Anh sắp đạt miễn dịch cộng đồng nhờ giỏi mua vắc xin

02:04, 14/04/2021

Nước Anh đã vượt qua một cột mốc đáng tự hào hôm 12/4: tất cả người trên 50 tuổi và 9 nhóm có nguy cơ cao đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin ngừa COVID-19. Thành công này có phần không nhỏ nhờ chiến thuật 'bỏ trứng vào nhiều giỏ'.

Nước Anh đã vượt qua một cột mốc đáng tự hào hôm 12/4: tất cả người trên 50 tuổi và 9 nhóm có nguy cơ cao đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin ngừa COVID-19. Thành công này có phần không nhỏ nhờ chiến thuật 'bỏ trứng vào nhiều giỏ'.

 Chính phủ Anh đặt mục tiêu dỡ bỏ tất cả hạn chế vào ngày 21/6 và nối lại các chuyến bay quốc tế từ ngày 17/5 tới - Ảnh: REUTERS
Chính phủ Anh đặt mục tiêu dỡ bỏ tất cả hạn chế vào ngày 21/6 và nối lại các chuyến bay quốc tế từ ngày 17/5 tới - Ảnh: REUTERS

Trong một thông báo ngày 13/4, Chính phủ Anh khẳng định việc hãng dược Johnson & Johnson (J&J) tạm hoãn giao vắc xin (vaccine) cho châu Âu (trong đó có Anh) sẽ không ảnh hưởng tới mục tiêu tháng 7-2021.

 

Theo phân tích của báo The Guardian, sự tự tin của London đến từ việc nước này dám đánh cược ngay từ đầu, khi việc nghiên cứu vắc xin chỉ mới chớm nở.

 

Mặc dù Anh đã trả tiền để mua trước 30 triệu liều vắc xin của J&J, nước này cũng đổ tiền cho AstraZeneca và đặt mua tới 100 triệu liều. Hiện Anh đã cấp phép sử dụng vắc xin của AstraZeneca, Moderna và Pfizer.

 

Trong trường hợp tệ nhất là vắc xin J&J có trục trặc và không được cấp phép, Anh vẫn có 157 triệu liều vắc xin - đủ để tiêm cho toàn bộ dân số theo phác đồ tiêm 2 mũi.

 

Trên thực tế thì ngoài Anh, Mỹ cũng là nước áp dụng chiến thuật rủi ro này và đang gặt hái thành công trong lúc các nước khác ở châu Âu chật vật tìm nguồn cung vắc xin.

 

Người từng đứng đầu nhóm "đặc nhiệm săn tìm vắc xin" của Chính phủ Anh, bà Kate Bingham không giấu chiến thuật săn vắc xin. Thời điểm được chính phủ mời hỗ trợ (tháng 5/2020), bà Bingham đã đi qua nhiều công ty công nghệ sinh học và là một nhà đầu tư mạo hiểm chuyên nghiệp.

 

Trong một cuộc phỏng vấn vào năm ngoái, Bingham cho biết bà xếp vắc xin ngừa COVID-19 thành "4 rổ riêng biệt" dựa trên công nghệ được sử dụng để chế tạo.

 

Rổ đầu tiên là AstraZeneca và J&J có cùng công nghệ phát triển; rổ thứ hai là vắc xin sử dụng công nghệ mRNA như Pfizer và Moderna. Hai rổ còn lại là những loại sử dụng công nghệ truyền thống mà theo bà Bingham là "nhàm chán và đang đi sau".

 

Dựa trên mức độ phân loại theo công nghệ và tốc độ phát triển như vậy, Chính phủ Anh đã đổ tiền cho hai nhóm đầu tiên. Họ bỏ tiền cho 130 triệu liều ở rổ thứ nhất, 17 triệu liều Moderna và 40 triệu liều cho Pfizer ở rổ thứ hai.

 

The Guardian nhận xét chiêu "bỏ trứng vào nhiều rổ" của chính quyền Anh đã phát huy tác dụng.

 

Theo The Guardian, mặc dù tình hình đang rất khả quan, Anh vẫn tiếp tục tìm kiếm và đảm bảo nguồn cung vắc xin. Chẳng hạn dù vắc xin Valneva vẫn đang được thử nghiệm, Chính phủ Anh đã đặt thêm 40 triệu liều nữa vào tháng 2/2021 trước các tín hiệu khả quan. Điều này nâng tổng số vắc xin Valneva được mua lên 100 triệu liều.

 

Để tránh đối mặt nguy cơ thiếu hụt nguồn cung (có thể xảy ra với Moderna và Pfizer do nhà máy đặt trên lãnh thổ nước khác), Anh đã đàm phán để sản xuất vắc xin Valneva tại Scotland và dự kiến đưa ra thị trường vào cuối năm nay.

 

Theo đài BBC, Chính phủ Anh không đặt mục tiêu tiêm chủng cho toàn bộ dân số cùng lúc. Thay vào đó, dựa vào khuyến nghị của một ủy ban về vắc xin, Bộ Y tế Anh sẽ lựa chọn thời gian, cân nhắc nhóm tuổi và xem xét kỹ loại vắc xin phù hợp.

 

Chẳng hạn, tất cả người dưới 30 tuổi sẽ được tiêm một loại vắc xin khác không phải vắc xin của AstraZeneca do lo ngại loại vắc xin này có liên quan tới tình trạng máu đông sau khi tiêm.

 

Hiện Anh đã bắt đầu giảm tốc độ tiêm chủng sau khi đẩy lên tới đỉnh điểm là hơn 500.000 người được tiêm mỗi ngày vào giữa tháng 3. Việc giảm tốc độ, theo BBC, là để bảo đảm rằng hàng triệu người đã được tiêm mũi đầu tiên sẽ nhận được mũi thứ hai trong thời gian sớm nhất.

 

Sau khi đạt mục tiêu tiêm cho toàn bộ người trên 50 tuổi và các nhóm có nguy cơ cao, Anh đã bắt đầu tiêm cho nhóm từ 40 đến 49 tuổi.

 

Bộ trưởng Y tế Anh, ông Matt Hancock, cho biết sẽ có sự khác biệt về nhóm tuổi được tiêm chủng ở các đơn vị hành chính của Vương quốc Anh. Chẳng hạn ở xứ England và Scotland là từ 45/49 tuổi, ở Bắc Ireland là 40/45 tuổi, một số khu vực tại xứ Wales lại chọn nhóm từ 40/49 tuổi.

 

Cũng theo ông Hancock, tính đến ngày 12/4, hơn 40 triệu người trên khắp Vương quốc Anh đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19, trong đó có 7,8 triệu người được tiêm đầy đủ 2 liều.

 

Giáo sư Jeremy Brown - một cố vấn của Chính phủ Anh về vắc xin - cảnh báo sẽ có một sự "pha trộn" vắc xin trong những năm tới. "Một người có thể được tiêm 1 hoặc thậm chí 2 liều vắc xin Moderna, Pfizer hay AstraZeneca. Nhưng không có gì đảm bảo họ sẽ được tiêm cùng loại đó vào lần kế tiếp", ông Brown nêu quan điểm.

 

Do đó, theo giáo sư Brown, cần phải tiến hành các nghiên cứu về mức độ tương thích giữa các loại vắc xin hiện có ngay từ bây giờ.

Theo TTO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh