Tất cả 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an đã đồng tình ủng hộ nghị quyết kêu gọi cải thiện khả năng tiếp cận vắcxin ngừa COVID-19 ở các nước đang rơi vào tình trạng xung đột hoặc nghèo đói.
Tất cả 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an đã đồng tình ủng hộ nghị quyết kêu gọi cải thiện khả năng tiếp cận vắcxin ngừa COVID-19 ở các nước đang rơi vào tình trạng xung đột hoặc nghèo đói.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Pretoria, Nam Phi, ngày 17/2/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 26/2, các nhà ngoại giao cho biết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết kêu gọi cải thiện khả năng tiếp cận vắcxin ngừa COVID-19 ở các nước đang rơi vào tình trạng xung đột hoặc nghèo đói.
Đây là nghị quyết thứ hai về COVID-19 được Hội đồng Bảo an thông qua kể từ khi đại dịch này bắt đầu xuất hiện một năm trước.
Theo các nguồn tin, nghị quyết đã được tất cả 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an đồng tình ủng hộ.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 26/2, Côte d'Ivoire đã nhận được lô vắcxin phòng COVID-19 đầu tiên, với 504.000 liều AstraZeneca/Oxford được tài trợ theo cơ chế COVAX do Liên hợp quốc chủ trì dành riêng cho các nước khó khăn.
Hiện, Côte d'Ivoire, quốc gia với 25 triệu dân, đã ghi nhận tổng cộng hơn 32.200 trường hợp mắc COVID-19 và khoảng 190 trường hợp tử vong. Côte d'Ivoire là một trong những quốc gia đầu tiên được hưởng lợi từ vắcxin do cơ chế COVAX tài trợ nhằm cung cấp vắcxin cho 20% dân số trong năm 2021 cho 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hiện, một số nước châu Phi đã khởi động chiến dịch tiêm chủng gồm Nam Phi, Zimbabwe, Seychelles, Mauritius, từ Rwanda, Equatorial Guinea, Guinea, Algeria, Maroc, Ai Cập và Senegal.
Để giúp đẩy nhanh việc tiêm chủng cho 1,3 tỷ người châu Phi, Liên minh châu Phi (AU) cho biết họ đã bảo đảm 270 triệu liều vắcxin để phân phối cho các quốc gia thành viên trong năm nay.
Trong một diễn biến liên quan đến vắcxin ngừa COVID-19, ngày 26/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã điện đàm, trong đó nhất trí đàm phán về vấn đề cung cấp và cùng sản xuất vắcxin Sputnik V của Nga
Trong một tuyên bố, Điện Kremlin nêu rõ: "Các vấn đề đối phó với sự lây lan của dịch bệnh đã được (hai nhà lãnh đạo) thảo luận chi tiết, trong đó có khả năng cung cấp vắcxin Sputnik V của Nga cho Áo, cũng như thiết lập hoạt động sản xuất chung vắcxin."
Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) vấp phải sự chỉ trích vì chậm trễ trong triển khai chương trình tiêm chủng đại trà sau khi gặp phải sự cố về nguồn cung.
Một vài nước thành viên EU khác, trong đó có Đức và Tây Ban Nha đã bày tỏ sự quan tâm tới vắcxin của Nga nếu vắcxin này được Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép sử dụng.
Trong khi đó, Hungary đã trở thành quốc gia thành viên EU đầu tiên tiêm chủng vắcxin Sputnik V của Nga vào ngày 12/2.
Cùng ngày, cơ quan quản lý dược phẩm của Canada đã cấp phép sử dụng vắcxin ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca.
Đây là loại vắcxin thứ ba được phép sử dụng ở Canada, cho phép nước này đẩy nhanh chương trình chủng ngừa COVID-19.
Vắcxin của hãng AstraZeneca được Canada cấp phép sử dụng thông qua một hệ thống đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, tương tự quyền cấp phép sử dụng khẩn cấp của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ. Theo các báo cáo, Chính phủ Canada đã đặt mua 20 triệu liều vắcxin của hãng AstraZeneca.
Trước đó, tháng 12/2020, Canada đã cấp phép sử dụng vắcxin ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech và Moderna.
Theo các thỏa thuận mua vắcxin được công bố, Canada đã đặt mua số lượng vắcxin tính theo số dân nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên, nước này triển khai chương trình tiêm chủng khá chậm, một phần do tiến độ giao hàng chậm của các nhà sản xuất vắcxin.
Tính đến ngày 26/2, Canada ghi nhận hơn 858.000 ca mắc COVID-19 và 21.865 ca tử vong./.
Theo Tấn Đạt-Hữu Thanh-Minh Châu (TTXVN/Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin