Biên giới Myanmar tiếp giáp Thái Lan nóng lên: Một thủ lĩnh biểu tình bị truy tố

03:04, 29/04/2021

Tình hình tại khu vực biên giới Myanmar tiếp giáp với Thái Lan hai ngày nay liên tục "nóng" với các vụ giao tranh, đụng độ giữa các tay súng thuộc nhóm Liên minh Quốc gia Karen với phía quân đội.

 

Khói lửa bốc lên từ một căn cứ quân sự của Myanmar nhìn từ phía biên giới Thái Lan. Ảnh: AFP
Khói lửa bốc lên từ một căn cứ quân sự của Myanmar nhìn từ phía biên giới Thái Lan. Ảnh: AFP

Tình hình tại khu vực biên giới Myanmar tiếp giáp với Thái Lan hai ngày nay liên tục “nóng” với các vụ giao tranh, đụng độ giữa các tay súng thuộc nhóm Liên minh Quốc gia Karen với phía quân đội.

Người dân trong khu vực ở cả phía Myanmar và Thái Lan đã phải di tản trước những diễn biến căng thẳng. Trong khi đó, Liên Hợp Quốc kêu gọi Myanmar sớm ổn định tình hình.

Sáng 27/4, nhóm sắc tộc có vũ trang người Karen của Myanmar đã bất ngờ tấn công và kiểm soát một tiền đồn quân sự ở miền Đông, khu vực biên giới tiếp giáp với Thái Lan. Sau khi giành quyền kiểm soát, nhóm này phóng hỏa, đốt căn cứ.

Hai ngày nay, quân đội Myanmar đã liên tục thực hiện các cuộc không kích vào khu vực do lực lượng Karen kiểm soát để đáp trả. Hôm qua (28/4), các nhân chứng trong khu vực đã nghe thấy tiếng súng và tiếng nổ bom gần căn cứ quân sự Dar Gwin của Myanmar.

Từ khu vực biên giới Thái Lan, tiếng súng cũng đã được nghe thấy một cách rõ ràng. Lo ngại căng thẳng, hàng trăm người dân Thái Lan và Myanmar trong khu vực đã ngay lập tức di tản.

“Tôi chưa bao giờ nghe thấy tiếng súng như thế này, chưa bao giờ thấy người dân phải bỏ chạy như thế này. Tôi thực sự lo lắng cho tất cả dân làng. Tôi cũng sợ vì chúng tôi sống dọc biên giới. Dân làng cũng vậy, họ rất sợ hãi”.

Theo giới chức Thái Lan, hôm qua, 68 cư dân Myanmar đã vượt biên sang nước này để lánh nạn.

Cũng liên quan đến tình hình Myanmar, hôm qua, Đài truyền hình quốc gia nước này đưa tin giới chức trách đã khởi tố ông Wai Moe Naing - một trong những thủ lĩnh chủ chốt của chiến dịch biểu tình phản đối chính quyền quân sự, với một loạt cáo buộc, trong đó có hành vi giết người và tội danh phản quốc. Được biết, ông này đã bị lực lượng an ninh Myanmar bắt giữ hôm 15/4.

Trước những diễn biến tình hình, báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Myanmar Thomas Andrews đã kêu gọi lãnh đạo chính quyền Myanmar chấm dứt bạo lực và sớm ổn định tình hình trong nước.

Trong khi đó, Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing khẳng định sẽ “xem xét cẩn thận các đề xuất mang tính xây dựng” ASEAN đưa ra, về việc chấm dứt bạo lực, bắt đầu đối thoại, để đặc phái viên Myanmar điều phối đối thoại, cho phép gửi viện trợ cho người dân Myanmar, cho phép đặc phái viên của ASEAN đến Myanmar.

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, ưu tiên trước mắt của nước này là “duy trì luật pháp và trật tự” cũng như “khôi phục hòa bình và sự ổn định trong cộng đồng”./.

Theo VOV

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh