COVID-19 tới 6h sáng 29/3: Lây nhiễm tăng mạnh, Ấn Độ vượt 12 triệu ca; Đức kêu gọi phong toả cứng

12:03, 29/03/2021

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 6.200 ca tử vong mới, nâng tổng số người chết lên gần 2,8 triệu ca. Đức kêu gọi phong toả cứng trong khi Ấn Độ chứng kiến ca nhiễm mới tăng mạnh, đưa tổng ca bệnh vượt ngưỡng 12 triệu.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 6.200 ca tử vong mới, nâng tổng số người chết lên gần 2,8 triệu ca. Đức kêu gọi phong toả cứng trong khi Ấn Độ chứng kiến ca nhiễm mới tăng mạnh, đưa tổng ca bệnh vượt ngưỡng 12 triệu.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bảo tàng Neues ở Berlin, Đức, ngày 25/3/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bảo tàng Neues ở Berlin, Đức, ngày 25/3/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 29/3 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 127.740.942 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.795.339 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 466.294 và 6.258 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 102.893.250 người, 21.422.497 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 91.284 ca nguy kịch.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (68.206 ca), Brazil (44,326 ca) và Mỹ (39.423 ca); Brazil dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.512 ca), tiếp theo là Mỹ (439 ca) và Nga (336 ca)

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 30.955.753 triệu người, trong đó có 562.457 ca tử vong. Brazil ghi nhận tổng cộng 12.534.688 ca nhiễm, bao gồm 312.206 ca tử vong. Trong khi đó, Ấn Độ xếp thứ ba với 12.039.210 ca bệnh và 161.881 ca tử vong.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 28/3/2021. Ảnh: Yonhap/ TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 28/3/2021. Ảnh: Yonhap/ TTXVN

Ấn Độ: Lây nhiễm kỷ lục kể từ tháng 10/2020

Bộ Y tế Ấn Độ ngày 28/3 công bố thêm 62.714 ca mắc mới trong 24 giờ qua, là số ca mắc trong ngày cao nhất kể từ giữa tháng 10/2020. Số ca tử vong tăng thêm 312 ca - mức cao nhất kể từ Giáng sinh.

Trong vòng 24 giờ tính đến 6h sáng 29/3, Ấn Độ lại ghi nhận 68.206 ca mắc mới, nâng tổng ca bệnh lên 12.039.210 người, trong đó có 161.881 người không qua khỏi.

Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, chính quyền Delhi vừa áp đặt biện pháp nghiêm ngặt hạn chế người dân tụ tập trong các đám cưới, trong khi chính quyền bang Maharashtra (miền Tây Ấn Độ) áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm. 

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Delhi, Ấn Độ, ngày 24/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Delhi, Ấn Độ, ngày 24/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Đức kêu gọi phong tỏa cứng trong 2 tuần

Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn ngày 27/3 kêu gọi tiến hành "phong tỏa cứng" từ 10 đến 14 ngày nhằm kiểm soát sự bùng phát của đại dịch COVID-19 ở nước này.

Phát biểu trong cuộc đối thoại trực tuyến với người dân, Bộ trưởng Spahn cho rằng Đức thực sự cần ít nhất từ 10 đến 14 ngày ngừng mọi tiếp xúc và đi lại để có thể kiểm soát được tình trạng bùng phát đang tiếp tục xu hướng gia tăng mạnh hiện nay.

Theo ông, Đức cần áp đặt phong tỏa qua kỳ nghỉ Phục sinh vào tuần tới, tương tự như đã thực hiện hồi năm ngoái khi người dân Đức được yêu cầu ở nhà và tránh mọi tiếp xúc. Ông nhấn mạnh nếu xu hướng gia tăng không kiểm soát, hệ thống y tế Đức sẽ đạt tới hạn trong tháng 4 tới.

Một nhà hàng đóng cửa khi lệnh phong tỏa được áp dụng để ngăn dịch COVID-19 lây lan tại thành phố Munich, Đức ngày 22/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Một nhà hàng đóng cửa khi lệnh phong tỏa được áp dụng để ngăn dịch COVID-19 lây lan tại thành phố Munich, Đức ngày 22/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, Hiệp hội chăm sóc tích cực của Đức (DIVI) cũng đã kêu gọi thực hiện phong tỏa cứng trong 2 tuần, coi đây là cách thức duy nhất để tránh sự quá tải ở các bệnh viện.

Viện Robert Koch (RKI) ngày 27/3 thông báo chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày/100.000 dân ở Đức đã lên tới 124,9 - mức cao nhất từ giữa tháng 1/2021. Hiện tỷ lệ số ca mắc biến thể phát hiện ở Anh trong số các ca nhiễm mới ở Đức chiến trên 71%.

Các nhà dịch tễ học thậm chí cảnh báo về sự xuất hiện những biến thể mới, kể cả ở Đức. Theo chuyên gia Timo Ulrichs, khi bước vào giai đoạn tiêm chủng với số ca nhiễm cao, virus sẽ bị sức ép bởi vaccine và có nguy cơ biến thể "trốn thoát" sự tầm nã của chủng ngừa. Ông cho rằng để giữ nguy cơ các biến thể "đào tẩu" như vậy ở mức thấp thì cần phải giảm số ca nhiễm mới bằng các biện pháp phong tỏa cứng. 

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Berlin, Đức ngày 19/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Berlin, Đức ngày 19/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ukraine: Ca nhập viện cao kỷ lục

Bộ Y tế Ukraine thông báo số bệnh nhân mắc COVID-19 phải nhập viện ở nước này trong 24 giờ qua cao kỷ lục với 5.052 người. Cũng trong 24 giờ qua, Ukraine ghi nhận thêm 11.932 ca mắc mới và 203 ca tử vong do COVID-19. Bộ trưởng Y tế Maksym Stepanov cho rằng tình hình dịch bệnh diễn biến xấu đi là do sự lây lan của biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên ở Anh. 

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Saint-Quentin-en-Yvelines, Pháp, ngày 24/3/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Saint-Quentin-en-Yvelines, Pháp, ngày 24/3/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Nga: Tổng thống Putin kêu gọi người dân tiêm vaccine

Ngày 28/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng kêu gọi người dân nước này tiêm vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nhằm đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này.

Tổng thống Putin nhấn mạnh việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 là "rất cần thiết" nếu "người dân muốn cảm thấy tự tin, không muốn mắc bệnh và gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng sau khi mắc bệnh". Ông cũng cho biết Nga sẽ có thể dỡ bỏ các biện pháp hạn chế hiện vẫn áp dụng để phòng chống dịch khi có khoảng 70% người trưởng thành Nga được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Mục tiêu này có thể đạt được vào cuối mùa Hè tới.

Trước đó, ngày 23/3, Tổng thống Putin đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Điện Kremlin không nói rõ loại vaccine mà Tổng thống Nga được chủng ngừa, song khẳng định vaccine này nằm trong 3 loại vaccine do Nga phát triển gồm Sputnik V, EpiVacCorona và CoviVac. Trong cuộc phỏng vấn trên, ông Putin cho biết ông đã gặp tác dụng phụ nhẹ là đau cơ sau khi tiêm mũi vaccine đầu tiên song không bị sốt.

Ba Lan cùng ngày cũng ghi nhận thêm 29.253 ca mắc và 131 ca tử vong. Tới nay, đất nước với 38 triệu dân này đã ghi nhận 2.250.991 ca mắc, trong đó có 51.884 ca tử vong do COVID-19. Nước này hiện đang áp đặt lệnh hạn chế mới trên toàn quốc, có hiệu lực từ ngày 20/3 - 9/4 tới.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở London, Anh ngày 18/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở London, Anh ngày 18/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Hong Kong/Trung Quốc: Tình hình được cải thiện

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tiếp tục cải thiện ở Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) khi vùng lãnh thổ này ngày thứ 2 liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Trung tâm Bảo vệ sức khỏe cho biết chỉ có một ca bệnh nhập cảnh được phát hiện trong 24 giờ qua (tính đến 24h00 ngày 27/3).

Số ca mắc COVID-19 tại Hong Kong hiện là 11.446 ca. Giới chức Đặc khu hành chính Hong Kong kêu gọi công chúng không chủ quan, tiếp tục tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội trong kỳ nghỉ sắp tới và chủ động tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Campuchia: Nhiều trẻ em nhiễm virus

Theo tờ Phnom Penh Post, Bộ Y tế Campuchia thông báo ngày 28/3 nước này ghi nhận thêm 86 ca COVID-19 có liên quan đến "sự cố cộng đồng ngày 20/2". Đáng chú ý là trong số các bệnh nhân có 11 trẻ em, từ 18 tháng đến 15 tuổi. 

Tổng số ca bệnh tại Campuchia đã lên tới 2.233 trường hợp, trong đó có 1.708 ca liên quan đến "sự cố cộng đồng", 1.054 bệnh nhân đang được điều trị và 10 ca tử vong.

Cùng ngày, để ứng phó với tình hình COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, Bộ Lao động Campuchia quyết định gia hạn giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại nước này cho đến hết tháng 5/2021. 

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 22/3/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 22/3/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo một sắc lệnh do Bộ trưởng Lao động Campuchia Ith Samheng ký ngày 27/3, dịch COVID-19 toàn cầu và “sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2” tại Campuchia đã khiến rất nhiều người nước ngoài đang có giấy phép lao động năm 2020 không thể trở về nước.

Do đó, Bộ Lao động Campuchia thông báo tới tất cả chủ doanh nghiệp và nhà máy về việc giấy phép lao động năm 2020 của người nước ngoài sẽ có giá trị sử dụng tới tháng 5/2021. 

Philippines ngày thứ ba liên tiếp ghi nhận hơn 9.000 ca mắc mới

Tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến nghiêm trọng tại Philippines khi quốc gia Đông Nam Á này ngày 28/3 ghi nhận hơn 9.400 ca mắc mới, đánh dấu ngày thứ 3 liên tiếp có trên 9.000 ca mắc mới.

Cụ thể, Philippines ghi nhận thêm 9.475 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 721.892 ca. Số ca tử vong cũng tăng thêm 1 trường hợp, nâng tổng số lên 13.170 ca.

Với dân số khoảng 110 triệu người, Philippines đã xét nghiệm cho hơn 9 triệu người kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát hồi tháng 1 năm ngoái. Tổng thống Rodrigo Duterte đã nhất trí áp đặt các biện pháp giãn cách ở mức cao nhất tại thủ đô Manila và các tỉnh lân cận.

Các biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 29/3 đến ngày 4/4. Lệnh giới nghiêm cũng được áp đặt từ 18h tới 5h sáng hôm sau và kéo dài trong 7 ngày tại những khu vực trên. 

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 20/3/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 20/3/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Malaysia đẩy mạnh chương trình tiêm chủng 

Tại Malaysia, hơn 1.400 trung tâm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sẽ được thành lập trên cả nước trong giai đoạn 2 và 3 của Chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19, bao gồm các địa điểm tại một số bệnh viện và phòng khám tư nhân.

Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia Ahmad Amzad Hashim đã công bố thông tin trên trong cuộc họp báo ngày 28/3. 

Tính điến thời điểm hiện tại, chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 của Malaysia đã tiêm được vaccine cho hơn 566.000 người và lịch trình tiêm sẽ được đẩy nhanh để có thể tạo miễn dịch cộng đồng trước khi kết thúc năm. 

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 12/3/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 12/3/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia công bố báo cáo tình hình dịch bệnh COVID-19 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 1.302 ca nhiễm mới SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, trong đó có 1.293 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 341.944 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 1.255 ca tử vong do COVID-19.  

Trong khi đó, Thái Lan cùng ngày ghi nhận 77 ca mắc mới COVID-19 và thêm 1 ca tử vong. Trong tổng số ca mắc mới có 58 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó thủ đô Bangkok chiếm 32 ca và tỉnh Samut Sakhon chiếm 16 ca. Ca tử vong thứ 94 là một cụ bà 75 tuổi vốn có bệnh lý nền cholesterol cao và rối loạn tuyến giáp.

Tới nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 28.734 ca mắc COVID-19, trong đó 27.239 bệnh nhân đã bình phục hoàn toàn và được xuất viện, trong khi 1.401 người khác hiện đang được điều trị tại bệnh viện. 

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhân viên y tế tại Manila, Philippines, ngày 23/3/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhân viên y tế tại Manila, Philippines, ngày 23/3/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Indonesia tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới

Indonesia ngày 28/3 ghi nhận có thêm 4.083 ca nhiễm mới và 85 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua. Tính đến nay, nước này ghi nhận 1.496.085 ca nhiễm, trong đó số bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi là 40.449 ca. 

Theo Bộ Y tế Indonesia, trong 24 giờ qua có thêm 4.279 bệnh nhân COVID-19 ở nước này được điều trị khỏi và xuất viện. Đến nay, số người bình phục tại nước này tổng cộng là 1.331.400 người. 

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Tangerang, Banten, Indonesia, ngày 13/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Tangerang, Banten, Indonesia, ngày 13/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Thu Hằng/Báo Tin tức

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh