Nhật Bản đã yêu cầu Trung Quốc dừng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 từ hậu môn đối với công dân Nhật vì theo họ cách làm này gây ra "nỗi đau tâm lý".
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato - Ảnh: NHK |
Nhật Bản đã yêu cầu Trung Quốc dừng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 từ hậu môn đối với công dân Nhật vì theo họ cách làm này gây ra "nỗi đau tâm lý".
Ngày 1/3, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Kato Katsunobu nói rằng chính phủ nước này vẫn chưa nhận được phản hồi từ Trung Quốc về việc thay đổi quy trình xét nghiệm COVID-19 qua hậu môn. Do đó, Nhật Bản sẽ tiếp tục yêu cầu Trung Quốc thay đổi cách xét nghiệm này, theo Hãng tin Reuters.
"Một số công dân Nhật Bản nói với đại sứ quán chúng tôi ở Trung Quốc rằng họ đã phải lấy mẫu xét nghiệm từ hậu môn, gây ra nỗi đau tâm lý nặng nề" - ông Kato Katsunobu cho biết trong cuộc họp báo tại thủ đô Tokyo.
Ông nói rằng hiện không rõ bao nhiêu công dân Nhật Bản đã trải qua cách xét nghiệm COVID-19 như vậy.
Theo Hãng tin Kyodo, nhiều nhân viên người Nhật ở Bắc Kinh đã chỉ trích việc lấy mẫu xét nghiệm từ hậu môn, cho rằng cách làm này có thể vi phạm quyền con người và ảnh hưởng phẩm cách của họ.
Tháng trước, sau khi có thông tin các nhà ngoại giao Mỹ tại Trung Quốc bị yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 từ hậu môn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên lên tiếng khẳng định chưa bao giờ yêu cầu các nhà ngoại giao Mỹ làm như vậy.
Hồi cuối tháng 1, truyền thông Trung Quốc cho biết nước này đã bắt đầu sử dụng phương pháp lấy dịch hậu môn để xét nghiệm những người mà họ cho rằng có nguy cơ cao mắc COVID-19. Theo Hãng tin Reuters, trong hình thức xét nghiệm này, người ta sẽ đưa một que thử cotton dài từ 3-5cm vào trong hậu môn và xoay que thử quanh một cách nhẹ nhàng.
Một số thành phố Trung Quốc đã sử dụng mẫu xét nghiệm lấy từ hậu môn để phát hiện ca nhiễm. Theo Hãng tin Bloomberg, cách xét nghiệm này không phải là chính sách áp dụng rộng rãi toàn quốc, nhưng đang được dùng ngày càng nhiều với người dân, từ học sinh cho tới hành khách đến thủ đô Bắc Kinh.
Bác sĩ Lý Động Tăng, phó chủ nhiệm khoa bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Hựu An ở Bắc Kinh, cho biết phương pháp lấy dịch hậu môn có thể tăng tỉ lệ phát hiện các ca nhiễm vì dấu vết của virus tồn tại trong hậu môn lâu hơn trong đường thở.
Theo TTO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin