhiều xe điện nhất thế giới, hơn cả Trung Quốc.
Châu Âu và Trung Quốc đang vượt lên trên Mỹ trong lĩnh vực này, và trong tương lai châu Âu, theo tính toán nếu các nhà máy tại châu Âu hoạt động hết công suất thì khối này có thể sản xuất đến 750 GWh, tức là có quy mô đủ lớn để phá thế thống trị độc quyền hiện nay của Trung Quốc.
Chiến lược của Trung Quốc
Theo thống kê, công suất sản xuất pin lithium-ion toàn thế giới năm 2019 đạt 316 gigawatt giờ (GWh), trong đó năng lực sản xuất pin lithium của Trung Quốc chiếm 73%, đứng đầu thế giới, vượt xa Mỹ nước đứng thứ hai với chỉ 12%.
Trong 10 công ty sản xuất pin lithium- ion lớn nhất thế giới thì đã có 6 công ty của Trung Quốc, điều này cho thấy Trung Quốc đang không có đối thủ trong lĩnh vực sản xuất pin lithium-ion.
Vậy đâu là yếu tố để Trung Quốc- một nước đi sau lại có thể vượt qua Nhật Bản, Hàn Quốc trong lĩnh vực sản xuất pin lithium-ion và đứng vững ở vị trí số 1 thế giới kể từ năm 2014 đến nay?
Theo giới phân tích, kinh nghiệm và bí quyết thành công của Bắc Kinh nằm ở 3 yếu tố đó là chính sách, thị trường cũng như tài nguyên, trong đó đặc biệt là yếu tố chính sách nhanh nhạy của nước này.
Ngay sau khi Nhật Bản sản xuất được pin lithium thương mại vào năm 1991 thì năm 1992 Trung Quốc đã bắt đầu triển khai nghiên cứu và đến năm 1997 đã nhanh chóng xây dựng được dây chuyền sản xuất pin lithium của nước này.
Trung Quốc hỗ trợ về chính sách và tài chính mạnh mẽ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất pin lithium khi tính đến thời điểm hiện tại nước này có khoảng 30.000 doanh nghiệp hoạt động liên quan đến lĩnh vực pin lithium, trong đó 60% số doanh nghiệp được thành lập trong 5 năm trở lại đây.
Ngoài ra, thị trường rộng lớn cũng được coi là yếu tố có lợi giúp Trung Quốc chiếm ưu thế trong lĩnh vực này.
Trung Quốc cũng đang có những bước đi thiết thực nhằm bảo đảm được sự thống trị của mình trong lĩnh vực sản xuất pin thế hệ mới lithium-ion trong đó tập trung vào hai lĩnh vực sau: một là kiểm soát được các nguồn tài nguyên lithium trên toàn cầu.
Theo số liệu thống kê vào năm 2019, thì tổng lượng tài nguyên khoáng sản lithium trên toàn thế giới vào khoảng 62 triệu tấn và phân bổ chủ yếu tại Nam Mỹ (như Argentina 24%, Bolivia 15%, Chile 14%), Australia chiếm 12% trong khi đó Trung Quốc chỉ chiếm 7%.
Theo dữ liệu do trung tâm Benchmark Minerals Intelligence cung cấp, Bắc Kinh kiểm soát gần như tất cả các cơ sở xử lý lithium trên toàn cầu. Một số năm gần đây, các công ty của Trung Quốc ồ ạt mua các mỏ ở một số nước giàu lithium như Argentina và Australia, năm 2018, tập đoàn Thiên Tề của Trung Quốc đã mua 23,77% cổ phần trị giá 4,1 tỷ USD của công ty SQM – công ty khai thác lithium lớn nhất của Chile.
Thứ hai là Trung Quốc chú trọng phát triển công nghệ tự chủ của nước này nhằm giảm giá thành pin lithium.
Theo đó, nước này đã tìm ra cách phân tách lithium với các khoáng chất khác đặc biệt là ma-giê với chi phí phải chăng thông qua nhiều giai đoạn bằng phương pháp xử lý lọc màng và điện tử phức tạp. Nhờ công nghệ mới, chi phí chiết xuất lithium được giảm tới mức thấp kỷ lục - khoảng 15.000 nhân dân tệ (tương đương hơn 2000 USD)/tấn, so với giá lithium quốc tế từ 12.000 USD đến 20.000 USD/tấn.
Cuộc đua ngày càng nóng
Châu Âu đang có kế hoạch rất tổng thể và tham vọng để chiếm lĩnh thị trường pin lithium-ion thế giới trong thập kỷ này. So với Trung Quốc, châu Âu gặp một số bất lợi như việc triển khai các kế hoạch lớn chậm hơn do thủ tục phức tạp hơn, trong khi Trung Quốc có thể tập trung một nguồn lực lớn trong một thời gian rất nhanh.
Ngoài ra, dư luận các nước châu Âu cũng rất nhạy cảm về vấn đề môi trường nên việc xây dựng các nhà máy sản xuất pin điện tại một số nước chắc chắn sẽ phải gặp nhiều cản trở, phải vượt qua nhiều rào cản về môi trường do ngành sản xuất pin lithium-ion được cho là tương đối ô nhiễm.
Tuy nhiên, châu Âu cũng có một số lợi thế về khoáng sản, đặc biệt tại các nước Bắc Âu, cũng như có quyết tâm chính trị rất lớn, có thể nói là tham vọng nhất thế giới hiện nay, trong việc chuyển đổi sang các ngành công nghiệp Xanh.
Do đó, dù có thể không thể cạnh tranh được với các công ty Trung Quốc về giá và sản lượng nhưng châu Âu được dự đoán sẽ là một người chơi lớn trong lĩnh vực này.
Điều này về lâu dài đương nhiên có tác động về mặt địa chính trị bởi sau đại dịch Covid-19, châu Âu nói riêng hay phương Tây nói chung đang cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng do Trung Quốc vận hành.
Việc tự chủ được trong một lĩnh vực chiến lược như pin điện sẽ giúp châu Âu tự chủ hơn về mặt chính sách đối ngoại và an ninh.
Với châu Âu, đây có thể coi là ngành kinh tế có ý nghĩa sống còn vì tham vọng của khối này đến năm 2050 là đạt mức phát thải các bon bằng 0, trong đó yếu tố quan trọng nhất là thay toàn bộ các xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch (xăng, diesel…) bằng xe điện.
Trong cuộc đua lâu dài này, châu Âu cũng đang cạnh tranh với Trung Quốc và Mỹ trong việc ký kết các thỏa thuận với các đối tác lớn tại châu Phi, châu Mỹ nhằm đảm bảo nguồn cung các nguyên liệu cơ bản.
Hiện Trung Quốc đang đi trước trong cuộc đua này nhưng tương lai chắc chắn sẽ chứng kiến sự cạnh tranh rất gay gắt giữa châu Âu, Mỹ với Trung Quốc và một số cường quốc châu Á trong lĩnh vực này như Hàn Quốc và Nhật Bản./.
Theo Quang Dũng, Đinh Tuấn/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin