Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, ngày 28/3, Chính phủ Sudan đã ký thỏa thuận với Phong trào giải phóng nhân dân Sudan - Bắc (SPLM-N) do thủ lĩnh Abdelaziz al-Hilu đứng đầu ở khu vực vùng núi Nuba, miền Nam nước này nhằm mở đường cho các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, ngày 28/3, Chính phủ Sudan đã ký thỏa thuận với Phong trào giải phóng nhân dân Sudan - Bắc (SPLM-N) do thủ lĩnh Abdelaziz al-Hilu đứng đầu ở khu vực vùng núi Nuba, miền Nam nước này nhằm mở đường cho các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai.
Lực lượng an ninh Sudan tuần tra tại El Geneina, bang Tây Darfur. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN |
Thỏa thuận mang tên "Tuyên bố về các nguyên tắc" do người đứng đầu nhà nước Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan và ông Abdelaziz al-Hilu, người đứng đầu SPLM-N, ký kết ở thủ đô Juba của Nam Sudan, theo đó các cuộc đàm phán về thỏa thuận hòa bình cuối cùng giờ đây đã có thể được khởi động.
Tuyên bố đưa ra các ưu tiên, bao gồm việc thống nhất các lực lượng vũ trang và thành lập một nhà nước dân chủ, thế tục với chủ trương tự do tôn giáo.
Ông Ramadan Goch - quan chức thuộc nhóm hòa giải chỉ rõ: “Bước tiếp theo là hai bên sẽ nối lại đàm phán trong 3 tuần kể từ bây giờ”. Theo ông Goch, các bên sẽ tổ chức các đoàn đàm phán và chuẩn bị nối lại các cuộc đàm phán hòa bình.
Chính quyền chuyển tiếp ở Khartoum, bao gồm lực lượng quân sự và dân sự được thành lập sau khi phế truất Tổng thống Omar al-Bashir hồi năm 2019, đã coi việc thiết lập hòa bình với các nhóm nổi dậy là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Điều này sẽ góp phần mang lại hòa bình và ổn định lâu dài cho quốc gia châu Phi này.
Trước đó, một thỏa thuận lịch sử đã được ký kết vào tháng 10 năm ngoái với Mặt trận Cách mạng Sudan, một liên minh của các nhóm nổi dậy từ các vùng Darfur, Blue Nile và Nam Kordofan. Một nhánh của Phong trào Giải phóng Sudan do Abdelwahid Nour làm thủ lĩnh ở Darfur đã từ chối ký thỏa thuận.
SPLM-N đã ký lệnh ngừng bắn riêng biệt, cho phép các thành viên của nhóm này được giữ lại vũ khí để "tự vệ" cho đến khi hiến pháp Sudan được sửa đổi để đảm bảo sự tách biệt giữa nhà nước và tôn giáo.
Nam Kordofan và ở một mức độ thấp hơn là bang Blue Nile có nhiều người theo Công giáo, những người đã đấu tranh trong nhiều thập kỷ qua để chấm dứt việc áp đặt luật Hồi giáo của chính quyền Khartoum đối với những khu vực này.
Theo Trương Anh Tuấn (TTXVN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin