Nhiều người gọi năm 2020 là năm tồi tệ nhất. Dù những tác động của đại dịch Covid-19 sẽ còn nhận thấy được trong hàng thập kỷ tới, nhưng vẫn có nhiều lý do để lạc quan bước vào năm 2021.
Nhiều người gọi năm 2020 là năm tồi tệ nhất. Dù những tác động của đại dịch Covid-19 sẽ còn nhận thấy được trong hàng thập kỷ tới, nhưng vẫn có nhiều lý do để lạc quan bước vào năm 2021.
Nhiều người gọi năm 2020 là năm tồi tệ nhất trong khoảng ký ức gần đây. Đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 80 triệu người mắc bệnh, trong đó khoảng 1,7 triệu người trên thế giới tử vong, nhiều nước chìm vào suy thoái, các thị trường hỗn loạn, các chuyến bay thương mại quốc tế buộc phải đình chỉ, các trường học đóng cửa, nhiều thành phố phải phong tỏa, đồng thời đặt gánh nặng lên vai các bệnh viện và nhân viên y tế.
Dù những tác động của dịch bệnh sẽ còn nhận thấy được trong hàng thập kỷ tới, thì vẫn có nhiều lý do để lạc quan bước vào năm 2021.
Sau một năm tồi tệ vì đại dịch Covid-19, thế giới có thể bước vào năm 2021 với sự lạc quan. Ảnh: KT |
Đại dịch Covid là chất xúc tác cho những thay đổi tích cực
Lực lượng lao động chủ chốt ở các khu vực như châu Âu và Mỹ đã bắt đầu được tiêm vaccine ngừa Covid-19, và các nước châu Á cũng đang bắt đầu quy trình phê duyệt – đồng nghĩa với việc chiến dịch tiêm chủng chỉ còn cách thời điểm hiện nay vài tháng. Nếu có đủ số liều được sản xuất, được thu mua và phân phối tới người dân, cuộc sống có thể phần nào trở lại bình thường.
Covid-19 cũng khiến mọi người, các chính phủ, các công ty phải cân nhắc về các khía cạnh trong thực tiễn, xem xét tới nhiều cách thức trong cuộc sống, điều hành và làm ăn kinh doanh. Theo nhiều cách, đại dịch này là chất xúc tác để thay đổi, đẩy nhanh những thay đổi vốn diễn ra rất chậm chạp.
Trong khi các dòng tít của báo chí tập trung vào các phương thức điều trị Covid-19 và vaccine ngừa Covid-19, “cơn gió độc” do đại dịch mang tới đã thúc đẩy lĩnh vực công và tư nhân đầu tư vào y học và chăm sóc sức khỏe nói chung. Xu hướng này này sẽ vẫn được duy trì trong năm 2021.
Tại một diễn đàn hồi tháng 9/2020, Giám đốc phụ trách khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Takeshi Kasai nói rằng, đại dịch đã làm thay đổi cách thức các xã hội vận hành và cách chúng ta nhận thức về giá trị sức khỏe và y tế.
“Tình huống này đòi hỏi chúng ta phải dỡ bỏ các rào cản, hợp tác với sự đoàn kết, mở ra không gian cho các ý tưởng mới, các đối tác mới và bao quát những bất ổn và sự sáng tạo, đồng thời tính toán các rủi ro – điều vô cùng cốt yếu của sự đổi mới”, ông Kasai nói.
Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa bùng nổ và đại dịch cũng nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về các vấn đề bền vững và sức khỏe: những người tiêu dùng trẻ sẽ mua nhiều sản phẩm lành mạnh, bền vững và có đạo đức hơn.
Sự phát triển của khoa học, AI và 5G
Không liên quan đến đại dịch Covid-19, năm 2021 có khả năng báo trước những tiến bộ trong chỉnh sửa bộ gen - một công cụ quan trọng trong việc phát triển bộ dụng cụ chẩn đoán Covid-19 và thuốc chống kháng virus, cũng như các phương pháp điều trị mới cho bệnh ung thư và các bệnh hiếm gặp. Năm 2021 cũng có thể mang lại tiến bộ trong điện toán lượng tử và cải thiện quản lý thảm họa thông qua việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data).
Ngoài ra, 5G, kỷ nguyên mới trong lĩnh vực viễn thông có thể cuối cùng cũng sẽ đến. Cả Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ nhanh chóng triển khai công nghệ này trên toàn quốc, tạo nền tảng cho sự đổi mới.
Kỷ nguyên 5G có thể sẽ đến trong năm 2021. Ảnh: Getty |
Nhu cầu về các dịch vụ đám mây – một vũ đài quan trọng cho giai đoạn cạnh tranh tiếp theo giữa các gã khổng lồ công nghệ - sẽ tiếp tục nổi lên khi ngày càng nhiều công ty chuyển các hoạt động sang trực tuyến để làm giảm tình trạng ngắt quãng do các sự kiện bất thường gây ra.
Các nhà phân tích nhận thấy có tiềm năng tăng trưởng rất lớn ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, vì mức độ chấp nhận của các doanh nghiệp ở đây thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp ở Mỹ và châu Âu.
Nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng trở lại
Năm 2020 đã chứng kiến nhiều nền kinh tế rơi vào suy thoái. Theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), GDP của khu vực châu Á giảm 0,4% trong năm 2020. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu tích cực hơn trong năm 2021, khi ADB dự báo tăng trưởng khu vực ở mức 6,8%.
Các nhà kinh tế học của Trung tâm nghiên cứu kinh tế và Nikkei cũng dự đoán có sự thay đổi trong năm tới, dù các mức tăng trưởng trước đại dịch sẽ chỉ trở lại vào năm 2022. Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến sẽ dẫn đầu xu hướng tăng trưởng. ADB dự báo tăng trưởng của 2 nước này lần lượt là 7,7% và 8% trong năm 2021.
Một trong những thay đổi rõ ràng nhất trong năm 2020 đối với các lao động “áo trắng” là sự linh động ngày càng gia tăng đối cơ chế việc làm việc ở nhà – điều cốt yếu do các lệnh phong tỏa vì Covid-19.
Nhiều công ty, trong đó có cả các công ty ở Đông Á - nơi mà văn hóa “cố làm thêm giờ cho vừa lòng chủ” vẫn còn hiện hữu, giờ đây đang coi cơ chế làm việc từ xa tạm thời là một lựa chọn lâu dài.
Cơ chế làm việc từ xa có thể trở thành lựa chọn lâu dài. Ảnh: Nikkei Asia |
Về ngoại giao, các nhà lãnh đạo châu Á có thể “lấy lại tinh thần” sau 4 năm đối mặt với một chính quyền Mỹ do Tổng thống Donald Trump khó đoán lãnh đạo khi ông Biden chuyển tới Nhà Trắng. Cựu Phó Tổng thống Mỹ được cho là sẽ không đưa ra bất kỳ chính sách nào gây khó chịu cho châu Á, ngay cả đối với Trung Quốc.
Chu Fengcheng, một đối tác tại công ty tư vấn chính trị Plenum China có trụ sở tại Hong Kong, cho biết: “Chính quyền Biden sẽ cho các bên một cơ hội nhỏ để thiết lập lại một phần, vì ông ấy sẽ thực hiện cách tiếp cận có cấu trúc hơn với Trung Quốc, mặc dù vẫn mang tính cạnh tranh cao”.
Nhà lãnh đạo sắp tới của Mỹ dự kiến khôi phục các cuộc đàm phán thương mại và hợp tác với Bắc Kinh về các vấn đề như biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, sẽ vẫn có cơ hội cho Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) hoàn tất vào năm tới, nhưng có nhiều trở ngại cần vượt qua để thu hẹp sự chia rẽ lợi ích cơ bản.
Các hoạt động văn hóa, du lịch có thể trở lại bình thường?
Tuy nhiên, câu hỏi là liệu mọi người có thể đi lại vì lý do công việc hoặc nghỉ dưỡng, hay thăm người thân ở nước ngoài hay không? Các nước châu Á đã thiết lập bong bóng đi lại để đưa sự “bình thường” trở lại với ngành công nghiệp hàng không đang bị tê liệt.
Australia và New Zealand đã đồng ý thiết lập bong bóng đi lại vào quý 1/2021; Hong Kong và Singapore cũng đang tìm cách khởi động hoạt động vị trì hoãn để cho phép hoạt động đi lại diễn ra giữa các thành phố.
Bong bóng đi lại sẽ giúp khôi phục các hoạt động đi lại giữa các nước. Ảnh: AP |
Những người yêu văn hóa đều đang hy vọng New York sẽ mở cửa trở lại trên diện rộng các buổi hòa nhạc, chiếu phim, sân khấu và các sự kiện lớn có đông đảo khán giả cả trong nhà và ngoài trời.
Sự kiện thể thao lớn nhất trong năm tới, Thế vận hội Tokyo, dự kiến khai mạc vào cuối tháng 7/2021 và ban tổ chức đã quyết định vẫn tổ chức sự kiện này dù còn nhiều hoài nghi. Giải bóng bầu dục Hong Kong Sevens thu hút hàng nghìn người hâm mộ ở nước ngoài được dời lịch từ mùa xuân tới tháng 11/2021.
Những người yêu điện cảnh đã “phát chán” với Netflix, Amazon Prime Video và Disney+ - vốn đang chờ đợi các bộ phim “bom tấn” được công chiếu do trì hoãn vì đại dịch trong năm 2020 như “Dune”, Black Widow” và James Bond – có thể mong đợi khả năng mở cửa lại các rạp chiếu phim mà không kèm theo các hạn chế nào./.
Theo Hoàng Phạm/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin