Hơn 1,5 triệu người trên thế giới đã tiêm vắcxin Sputnik-V

02:01, 11/01/2021

Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho biết đến nay đã có hơn 1,5 triệu người trên thế giới được chủng ngừa COVID-19 bằng vắcxin Sputnik-V.

Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho biết đến nay đã có hơn 1,5 triệu người trên thế giới được chủng ngừa COVID-19 bằng vắcxin Sputnik-V.

 

Nhân viên y tế tiêm vắcxin Sputnik-V phòng COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Nhân viên y tế tiêm vắcxin Sputnik-V phòng COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Cuộc tham vấn cấp chuyên gia đầu tiên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc cho phép sử dụng vắcxin COVID-19 Sputnik-V do Nga sản xuất trong tình huống khẩn cấp sẽ diễn ra ngày 20/1.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Cố vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nga Sergei Glagolev đã cho biết thông tin trên khi phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya-1 tối 10/1.

Trước đó, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Y tế Nga Alexey Kuznetsov cho biết việc WHO đưa Sputnik-V vào danh sách vắcxin sử dụng trong các tình huống khẩn cấp sẽ giúp đơn giản hóa việc đăng ký vắcxin này ở nước ngoài, đồng thời mở ra cơ hội cung cấp vắcxin trong khuôn khổ những chương trình cung ứng thuốc quốc tế dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, như thông qua WHO và UNESCO.

Cách bảo vệ tốt nhất chống lại các bệnh truyền nhiễm là tiêm chủng và đại dịch COVID-19 cũng không ngoại lệ.

Trong một diễn biến khác, Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho biết đến nay đã có hơn 1,5 triệu người trên thế giới được chủng ngừa COVID-19 bằng vắcxin Sputnik-V.

Đến nay Nga là quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vắcxin ngừa COVID-19.

Vắcxin Sputnik-V do Viện nghiên cứu Gamaleya hợp tác với Quỹ đầu tư trực tiếp Nga phát triển.

Ngày 10/1, Tổng thống Cộng hòa Seychelles, ông Wavel Ramkalawan và hàng chục quan chức nước này đã được tiêm vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đưa quần đảo Ấn Độ Dương này trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên khởi động chiến dịch tiêm chủng chống COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Tổng thống Ramkalawan là người đầu tiên được tiêm chủng tại Bệnh viện Victoria và sự kiện này đã được truyền trực tiếp trên nhiều đài phát thanh-truyền hình cả nước. Ông nói: "Tôi khuyến khích tất cả người Seychelles tiêm vắcxin để ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh COVID-19."

Loại vắcxin mà Seychelles sử dụng để tiêm chủng do Phòng thí nghiệm quốc gia Trung Quốc Sinopharm kết hợp với công ty con của Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG) nghiên cứu và phát triển. Seychelles đã nhận được 50.000 liều do Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), quốc gia có quan hệ ngoại giao chặt chẽ với nước này tặng. Toàn bộ dân số của Seychelles với khoảng 95.000 người đang được tiêm chủng trên cơ sở tự nguyện.

Tổng cộng có khoảng 80 người, bao gồm Đệ nhất phu nhân, các bộ trưởng và vợ của họ, cùng các quan chức, đã được tiêm chủng trong ngày 10/1.

Chiến dịch tiêm chủng này sẽ mở rộng cho các nhân viên y tế vào ngày 11/1, sau đó đến những người làm việc trong các ngành thiết yếu, tiếp theo là những người trên 65 tuổi và cuối cùng là toàn bộ người dân.

Theo Tổng thống Ramkalawan, Seychelles cũng đang chờ đợi 50.000 liều vắcxin của AstraZeneca/Đại học Oxford, một khoản tài trợ do chính phủ Ấn Độ cung cấp dự kiến sẽ đến Seychelles vào cuối tháng 1 này.

Tính đến thời điểm hiện tại, quần đảo này đã ghi nhận tổng cộng 531 trường hợp mắc COVID-19 và một ca tử vong, trong đó có 278 trường hợp mắc bệnh đã được điều trị khỏi. Trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 23 ca nhiễm mới.

Hiện châu Phi mới ghi nhận hơn 3 triệu ca mắc COVID-19 và 72.000 trường hợp tử vong, ít hơn nhiều so với các châu lục khác, chẳng hạn như 16 triệu ca mắc và hơn 500.000 trường hợp tử vong ở khu vực Nam Mỹ và Caribe.

Tuy nhiên, một số quốc gia ở Lục địa Đen đang phải đối mặt với đợt dịch mới, chẳng hạn như Nam Phi, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất với khoảng 1,2 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 32.000 ca tử vong.

Trước đó, ngày 7/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo rằng các quốc gia nghèo nhất sẽ bắt đầu nhận những liều vắcxin COVID-19 đầu tiên từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2, như một phần của Cơ chế tiếp cận vắcxin toàn cầu COVAX do WHO khởi xướng để phân phối vắcxin cho các nước nghèo. Chương trình này nhằm cung cấp đủ số liều để tiêm chủng cho 20% dân số ở mỗi quốc gia tham gia vào cuối năm nay./.

Theo Duy Trinh-Tấn Đạt (TTXVN/Vietnam+)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh