Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 542.222 ca mắc COVID-19 và trên 12.300 ca tử vong, đưa tổng số ca bệnh lên trên 78,2 triệu, trong đó có trên 1.721.000 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 542.222 ca mắc COVID-19 và trên 12.300 ca tử vong, đưa tổng số ca bệnh lên trên 78,2 triệu, trong đó có trên 1.721.000 ca tử vong.
Trẻ em rửa tay phòng lây nhiễm COVID-19 tại trạm rửa tay di động ở Dhaka, Bangladesh, ngày 21/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN |
'Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 23/12 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 78.283.700 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm 1.721.905 ca tử vong.
Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 55.051.092 người, 21.510.703 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 106.054 ca nguy kịch.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (146.848 ca), Brazil (54.600 ca) và Anh (36.804 ca); Mỹ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 2.695 ca), tiếp theo là Đức (944 ca) và Brazil (937 ca).
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 330.066 ca tử vong trong tổng số 18.632.396 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 146.476 ca tử vong trong số 10.099.303 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 188.259 ca tử vong trong số 7.318.821 bệnh nhân.
Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 159 người tử vong. Tiếp đến là Italy và Peru (với 112 người) và Slovenia (109 người).
WHO họp trực tuyến về biến thể virus mới ở Anh
Liên quan tới biến thể của virus SARS-CoV-2 ở Anh, Văn phòng khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 22/12 đã kêu gọi các nước thành viên tiến hành cuộc họp giải quyết khủng hoảng liên quan biến thể virus mới. Cuộc họp trực tuyến theo kế hoạch diễn ra vào sáng 23/12 có sự tham dự của giới chức y tế Anh để cập nhật tình hình dịch bệnh hiện tại.
Cuộc họp sẽ thảo luận các chiến lược chống lại biến thể VUI-2020/12/01 - được cho là có tốc độ lây nhiễm cao hơn 70% so với virus SARS-CoV-2. WHO cũng khẳng định chưa có đủ thông tin để xác định liệu biến thể mới có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 hiện nay không và các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành.
Vaccine Pfizer/BioNTech tới châu Âu hôm nay
Công ty BioNTech ngày 22/12 thông báo những lô vaccine đầu tiên phòng COVID-19 có thể được vận chuyển tới các nước Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 23/12 để có thể sẵn sàng cho việc tiêm chủng ở các nước châu Âu bắt đầu từ ngày 27/12 tới. Dự kiến, tới cuối năm nay sẽ có khoảng 12,5 triệu liều được sử dụng tại EU.
Trên toàn thế giới, vaccine của BioNTech/Pfizer sẽ có tổng cộng 50 triệu liều tới cuối năm và trong năm 2021 sẽ có thêm 1,3 tỷ liều được sản xuất. BioNTech thông báo vaccine sẽ được phân phối trong các hộp lạnh đặc biệt sử dụng đá khô, trong đó vaccine được bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C. Những hộp này có thể được sử dụng để bảo quản trong các trung tâm tiêm chủng trong tối đa 15 ngày nếu đá khô mới được thêm vào 5 ngày một lần. Ngoài ra, vaccine cũng có thể được bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C trong tối đa 5 ngày và chỉ trong 2 giờ với nhiệt độ trong phòng.
Mỹ: CDC chấp nhận đề xuất về giai đoạn tiêm chủng tiếp theo
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ ngày 22/12 đã chấp nhận đề xuất của Ban cố vấn về thực hành chủng ngừa về ưu tiên các công nhân ngành thiết yếu và người già trong giai đoạn tiếp theo phân phối vaccine COVID.
Ban cố vấn đã bỏ phiếu nhất trí ưu tiên những người trên 75 tuổi và nhân viên lao động thiết yếu tuyến đầu nhận vaccine trong giai đoạn 1B.
Đức ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong ngày
Đức đã lần đầu tiên ghi nhận số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 cao nhất trong ngày từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện tại nước này. Theo thống kê từ cơ quan y tế Đức, chỉ trong 24 giờ qua, cả nước Đức đã ghi nhận 940 ca tử vong do COVID-19, trong khi số ca mắc cũng tăng thêm hơn 21.800. Đây là ngày đầu tiên kể từ hồi đầu tháng 12 nước Đức ghi nhận số ca nhiễm mới giảm so với ngày trước đó, song số ca tử vong lại tăng lên mức cao nhất từ đầu dịch.
Trước tình hình dịch trên, Chủ tịch Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) Lothar Wieler ngày 22/12 đã ra lời kêu gọi khẩn cấp gửi tới người dân Đức trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và đón Năm Mới, đó là giảm tiếp xúc và chỉ nên gặp nhau ở nhóm nhỏ trong dịp nghỉ lễ này. Về biến thể mới phát hiện ở Anh, ông Wieler cho biết chưa thể đánh giá mức độ ảnh hưởng của biến thể này đối với đại dịch, song rõ ràng cấu trúc gen của virus liên tục thay đổi. Ông cũng cho rằng dù chưa được phát hiện, song khả năng biến thể của virus đã xuất hiện ở Đức là "rất, rất cao".
Cùng ngày 22/12, Đức đã kéo dài lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Vương quốc Anh, vùng Bắc Ireland và Nam Phi cho đến ngày 6/1/2021 sau khi xuất hiện thêm những ca mắc biến thể VUI-2020/12/01 của virus SARS-CoV-2 ở những khu vực này. Như vậy, hiện đã có hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thông báo đóng cửa biên giới và cấm các chuyến bay đến và đi từ Vương quốc Anh do lo ngại về biến thể VUI-2020/12/01.
Anh: Ca nhiễm mới cao kỷ lục kể từ khi dịch bùng phát
Ngày 22/12, Vương quốc Anh ghi nhận ít nhất 36.804 ca nhiễm COVID mới, mức cao nhất kể từ khi nước này đối mặt với đại dịch.
Phần lớn các vùng ở England, bao gồm London và khu vực đông nam, đang bị hạn chế phòng dịch cấp độ 4, trong khi chuyên gia y tế của chính phủ đề xuất tăng cường hạn chế nhằm đối phó với biến thế mới của SARS-CoV-2.
Hàng chục quốc gia trên khắp châu Âu, Trung Đông và châu Mỹ đã thông báo lệnh cấm nhập cảnh đối với khách đến từ Anh.
Hungary: Làn sóng 2 đã lên đến đỉnh
Trong khi đó, Chánh Văn phòng Nội các Hungary Gergely Gulyas cho biết làn sóng dịch COVID-19 thứ hai dường như đã lên đến đỉnh tại nước này. Tính tới ngày 22/12, Hungary ghi nhận tổng cộng 306.368 ca mắc COVID-19, trong đó có 8.462 ca tử vong và 108.676 bệnh nhân phục hồi. Riêng trong ngày 22/12, Hungary ghi nhận thêm 1.238 ca nhiễm mới, song có hơn 7.000 người vẫn đang được điều trị, gây áp lực lớn đối với hệ thống y tế của nước này. Theo ông Gulyas, Chính phủ Hungary sẽ tiếp tục các biện pháp hạn chế, trong đó có lệnh giới nghiêm ban ngày và ban đêm cho đến ít nhất ngày 11/1/2021, ngoại trừ việc dỡ bỏ tạm thời lệnh giới nghiêm vào ngày Giáng sinh 24/12. Ông Gulyas cho biết Hungary sẽ bắt đầu chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer của Mỹ vào ngày 27/12 sau khi nhận lô vaccine đầu tiên gồm 5.500 liều.
Luxembourg tăng cường lệnh giới nghiêm
Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel cho biết từ ngày 26/12 tới, nước này sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm từ 21h (sớm hơn 2 giờ so với hiện nay), đồng thời các cửa hàng kinh doanh không thiết yếu sẽ phải đóng cửa. Các trường học sẽ mở cửa trở lại sau ngày 10/1/2021. Các số liệu về dịch bệnh tại Luxembourg đã được cải thiện nhưng tình hình trong khu vực vẫn đáng lo ngại khi số ca mắc mới tại các quốc gia láng giềng vẫn gia tăng.
Bộ trưởng Tài chính Slovakia Eduard Heger đã có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, trở thành quan chức thứ 6 trong chính phủ nước này nhiễm bệnh, sau khi Thủ tướng Igor Matovic cũng mắc COVID-19 hồi tuần trước. Bộ trưởng Heger sẽ tự cách ly tại nhà, ông không có triệu chứng bệnh.
Vatican: Giáo hoàng thay đổi tiền lệ đọc thông điệp Giáng sinh
Do những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Tòa thánh Vatican thông báo Giáo hoàng Francis sẽ đọc thông điệp mừng Giáng sinh 2020 ở bên trong Tòa thánh thay vì đọc từ ban công chính ở Vương cung thánh đường Basilica. Ngoài thông điệp này, 5 bài phát biểu khác trong thời gian từ ngày 26/12 đến 6/1/2021 cũng dự kiến được Giáo hoàng đọc trong phòng thay vì ngoài trời. Vì các biện pháp hạn chế, Giáo hoàng sẽ không thể đến Quảng trường Thánh Peter. Tuy nhiên, bài chúc mừng của ông sẽ được truyền trực tiếp trên mạng xã hội và truyền thông đại chúng.
Châu Á: Đài Loan (Trung Quốc) có ca nhiễm cộng đồng đầu tiên sau gần 9 tháng
Tại châu Á, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đã ghi nhận ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên trong cộng đồng kể từ ngày 12/4. Theo người đứng đầu Cơ quan Y tế Đài Loan Trần Thời Trung, người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 này là bạn của một người từng mắc căn bệnh này trước đó.
Hong Kong tổ chức Lễ hội Năm mới trực tuyến
Trong khi đó, Cơ quan Du lịch ở Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) cho biết lễ hội đếm ngược chào đón Năm mới, một trong những sự kiện được mong đợi nhất trong năm, sẽ được tổ chức trực tuyến do dịch bệnh COVID-19 tiếp tục hoành hành. Theo cơ quan trên, đây sẽ là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức trực tuyến. Mọi người sẽ có thể đếm ngược thời gian đón Năm mới tại nhà với một chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính. Trung tâm bảo vệ sức khỏe Hong Kong đã công bố thêm 63 ca mắc COVID-19 mới trong ngày 22/12, nâng tổng số ca mắc tại Hong Kong lên 8.300 ca. Số ca mắc mới bao gồm cả 53 ca lây nhiễm trong cộng đồng, với 13 ca chưa rõ nguồn lây nhiễm, và 2 ca nhập cảnh từ Anh.
Trong khi đó, Thống đốc Tokyo (Nhật Bản) - bà Yuriko Koike cảnh báo dịch bệnh có thể lây lan mạnh vào dịp nghỉ lễ đón Năm mới theo Dương lịch, đồng thời kêu gọi người dân nên hạn chế ra khỏi nhà. Để hỗ trợ y tế trong 6 ngày nghỉ tết từ ngày 29/12 đến 3/1/2021, Chính quyền Tokyo quyết định sẽ hỗ trợ chi phí điều trị cho các cơ sở y tế khi họ tiếp nhận bệnh nhân nhiễm COVID-19 trong khoảng thời gian này. Mức độ hỗ trợ là 300.000 yen (khoảng 2.900 USD) đối với ca nặng và 70.000 yen (khoảng 680 USD) đối với ca nhẹ. Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng quyết định hỗ trợ tài chính cho các cơ sở y tế khám, điều trị các ca sốt nghi nhiễm COVID-19 trong khoảng thời gian này cũng như các nhà thuốc phải mở cửa phục vụ người dân.
Thái Lan thành điểm nóng mới
Thái Lan đang trở thành điểm nóng dịch COVID-19 ở Đông Nam Á khi nước này ngày 22/12 ghi nhận thêm 427 ca mắc COVID-19, trong đó có 397 lao động nhập cư, 14 người trong khu cách ly và 16 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc lên 5.716 ca. Liên quan ổ dịch COVID-19 tại khu chợ hải sản ở tỉnh Samut Sakhon giáp với Bangkok, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã giao cho Bộ Y tế chuẩn bị đợt phong tỏa mới trong trường hợp dịch bệnh vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Theo Chính phủ Thái Lan, có khoảng 1.000 người buôn bán hải sản từ 22 tỉnh thường xuyên đến khu chợ hải sản ở tỉnh Samut Sakhon.
Malaysia bắt đầu tiêm chủng COVID-19 từ tháng 2/2021
Thủ tướng Malaysia, Muhyiddin Yassin tuyên bố nước này sẽ bắt đầu tiêm phòng COVID-19 từ đầu tháng 2 năm tới. Ông Yassin sẽ là một trong những người đầu tiên tiêm vaccine này trước ống kính truyền hình. "Để thuyết phục người dân rằng vaccine an toàn và hiệu quả, tôi sẽ nằm trong số những người đầu tiên tiêm phòng COVID-19", Thủ tướng Malaysia tuyên bố.
Vaccine sau đó sẽ được phân phối cho các nhóm nguy cơ cao như người gìa, người có bệnh lý nền.
Chính phủ Malaysia đã ký thoả thuận với công ty dược AstraZeneca nhằm mua 6,4 triệu liều vaccine COVID-19 cho 10% dân số. Điều này có nghĩa, Malaysia hiện đã có đủ vaccine tiêm cho khoảng 40% dân số.
Tháng trước, nước này đã ký hợp đồng với Pfize mua 12,8 triệu liều vaccine cho 20% dân số, và một hợp đồng khác với COVAX cấp vaccine cho 10% dân số.
Malaysia đang đối phó với làn sóng dịch thứ ba. Trong ngày 22/12, nước này ghi nhận 2.062 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 97.389 ca, trong đó có 39 ca tử vong và 70.304 người đã hồi phục.
Tại châu Phi, Chính phủ Maroc cũng ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc và một số biện pháp hạn chế nghiêm ngặt khác nhằm khống chế dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nước này. Lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực từ 21h hôm trước tới 6h sáng hôm sau. Các biện pháp chống dịch, bao gồm cả lệnh cấm ăn uống và tụ tập nơi công cộng, sẽ có hiệu lực trong vòng 3 tuần kể từ ngày 23/12. Hiện Maroc ghi nhận trung bình hơn 2.000 ca mắc COVID-19/ngày. Tính đến nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng 418.000 ca mắc bệnh, trong đó có hơn 7.000 ca tử vong.
Theo Thu Hằng/Báo Tin tức
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin