Quốc hội Mỹ vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Trump đối với dự luật quốc phòng

02:01, 02/01/2021

Ngày 1/1 (rạng sáng 2/1 theo giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Donald Trump đối với Đạo luật Cấp phép Quốc phòng (NDAA) tài khóa 2021.

Ngày 1/1 (rạng sáng 2/1 theo giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Donald Trump đối với Đạo luật Cấp phép Quốc phòng (NDAA) tài khóa 2021.

Trụ sở Quốc hội Mỹ ở Washington D.C. Ảnh: Washington Post
Trụ sở Quốc hội Mỹ ở Washington D.C. Ảnh: Washington Post

Với 81 phiếu thuận và 13 phiếu chống, dự luật đã nhận được một đa số ủng hộ áp đảo (trên 2/3) và Thượng viện Mỹ đã vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Trump đối với NDAA theo đúng luật định.

Đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, Quốc hội Mỹ vô hiệu hóa quyền phủ quyết của tổng thống. Với diễn biến mới này, dự luật NDAA 2021 sẽ trở thành luật.

Trước đó, ngày 28/12, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu với kết quả ủng hộ áp đảo để bác bỏ quyền phủ quyết của Tổng thống Trump đối với Dự luật Cấp phép Quốc phòng mà lưỡng viện nước này thông qua hồi tháng trước. Tại cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện, 322 Hạ nghị sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ (87 phiếu chống), qua đó đảm bảo tổng thống không thể dùng quyền phủ quyết theo hiến định.

Ngày 23/12, Tổng thống Mỹ Trump đã phủ quyết dự luật NDAA cho năm tài chính 2021 trị giá hơn 740 tỷ USD. Ông phản đối mạnh mẽ đạo luật này vì cho rằng nó không bãi bỏ Điều 230 của đạo luật, bảo vệ các công ty công nghệ như Google, Twitter và Facebook khỏi trách nhiệm pháp lý đối với những gì xuất hiện trên nền tảng của họ.

Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng phản đối NDAA do bao gồm điều khoản đặt tên lại các căn cứ quân sự vốn đang đặt theo tên của các chỉ huy Liên minh miền Nam thời Nội chiến tại nước này.

Đạo luật NDAA đã trở thành luật 59 năm liên tiếp, được coi là phải thông qua, vì văn kiện này cho phép cấp lương và tiền thưởng đặc biệt cho các thành viên phục vụ trong quân đội, cũng như các dự án xây dựng quân sự và chương trình đào tạo quân sự của Mỹ.

Theo một số nhận định, dự luật trị giá 740,5 tỷ USD nhằm giúp củng cố thế trận của Mỹ và các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cấp ngân sách cho việc mở rộng hạm đội tàu ngầm tấn công.

Ngoài ra, dự luật cũng thiết lập một vị trí điều hành an ninh mạng mới nhằm điều phối các hoạt động liên quan đến an ninh trong chính phủ và lập kế hoạch giúp Bộ Quốc phòng Mỹ giảm sự phụ thuộc vào ngành sản xuất của Trung Quốc, từ các thiết bị vi điện tử đến khẩu trang y tế.

Hạ nghị sĩ Mac Thornberry thuộc đảng Cộng hòa, người bảo trợ chính của dự luật NDAA, cho rằng việc thông qua dự luật quốc phòng mới không nên bị cản trở chỉ vì các tranh cãi chính trị không liên quan. Theo Hạ nghị sĩ này, Điều 230 của Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông cần được giải quyết nhưng trong một trường hợp khác và theo cách khác.

Theo ông, sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng đã giúp văn kiện này dễ dàng được thông qua khi Quốc hội xem xét phê duyệt ngân sách liên bang và một gói cứu trợ mới nhằm vực dậy nền kinh tế bị tàn phá do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh