Bất ngờ khi "trung tâm xuất khẩu vắc-xin thế giới" quay sang gom hàng

09:04, 16/04/2021

Sau khi tặng và bán hàng chục triệu liều vắc-xin ra nước ngoài, Ấn Độ bất ngờ phát hiện thiếu hụt vắc-xin trong bối cảnh chứng kiến các ca mắc Covid-19 mới tăng đột biến trong nước.

Sau khi tặng và bán hàng chục triệu liều vắc-xin ra nước ngoài, Ấn Độ bất ngờ phát hiện thiếu hụt vắc-xin trong bối cảnh chứng kiến các ca mắc Covid-19 mới tăng đột biến trong nước.

Ấn Độ ghi nhận khoảng 200.000 ca nhiễm mới trong ngày 15/4 và đang nỗ lực mở rộng chương trình tiêm phòng cho người dân bằng vắc-xin nội địa.

Đối mặt với các ca mắc Covid-19 mới tăng vọt và tình trạng bệnh viện quá tải sau khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng, Ấn Độ nhanh chóng thay đổi quy trình nhằm đẩy nhanh nhập khẩu vắc-xin dù trước đó từng từ chối các nhà sản xuất nước ngoài như Pfizer.

 

Đợt bùng phát dịch mới khiến các bệnh viện ở Ấn Độ quá tải. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, Ấn Độ sẽ nhập khẩu vắc-xin Sputnik V của Nga bắt đầu từ tháng này để tiêm phòng cho 125 triệu người.

Quyết định này của Ấn Độ có thể cản trở không chỉ cuộc chiến ngăn chặn đại dịch của Ấn Độ mà còn cả các chiến dịch tiêm chủng ở hơn 60 quốc gia nghèo, chủ yếu ở châu Phi, trong nhiều tháng. 

Chương trình COVAX, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh Toàn cầu về Vắc-xin và Tiêm chủng (GAVI) hậu thuẫn, nhằm giúp tiếp cận vắc-xin công bằng trên toàn thế giới nhưng phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Ấn Độ, cường quốc dược phẩm của châu Á.

Trong tháng này Ấn Độ chỉ mới xuất khẩu khoảng 1,2 triệu liều vắc-xin, so với 64 triệu liều được xuất khẩu từ cuối tháng 1 đến tháng 3, theo số liệu từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ.

Một quan chức thạo tin về chiến lược vắc-xin của Ấn Độ cho rằng các liều sẵn có sẽ được sử dụng trong nước giữa lúc nước này đối mặt với tình huống khẩn cấp. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết hồi tuần trước rằng nhu cầu vắc-xin của Ấn Độ sẽ quyết định mức độ xuất khẩu.

Một quan chức y tế của Liên Hiệp Quốc tham gia vào đợt triển khai vắc-xin ở châu Phi cho biết: "Việc phụ thuộc vào một nhà sản xuất là mối lo ngại lớn".

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi John Nkengasong hồi đầu tháng này cho rằng sự chậm trễ trong nguồn cung từ Ấn Độ có thể là thảm họa.

Trong khi đó, tại Campuchia, thêm hai ca tử vong do dịch Covid-19 được ghi nhận hôm 15/4, nâng tổng ca tử vong lên 38. Tính đến sáng 16/4, Campuchia ghi nhận khoảng 5.218 ca nhiễm, trong đó có 4.876 ca liên quan đến sự kiện lây nhiễm trong cộng đồng hôm 20-2.

 

Đường phố thủ đô vắng vẻ trong ngày phong tỏa. Ảnh: Khmer Times

Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng hôm 15/4 cho rằng nếu lệnh giới nghiêm 14 ngày không hiệu quả, ông sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp phong tỏa thủ đô.

Tại Thái Lan, nhằm kiểm soát sự gia tăng đột biến của các ca nhiễm, nước này chuẩn bị đóng cửa các trường học, công viên giải trí và đặt lệnh cấm bán rượu trong các nhà hàng trong hai tuần. Động thái có khả năng đe dọa kế hoạch mở cửa biên giới của nước này đối với du khách nước ngoài.

 

Giới chức trách phát khẩu trang cho du khách tại thủ đô Bangkok - Thái Lan Ảnh: Bangkok Post

Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha sẽ chủ trì cuộc họp của Trung tâm Quản lý Tình hình dịch Covid-19 trong ngày 16/4 để xem xét cc biện pháp mới. Thái Lan hôm 15/4 ghi nhận 1.543 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 37.453 trong khi số ca tử vong do dịch Covid-19 là 97.

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh