Hà Lan lần đầu giới nghiêm từ sau Thế chiến 2, châu Âu siết chặt kiểm soát ngăn Covid-19

06:01, 24/01/2021

Các nước châu Âu tiếp tục đồng loạt đưa ra thêm nhiều biện pháp hạn chế mới nhằm siết chặt kiểm soát trước lo ngại biến thể virus SARS-CoV-2 đến từ Anh không chỉ làm bùng phát sự lây nhiễm mà còn gia tăng tỷ lệ tử vong trong các bệnh nhân Covid-19.

 

 Tiêm vaccine Covid-19 ở Hà Lan. Ảnh: AP.
Tiêm vaccine Covid-19 ở Hà Lan. Ảnh: AP.

Các nước châu Âu tiếp tục đồng loạt đưa ra thêm nhiều biện pháp hạn chế mới nhằm siết chặt kiểm soát trước lo ngại biến thể virus SARS-CoV-2 đến từ Anh không chỉ làm bùng phát sự lây nhiễm mà còn gia tăng tỷ lệ tử vong trong các bệnh nhân Covid-19.

Tại Hà Lan, kể từ 21h tối thứ Bảy ngày 23/1, toàn bộ dân chúng nước này được lệnh ở  trong nhà để tuân thủ lệnh giới nghiêm từ 21h tối đến 4h30 sáng.

Đây là một thời điểm lịch sử bởi là lần đầu tiên Hà Lan phải thực hiện giới nghiêm toàn quốc kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Lệnh giới nghiêm này sẽ có hiệu lực đến ít nhất là ngày 9/2/2021 và có thể được gia hạn.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Hà Lan đang tiến sát đến cột mốc 1 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và số ca mắc bệnh mỗi ngày tại nước này vẫn ở rất cao so với tỷ lệ dân số, đồng thời biến thể của virus SARS-CoV-2 đến từ Anh đang có dấu hiệu lây lan mạnh.

Nước láng giềng của Hà Lan là Bỉ trong ngày 23/1 cũng siết chặt kiểm soát khi ra lệnh cấm toàn bộ công dân nước này thực hiện các chuyến đi không cần thiết ra ngoài lãnh thổ trong khoảng thời gian từ 27/1 đến 1/3/2021. Chính phủ nước này cũng bắt buộc những du khách đến từ Anh, Nam Phi và Brazil phải cách ly 10 ngày và tiến hành 2 lần xét nghiệm PCR trong thời gian cách ly.

Theo Thủ tướng Bỉ, Alexander De Croo, việc di chuyển không cần thiết đã mang nhiều biến thể đến châu Âu.

“Tôi biết đây là một biện pháp rất gò bó nhưng vài tuần qua chúng ta đã chứng kiến virus lây lan theo dòng người di chuyển và các xét nghiệm cho thấy những người di chuyển mang nhiều các biến thể virus hơn những người ở nhà. Vì thế, bất cứ ai đi ra ngoài lãnh thổ cũng phải làm các cam kết danh dự là chuyến đi đó thực sự cần thiết”.

Hiện tại, sau tuyên bố của Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 22/1 rằng biến thể của virus SARS-CoV-2 tại nước này có khả năng làm gia tăng 30% tỷ lệ tử vong, các nước châu Âu đang vô cùng lo ngại một làn sóng dịch thứ 3 dữ dội hơn ập đến trong một vài tuần tới.

Tại Anh, trong ngày 23/1, số ca tử vong vì Covid-19 vẫn ở mức rất cao là 1.348 ca và gần 34.000 ca nhiễm mới. Báo chí Anh đưa tin, chính phủ Anh đã trao quyền cho các địa phương được áp dụng lệnh phong tỏa đến tận ngày 17/7/2021.

Tại Tây Ban Nha, vùng thủ đô Madrid có dịch Covid-19 nặng nhất cũng đã quyết định đẩy sớm giờ giới nghiêm và giờ đóng cửa các nhà hàng, quán bar trong khu vực.

Tại Đức, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn tuyên bố, trước sự phức tạp và khó lường của dịch liên quan đến các biến thể virus từ Anh, Nam Phi hay Brazil, nước Đức tuyệt đối không được mất cảnh giác và nới lỏng lệnh phong tỏa, dù tỷ lệ nhiễm và tử vong tại nước này đã có dấu hiệu giảm trong một vài ngày qua.

Trong khi đó tại Pháp, áp lực tái áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ 3 đang ngày càng lớn khi trong ngày 23/01, nước Pháp có tới gần 24.000 ca nhiễm và 649 ca tử vong, cao hơn nhiều mức trung bình của tuần trước. Đa số giới khoa học và y tế tại Pháp nhận định, lệnh giới nghiêm toàn quốc tại Pháp từ 18h đến 6h đã không phát huy tác dụng./.

Theo Quang Dũng/VOV

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh