Căng thẳng ở miền đông Ukraine đang khiến Mỹ và châu Âu như "ngồi trên đống lửa". Liệu đây chỉ là một phép thử với chính quyền Tổng thống Biden hay chính là khởi đầu của một cuộc xung đột toàn diện?
Một binh lính Nga ở Crimea năm 2014. Ảnh: Reuters |
Căng thẳng ở miền đông Ukraine đang khiến Mỹ và châu Âu như “ngồi trên đống lửa”. Liệu đây chỉ là một phép thử với chính quyền Tổng thống Biden hay chính là khởi đầu của một cuộc xung đột toàn diện?
Mỹ và châu Âu như “ngồi trên đống lửa”
Những diễn biến căng thẳng ở miền đông Ukraine giữa lực lượng ly khai được Nga ủng hộ và binh lính Ukraine đã làm dấy lên nguy cơ về một cuộc xung đột mới tại khu vực nhiều bất ổn này.
Các đối tác phương Tây của Ukraine đã lên tiếng ủng hộ Ukraine và cảnh báo Nga về các động thái tăng cường lực lượng.
Khi căng thẳng trở nên nghiêm trọng vào tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có điện đàm đầu tiên kể từ khi nhậm chức với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky và "khẳng định sự ủng hộ vững chắc của Mỹ đối với chủ quyền và lãnh thổ của Ukraine trước các hành động của Nga ở Donbas và Crimea”.
Quan ngại trước các hành động của Nga, Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ đã nâng tình trạng cảnh báo lên mức cao nhất. Một số nhà quan sát quân sự cho rằng điện Kremlin đang có bước đi chiến lược nhằm thử thách chính quyền Tổng thống Biden trong chính sách với Ukraine.
Một số nhà phân tích khác thì nhận định về khả năng một cuộc xung đột giữa 2 bên khi sự leo thang căng thẳng chưa có dấu hiệu dừng lại.
Sau khi 4 binh lính Ukraine thiệt mạng ngày 26/3, phía Kiev đã đổ lỗi cho các lực lượng ly khai được Moscow ủng hộ về sự việc này. Tuy nhiên, lực lượng trên đã phủ nhận liên quan và khẳng định các binh lính trên thiệt mạng sau khi một quả mìn phát nổ trong quá trình kiểm tra tại một bãi mìn.
Nga đã cảnh báo bất kỳ hành động khiêu khích nào từ phía Ukraine để có thể khơi mào cho một cuộc chiến. Tuy nhiên, sau đó xuất hiện một số bài báo ghi nhận sự tăng cường lực lượng của Nga dọc biên giới Nga - Ukraine làm dấy lên phản ứng từ phương Tây.
Liệu những diễn biến ở miền đông Ukraine có phải khởi đầu cho một cuộc chiến tranh toàn diện? Trang Foreign Policy đánh giá "khó có thể nói và còn quá sớm để nói" về kịch bản này.
Những nỗ lực nhằm giải quyết cuộc xung đột khiến 14.000 người thiệt mạng kể từ năm 2014 diễn ra không dễ dàng. Thỏa thuận Minsk, được đàm phán ở thủ đô Belarus vào năm 2015, đã chấm dứt cuộc giao tranh tồi tệ nhất nhưng những bất đồng trong việc thực hiện nó khiến xung đột vẫn âm ỉ trong những năm qua.
Điện Kremlin khẳng định hôm 1/4 rằng, các động thái của quân đội và việc tăng cường phương tiện quân sự gần đây dọc biên giới Nga - Ukraine là nhằm đảm bảo an ninh của Moscow và không đe dọa bất kỳ ai.
2 ngày sau đó, vào 3/4, Pháp và Đức đều ra một tuyên bố chung thể hiện sự quan ngại về các trường hợp vi phạm lệnh ngừng bắn ngày càng gia tăng ở miền đông Ukraine.
"Chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình, đặc biệt là các động thái của quân đội Nga và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế cũng như hợp tác để làm giảm căng thẳng ngay lập tức", Văn phòng Ngoại giao Đức và Bộ Ngoại giao Pháp cho hay.
Berlin và Paris cũng tái khẳng định "sự ủng hộ về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine" khi Kiev cáo buộc Nga triển khai hàng nghìn binh lính tới biên giới 2 nước cũng như trên Bán đảo Crimea.
Nga tuyên bố nước này sẽ tiến hành các "biện pháp" nếu NATO can thiệp vào cuộc xung đột Ukraine. Phản ứng này diễn ra sau khi NATO lên tiếng quan ngại về các động thái quân sự của Nga dọc biên giới với Ukraine và một số quan chức Mỹ điện đàm với những người đồng cấp Ukraine về tình hình khu vực.
Tính toán của Nga
John Herbst, giám đốc Trung tâm Á - Âu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) nhận định, tình hình ở miền đông Ukraine "đang trên bờ vực chiến tranh".
Chuyên gia này cũng nêu ra khả năng về một cuộc xung đột mới tại đây, đồng thời đánh giá việc Nga tăng cường lực lượng gần đây "có thể chỉ đơn giản là nỗ lực đòi hỏi sự nhượng bộ từ Tổng thống Ukraine Zelensky cũng như đặt ra phép thử với chính quyền Tổng thống Biden".
Trong khi đó, Alyona Getmanchuk, giám đốc Trung tâm châu Âu mới thì cho rằng việc Nga tăng cường lực lượng gần biên giới với Ukraine là một lời nhắc nhở cho thấy cuộc chiến ở Ukraine không phải "một cuộc xung đột bị đóng băng". Căng thẳng này cũng là tín hiệu cho Mỹ để đánh giá lại sự can thiệp của mình vào tiến trình hòa bình ở Ukraine.
Căng thẳng gần đây ở biên giới Nga - Ukraine là phép thử cho chính quyền Biden giữa bối cảnh Mỹ đang tìm cách sửa chữa mối quan hệ với các đồng minh NATO và tách biệt khỏi hướng tiếp cận gây tranh cãi với Nga của cựu Tổng thống Donald Trump.
"Họ (Nga - ND) đang xem xét và dự đoán những điều chúng ta, NATO và Ukraine sẽ làm", Jim Townsend, cựu phó thư ký Bộ trưởng Quốc phòng ở khu vực châu Âu và NATO nhận định.
"Đây là một chính quyền thay đổi thất thường hay là một chính quyền sẽ hành động để giải quyết vấn đề? Họ đang làm tất cả những điều trên để xác định chính quyền Mỹ mới đang ở đâu trong bối cảnh hiện nay", chuyên gia trên đánh giá.
Cuộc xung đột ở miền đông Ukraine giữa các lực lượng nước này với phe ly khai được Nga ủng hộ thỉnh thoảng lại xảy ra kể từ khi thỏa thuận hòa bình năm 2015 chấm dứt cuộc giao tranh tồi tệ nhất giữa 2 bên. Dù vậy, các nhà quan sát đánh giá, sự leo thang căng thẳng lần này ở một mức độ khác với những diễn biến trước đó.
Robert Lee, một chuyên gia về quân đội Nga và đang theo học tiến sĩ tại Cao đẳng Hoàng gia London nhận định, những động thái trên có thể nhằm ngăn cản các hành động tấn công trong tương lai của Ukraine trong khu vực này.
"Nga đang thể hiện rằng họ vẫn giữ ảnh hưởng chi phối trong cuộc xung đột này", chuyên gia Robert Lee đánh giá.
Chuyên gia Timothy Ash, chiến lược gia tại BlueBay Asset Management cũng đồng quan điểm khi cho rằng Tổng thống Putin đang thử thách, xem xét khả năng phòng thủ cũng như cách thức giải quyết vấn đề của phương Tây
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov không ngần ngại tuyên bố mối quan hệ giữa phương Tây và Nga đã "chạm đáy". Moscow đã triệu đại sứ tại Washington Anatoly Antonov về nước sau khi ông Biden nhất trí với bình luận gọi Tổng thống Putin là "kẻ giết người".
Dù vậy, chính quyền Tổng thống Biden vẫn có ý định giữ kênh ngoại giao mở với Moscow bất chấp quan hệ song phương leo thang nghiêm trọng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington "không có kế hoạch" triệu Đại sứ Mỹ tại Moscow John Sullivan về nước để phản ứng trước quyết định của Nga.
Thậm chí cả khi cuộc xung đột tồi tệ hơn trong những ngày qua, các cựu quan chức Mỹ cho rằng Ukraine vẫn thận trọng với bất kỳ động thái nào làm leo thang căng thẳng.
"Ukraine thà ở thế bế tắc còn hơn leo thang căng thẳng và bị đánh bại", một cựu quan chức quốc phòng Mỹ cho hay.
Trong khi đó, NATO không có vai trò trực tiếp trong cuộc xung đột ở Ukraine ngoài thể hiện sự ủng hộ chính trị với Kiev (trong khi với các nước đồng minh thì khối này có thể cung cấp huấn luyện quân sự, trang thiết bị và vũ khí). Dù vậy, NATO sẵn sàng phản ứng trước cuộc xung đột, Christopher Skaluba, cựu quan chức thuộc Bộ Quốc phòng, hiện là chuyên gia tại Atlantic Council nhận định.
Những ảnh hưởng từ cuộc giao tranh giữa Ukraine và lực lượng ly khai "có thể nhanh chóng xảy ra. Do đó, NATO phải chuẩn bị. Thậm chí cả khi NATO không có nghĩa vụ bảo vệ Ukraine thì chúng ta cũng có nghĩa vụ bảo vệ tất cả các thành viên NATO, bao gồm cả những nước tiếp giáp với Ukraine", cựu quan chức Mỹ đánh giá./.
Theo VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin