Các chuyên gia kinh tế cảnh báo về những thách thức trong dài hạn đối với Trung Quốc sau khi nền kinh tế thứ hai thế giới khép lại năm 2020 với mức tăng trưởng cao hơn dự báo.
Người dân được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại thủ đô Bắc Kinh -Trung Quốc hôm 18/1 Ảnh: REUTERS |
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo về những thách thức trong dài hạn đối với Trung Quốc sau khi nền kinh tế thứ hai thế giới khép lại năm 2020 với mức tăng trưởng cao hơn dự báo.
Trung Quốc hôm 18/1 cho biết kinh tế nước này trong quý IV/2020 tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ quý IV/2018. Chuyên gia Haibin Zhu của Công ty Tài chính JPMorgan (Mỹ) nhận định với đài CNBC rằng Trung Quốc đã hoàn thành quá trình phục hồi kinh tế hình chữ V.
Trung Quốc là quốc gia đầu tiên ghi nhận ca nhiễm Covid-19 vào cuối năm 2019, sau đó phải cho phong tỏa hơn một nửa đất nước để khống chế sự lây lan của dịch bệnh, khiến kinh tế suy giảm 6,8% trong quý I/2020. Theo ông Zhu, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại vào quý II/2020 nhờ hoạt động sản xuất và xuất khẩu mạnh mẽ. Điều này cũng giúp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 2,3% trong năm 2020 bất chấp những thách thức từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, ông Zhu cảnh báo đợt bùng phát mới ở tỉnh Hà Bắc có thể làm giảm đà phục hồi về tiêu dùng và ngành dịch vụ.
Trung Quốc vẫn duy trì tình trạng báo động về nguy cơ tái bùng phát dịch khi tỉnh Hà Bắc ở gần thủ đô Bắc Kinh liên tục ghi nhận các ca nhiễm mới mỗi ngày, mới nhất là 54 ca hôm 17/1. Chính quyền tỉnh Hà Bắc buộc phải đóng cửa thủ phủ Thạch Gia Trang và ít nhất 3 khu vực khác trong nỗ lực ngăn chặn tình hình thêm nghiêm trọng. Ngoài ra, ít nhất 7 khu vực tại 2 tỉnh Hắc Long Giang và Cát Lâm bị phong tỏa để chống dịch Covid-19, tính đến ngày 18/1.
Bên cạnh Covid-19, nền kinh tế Trung Quốc còn đối mặt một số thách thức khác trong tương lai. Ông Simon Baptist, chuyên gia tại Công ty Tư vấn tài chính The Economist Intelligence Unit (Anh), cho rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ chậm lại trong dài hạn. Một phần nguyên nhân, theo chuyên gia này, là những thay đổi cơ cấu nền kinh tế khi Bắc Kinh tìm cách giảm phụ thuộc vào các nguồn tăng trưởng bên ngoài. Điều này đồng nghĩa Trung Quốc sẽ nhận được ít đầu tư hơn từ nước ngoài và đối mặt thử thách lớn hơn trong việc cải thiện năng suất của mình.
Theo Xuân Mai/NLĐO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin