Ngày 12/4, Tiến sĩ Kambiz Ghawami, Chủ tịch Tổ chức Hỗ trợ đại học thế giới CHLB Đức (WUS) đã có những nhận định và đánh giá về việc hoàn thiện bộ máy lãnh đạo mới ở Việt Nam, về những thành quả mà Việt Nam đã đạt được, về vai trò và vị thế của Việt Nam cũng như sự hợp tác giữa Việt Nam với Đức.
Ngày 12/4, Tiến sĩ Kambiz Ghawami, Chủ tịch Tổ chức Hỗ trợ đại học thế giới CHLB Đức (WUS) đã có những nhận định và đánh giá về việc hoàn thiện bộ máy lãnh đạo mới ở Việt Nam, về những thành quả mà Việt Nam đã đạt được, về vai trò và vị thế của Việt Nam cũng như sự hợp tác giữa Việt Nam với Đức.
Tiến sĩ Kambiz Ghawami, Chủ tịch Tổ chức Hỗ trợ đại học thế giới CHLB Đức (WUS). |
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Đức, Tiến sĩ Ghawami nhận định Việt Nam cho thấy sự tiếp tục và tăng cường hơn nữa vai trò trong một thế giới toàn cầu hóa. Sự hợp tác thành công giữa Việt Nam và Đức trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, việc hai nước cùng đảm trách vai trò chủ tịch luân phiên khu vực (Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN năm 2020, Đức là Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu 6 tháng cuối năm 2020) cùng hợp tác ở nhiều sáng kiến quốc tế khác nhau (gần đây là "Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững" khi Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐBA LHQ) đã cho thấy cộng đồng quốc tế ngày càng tin tưởng vào chính sách của Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Ghawami, việc Việt Nam ngăn chặn hiệu quả đại dịch COVID-19 đã giúp nền kinh tế đi ngược lại xu hướng đi xuống toàn cầu và theo một dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm 2021 và 7,2% vào năm 2022. Những dự báo tăng trưởng này sẽ rất đáng khích lệ khi gắn chặt chẽ với các biện pháp phát triển kinh tế bền vững theo các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) vào năm 2030 của Liên hợp quốc nhằm bảo vệ môi trường và khí hậu.
Tiến sĩ Ghawami cho biết tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững là mục tiêu của chính sách kinh tế hướng tới tương lai, không chỉ ở Việt Nam mà còn cả ở Đức. Nhiều nghị quyết của các cơ quan lập pháp Việt Nam và Đức đều kêu gọi chính phủ sở tại có những đóng góp tích cực hướng tới các SDG, trong đó có rất nhiều lĩnh vực mà Đức và Việt Nam có thể hợp tác, cả ở cấp độ song phương cũng như đa phương. Trong nỗ lực ngăn chặn một đại dịch phức hợp, Đức và Việt Nam có thể thúc đẩy việc nghiên cứu ở cấp độ quốc tế các bệnh truyền nhiễm từ động vật và bảo vệ các loài động vật, khởi động sáng kiến liên quan ở LHQ và trong khuôn khổ HĐBA LHQ.
Cũng theo Tiến sĩ Ghawami, trong đại dịch COVID-19, tinh thần đoàn kết của những người Việt Nam đang sinh sống tại Đức đã được thể hiện qua nhiều đợt quyên góp, như trao tặng khẩu phần ăn miễn phí cho các lực lượng chống dịch hay trao tặng 100.000 khẩu trang, cũng như tình đoàn kết của Chính phủ Việt Nam khi quyên tặng hàng triệu chiếc khẩu trang cho người dân ở khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh đó, tình đoàn kết từ Đức với sinh viên Trường Đại học Việt – Đức (VGU) – một trong những dự án trong quan hệ Đức – Việt Nam, cũng được thể hiện và chứng minh. Các bang Hessen, Sachsen-Anhalt, Schleswig-Holstein, Thüringen, Hội những người bạn của VGU (gồm nhiều công ty Đức như Messer AG, EDAG, Dussmann, HDI, TRUMPF, Dorsch AG) và cả Chi nhánh VietinBank ở Đức đã cấp hơn 300 suất học bổng trị giá trên 170.000 euro để hỗ trợ sinh viên VGU gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo Tiến sĩ Ghawami, tất cả những điều trên cho thấy mối quan hệ giữa Đức và Việt Nam dựa trên sự tin cậy về chính trị và mối quan hệ giữa nhân dân hai nước là nền tảng của sự hợp tác này. Các bức điện chúc mừng của lãnh đạo Đức và bang Hessen gửi tới các nhà lãnh đạo mới được bầu của Việt Nam đã cho thấy rõ mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa Đức và Việt Nam cũng như sự hợp tác đặc biệt giữa bang Hessen và Việt Nam.
Theo Mạnh Hùng (TTXVN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin