Ngày 22/2, một quan chức thuộc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật - Quân sự Liên bang Nga cho biết nếu Iran quan tâm đến việc mua vũ khí của Nga sau khi lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ thì Moskva sẵn sàng đáp ứng.
Ngày 22/2, một quan chức thuộc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật - Quân sự Liên bang Nga cho biết nếu Iran quan tâm đến việc mua vũ khí của Nga sau khi lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ thì Moskva sẵn sàng đáp ứng.
Bên trong cơ sở hạt nhân Natanz, cách thủ đô Tehran của Iran 300km về phía nam, ngày 4/11/2019. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu bên lề Triển lãm quốc phòng quốc tế IDEX 2021 ở thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), quan chức trên nói: "Chúng tôi biết rõ rằng Iran quan tâm đến việc mua sắm nhiều loại khí tài quân sự. Và về phần mình, chúng tôi khẳng định quyết tâm trong việc thực hiện tất cả các dự án song phương mà hai bên cùng quan tâm. Tôi nghĩ rằng điều này sẽ tạo động lực mới cho hợp tác quân sự - kỹ thuật giữa hai nước".
Lệnh cấm vận vũ khí kéo dài nhiều năm của Liên hợp quốc đối với Iran đã hết hạn vào tháng 10/2020, bất chấp những nỗ lực gia hạn của Mỹ. Tehran nói rằng hiện nước này đã được “cởi trói” trong việc mua sắm vũ khí, nhưng sẽ không có ý định tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang.
Trong khi đó, liên quan đến thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký năm 2015 với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức), Mỹ và Đức đã kêu gọi Iran tuân thủ thỏa thuận mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Tại Hội nghị Giải trừ quân bị tại Geneva (Thụy Sĩ) do Liên hợp quốc bảo trợ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Iran phải tuân thủ các thỏa thuận bảo đảm của mình với IAEA cũng như các trách nhiệm của mình với quốc tế.
Ông Blinken cho biết Washington sẽ tìm cách củng cố và mở rộng thỏa thuận JCPOA nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran. Ông Blinken khẳng định: "Hợp tác với các đồng minh và đối tác, chúng tôi cũng sẽ tìm cách kéo dài và củng cố JCPOA cũng như giải quyết nhiều mối quan ngại khác.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Mass đã kêu gọi cứu vãn thỏa thuận JCPOA mà ông cho là vì lợi ích của Tehran.
Ông Maas nhấn mạnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẵn sàng quay lại thỏa thuận JCPOA. Ngoại trưởng Maas cũng bày tỏ Đức hy vọng Iran “tuyệt đối tuân thủ, tuyệt đối minh bạch và hợp tác triệt để” với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trong việc thanh sát các hoạt động hạt nhân của Tehran.
Tuy nhiên, về phần mình Iran cũng kêu gọi Mỹ đưa ra các cam kết đối với JCPOA. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, ông Saeed Khatibzadeh ngày 22/2 cho biết Mỹ trước tiên nên đưa ra các cam kết đối với JCPOA, để có thể tham gia trở lại thỏa thuận này.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Khatibzadeh khẳng định: “Mỹ không chỉ rời bỏ JCPOA, mà còn giăng bẫy bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran… Mỹ trước tiên phải công bố các cam kết đối với JCPOA để có thể quay trở lại thỏa thuận này”. Ông nhấn mạnh thêm, Washington phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran để có thể tham gia đối thoại trong khuôn khổ JCPOA.
Trước đó, hôm 20/2, Thứ trưởng Ngoại giao Iran, ông Abbas Araqchi cho hay Iran đang xem xét đề nghị của Liên minh châu Âu (EU) về việc tham dự cuộc họp không chính thức giữa Iran và các bên khác của JCPOA, trong đó Mỹ cũng tham dự với tư cách khách mời.
THEO Phương Hoa (TTXVN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin