Trong ngày 30/11, các nước ASEAN ghi nhận thêm 8.866 ca mắc COVID-19, trong khi số ca tử vong tăng thêm 154 người và hiện đã có trên 27.700 bệnh nhân không qua khỏi.
Trong ngày 30/11, các nước ASEAN ghi nhận thêm 8.866 ca mắc COVID-19, trong khi số ca tử vong tăng thêm 154 người và hiện đã có trên 27.700 bệnh nhân không qua khỏi.
Malaysia tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm ngăn làn sóng dịch thứ tư. Ảnh: Bernama |
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 30/11, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận tổng cộng 1.190.977 ca mắc COVID-19 trong đó có 27.765 ca tử vong và 1.037.699 bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN, với số ca bệnh và tử vong mới liên tục dẫn đầu khối. Trong ngày 30/11, nước này ghi nhận gần trên 4.600 ca bệnh mới và 130 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Có chỉ có Timor Leste, Lào và Brunei là những nước không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 30/11.
Ba quốc gia có số ca nhiễm mới ở mức 4 con số còn lại là Philippines, Malaysia và Myanmar. Philippines dịch vẫn diễn biến phức tạp, và chính phủ nước này đã rốt ráo ký hợp đồng mua vaccine phòng COVID-19 để triển khai tiêm phòng cho 1,5 triệu người trong tuyến đầu chống dịch. Trong khi đó, dịch tại Malaysia và Myanmar chưa có dấu hiệu giảm nhiệt với mỗi nước đều có trên 1.200 ca nhiễm mới.
Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 30/11/2020 (Theo số liệu của worldometers.info). |
Philippines dự định tiêm vaccine cho 1,5 triệu dân
Khoảng 1,5 triệu người dân Philippines sẽ được tiêm vaccine phòng COVID-19 do hãng dược phẩm liên doanh Anh - Thụy Điển AstraZeneca sản xuất sau khi Chính phủ Philippines đạt được một thỏa thuận mua vaccine của hãng này vào đầu tuần trước.
Thỏa thuận nói trên trị giá 600 triệu peso (12,5 triệu USD) và AstraZeneca sẽ cung cấp cho Philippines 2,6 triệu liều vaccine phòng COVID-19 vào tháng 5 và tháng 6/2021.
Người đứng đầu Lực lượng Đặc trách chống COVID-19 của Chính phủ Philippines, ông Czar Carlito Galvez Jr cho biết các chuyên gia về vaccine và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm nước này sẽ sớm có đánh giá về vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca.
Dự kiến, một nửa số vaccine này sẽ được tiêm cho những nhân viên ở tuyến đầu chống dịch trong khi số còn lại sẽ dành cho những người làm việc thường xuyên và theo hợp đồng tại các công ty tư nhân.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines ngày 25/10. Ảnh: THX/TTXVN |
Hãng AstraZeneca yêu cầu mỗi người phải tiêm đủ hai liều vaccine mới có hiệu quả phòng bệnh COVID-19. Do đó, giới chức Philippines cho biết đang đàm phán với AstraZeneca để mua thêm một triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Philippines là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á được AstraZeneca chọn để thử nghiệm vaccine.
Tại Philippines, tổng số ca mắc hiện nay là 431.630 người, sau khi ghi nhận thêm 1.773 ca mắc mới trong ngày 30/11. Trong khi đó, tổng số người không qua khỏi là 8.392 người.
Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque cảnh báo nguy cơ dịch bệnh vẫn hiện hữu, do đó, người dân cần tránh đi du lịch hoặc thăm thân tại các tỉnh trong dịp lễ sắp tới.
Campuchia cấm hội họp trên 20 người
Ngày 30/11, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen thông báo bắt đầu chiến dịch phòng, chống bệnh COVID-19 trong 15 ngày sau “sự kiện cộng đồng ngày 28/11”.
Trong thông điệp mới nhất gửi tới Đô trưởng Phnom Penh và Tỉnh trưởng Siem Reap, ông Hun Sen đã ra lệnh cấm tất cả các cuộc gặp, hội họp trên 20 người và cấm tổ chức đám cưới trong thời gian từ ngày 1-15/12 tới.
Thủ tướng Campuchia nêu rõ chiến dịch này hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực của cả chính phủ và người dân, thử thách khả năng của Campuchia có thể vượt qua thách thức lớn.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN |
“Sự kiện cộng đồng ngày 28/11” là vụ lây nhiễm cộng đồng đầu tiên được phát hiện ở Campuchia vào ngày 28/11 vừa qua. Tính đến nay, trong hơn 3.330 người liên quan đến sự kiện này, 14 người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Chính phủ Campuchia đã công bố khoản cứu trợ khẩn cấp 250.000 USD cho những gia đình nghèo cần phải đi cách ly do liên quan đến vụ lây nhiễm này. Theo đó, mỗi gia đình sẽ nhận được 5 USD/ngày trong quá trình cách ly 15 ngày.
Cùng ngày, Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia thông báo đóng cửa tạm thời toàn bộ rạp chiếu phim, bảo tàng và nhà hát ở Campuchia trong hai tuần để phòng lây nhiễm COVID-19.
Trước đó, ngày 29/11, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia (MoEYS) đã ra hai chỉ thị riêng về kết thúc năm học 2019-2020 đối với các trường công vào ngày 30/11/2020 và tạm đóng cửa tất cả các trường tư thục trong vòng hai tuần, bắt đầu từ ngày 29/11, trừ lớp 12 vẫn học để chuẩn bị thi tốt nghiệp.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bun Heng thông báo toàn bộ các du khách nước ngoài và kể cả công dân Campuchia khi nhập cảnh vào nước này sẽ phải cách ly 14 phòng chống dịch COVID-19 tại một số trung tâm do Bộ Y tế chỉ định.
Nhân viên y tế phun khử khuẩn trong các lớp học ở Malaysia. Ảnh: Straits Times |
Thái Lan truy dấu 200 người sau khi phát hiện người nhập cảnh trái phép nhiễm COVID
Nhà chức trách Thái Lan đang truy dấu khoảng 200 người ở các tỉnh miền bắc nước này vào ngày 30/11 nhằm ngăn chặn một ổ dịch tiềm tàng sau khi phát hiện 3 công dân Thái nhập cảnh trái phép từ Myanmar đã cho kết quả dương tính.
Ba người phụ nữ trên đã trốn các trạm kiểm soát nhập cảnh và bỏ qua thủ tục cách ly khi vào lãnh thổ Thái Lan.
Có khoảng 356 người ở tỉnh Chiang Rai và Chiangmai có nguy cơ đã phơi nhiễm với 3 đối tượng trên. Thái Lan đã áp dụng các biện phải kiểm soát biên giới nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn người nhiễm virus nhập cảnh. Sau vụ việc trên, nhà chức trách đã liên lạc được với trên 150 người và đều có kết quả xét nghiệm âm tính.
Cho đến nay, Thái Lan ghi nhận 3.998 ca COVID-19, tăng 21 ca trong ngày 30/11 và 60 ca tử vong. tình hình dịch tại nước này đã lắng dịu và hầu hết các ca mắc mới là nhập cảnh.
Thái Lan đã gia hạn tình trạng khẩn cấp đến ngày 15/1. Ảnh: AFP |
Indonesia: Giường bệnh ở Jakarta gần kín chỗ
Các bệnh viện ở thủ đô Jakarta đang gần kín chỗ trong bối cảnh số ca lây nhiễm mới liên tục tăng mạnh. Đợt lây nhiễm này diễn ra sau các cuộc tụ tập đông người liên quan đến một giáo sĩ Hồi giáo và kỳ nghỉ dài 5 ngày vừa qua.
Theo tờ Straits Times, 2/3 trong số 98 bệnh viện ở Jakarta đã báo cáo tình trạng sắp kín chỗ. 15 bệnh viện không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân.
Giáo sư Wiku Adisasmito, người phát ngôn của Lực lượng đặc nhiệm COVID Indonesia đã kêu gọi nhà chức trách mạnh tay trấn áp những kẻ không tuân thủ giãn cách xã hội. Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi Thống đốc Jakarta Anies Baswedan bị chỉ trích vì không ngăn chặn được cuộc tụ tập khổng lồ của hàng ngàn người ở Tanah Abang, hôm 14/11 nhằm ủng hộ Giáo sĩ Rizieq Shihab.
2/3 trong số 98 bệnh viện ở Thủ Jakarta báo cáo tình trạng khu cách ly đã vượt công suất 70%. Ảnh: AFP |
Ngày 30/11, Indonesia ghi nhận 4.617 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 538.883 người, trong đó có 16.945 ca tử vong. Trước đó, ngày 29/11, Indonesia báo cáo kỷ lục mới về ca lây nhiễm trong ngày với 6.267 trường hợp.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi các bậc phụ huynh thận trọng và kiên nhẫn cho con em học từ xa trong bối cảnh đa số các trường học trên khắp đất nước vẫn đóng cửa cho đến hết năm.
Theo Thu Hằng/Báo Tin tức
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin