Hội đồng Bảo an LHQ nhất trí lên án, kêu gọi quân đội Myanmar 'kiềm chế tối đa'

11:03, 11/03/2021

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gồm 15 thành viên, trong đó có Trung Quốc và Mỹ, đã cảnh báo đang theo sát tình hình Myanmar. Nhóm này cũng kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar "kiềm chế tối đa" các hành động bạo lực nhắm vào dân thường.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gồm 15 thành viên, trong đó có Trung Quốc và Mỹ, đã cảnh báo đang theo sát tình hình Myanmar. Nhóm này cũng kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar "kiềm chế tối đa" các hành động bạo lực nhắm vào dân thường.

Người biểu tình Myanmar ở thành phố Mandalay rút lui khi bị cảnh sát dồn ép ngày 10/3. Theo mô tả của Reuters, những người này đã may mắn chạy thoát an toàn trước sự truy đuổi của lực lượng an ninh - Ảnh: REUTERS
Người biểu tình Myanmar ở thành phố Mandalay rút lui khi bị cảnh sát dồn ép ngày 10/3. Theo mô tả của Reuters, những người này đã may mắn chạy thoát an toàn trước sự truy đuổi của lực lượng an ninh - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters, dự thảo tuyên bố chung của Hội đồng Bảo an (HĐBA) do Anh đề xuất đã được điều chỉnh câu chữ để nhận được sự đồng thuận của 15 nước thành viên.

Tuyên bố chung được công bố ngày 10-3 (giờ Mỹ) nêu rõ HĐBA "lên án mạnh mẽ hành động bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa, bao gồm cả phụ nữ, thanh niên và trẻ em".

"HĐBA kêu gọi quân đội thực hiện kiềm chế tối đa và nhấn mạnh việc đang theo sát tình hình Myanmar", Reuters trích dẫn một phần trong tuyên bố chung. Các câu chữ lên án đảo chính và đe dọa sẽ có hành động tiếp theo đã bị loại bỏ khỏi dự thảo vì sự phản đối của một số nước, theo Reuters.

Một phát ngôn viên của quân đội đã không trả lời yêu cầu bình luận từ Reuters. Quân đội Myanmar, theo hãng tin của Anh, luôn phớt lờ các chỉ trích nhắm vào họ.

Tuyên bố chung của HĐBA được thông qua không lâu sau khi lực lượng an ninh Myanmar thực hiện các vụ vây bắt người biểu tình tại 2 quận của Yangon ngày 10/3. Đài phát thanh và truyền hình quốc gia Myanmar kế đó chiếu cảnh dẫn giải 29 người được cho là thủ lĩnh các cuộc biểu tình.

Theo mô tả của các nhân chứng có mặt tại hiện trường, cảnh sát đã xông vào một khu nhà ở của nhân viên đường sắt ở Yangon và dồn bắt hàng trăm người trong ngày 10/3. Một số người trốn được ra ngoài cho biết nhiều người đã bị cảnh sát đánh đập sau khi bị bắt.

"Tôi sẽ tiếp tục biểu tình và sẽ không dừng lại. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là đưa nền dân chủ trở lại Myanmar. Chúng tôi muốn thấy chính phủ dân cử trở lại", một thanh niên Myanmar nói với Reuters. Anh này khẳng định đã thoát khỏi vòng vây của cảnh sát nhờ trốn trong một máy giặt.

Rất nhiều nhân viên đường sắt đã tham gia phong trào bất tuân dân sự để phản đối việc quân đội Myanmar lật đổ chính quyền dân sự ngày 1/2. Trong một tuyên bố ngày 10/3, Đại sứ quán Mỹ tại Myanmar đã kêu gọi chính quyền quân sự rút binh sĩ khỏi quận Bắc Okkalapa, nơi họ cho rằng "các thường dân vô tội và sinh viên" đang bị bao vây.

Trong một báo cáo được công bố hồi đầu tháng 3 này, Báo cáo viên chuyên trách Myanmar Thomas Andrews đã kêu gọi HĐBA thông qua lệnh "cấm vận vũ khí toàn cầu" đối với Myanmar. Ông lập luận điều này có thể giúp ngăn chặn bạo lực tiếp diễn ở Myanmar, song việc lệnh cấm có được thông qua hay không lại là chuyện khác.

Nga và Trung Quốc, hai thành viên thường trực và có quyền phủ quyết trong HĐBA, vẫn giữ quan điểm những gì xảy ra ở Myanmar là chuyện nội bộ của nước này, theo Reuters.

Theo TTO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh