Với hệ thống này, các doanh nghiệp tư nhân có thể chỉ cần lập một tờ khai quá cảnh hải quan cho việc vận chuyển hàng hóa giữa nhiều quốc gia ASEAN mà không cần khai báo nhiều lần.
Cán bộ hải quan Việt Nam tham gia tập huấn về ACTS. (Ảnh: ASEAN) |
Với hệ thống này, các doanh nghiệp tư nhân có thể chỉ cần lập một tờ khai quá cảnh hải quan cho việc vận chuyển hàng hóa giữa nhiều quốc gia ASEAN mà không cần khai báo nhiều lần.
Theo phóng viên TTXVN tại Đông Nam Á, Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS) đã chính thức được triển khai, giúp giảm bớt các thách thức thương mại nội khối và cho phép các doanh nghiệp hưởng lợi đầy đủ từ Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cũng như từ việc vận chuyển hàng hóa tự do trong toàn khu vực.
Năm 2017, các bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã đặt ra mục tiêu kép là giảm 10% chi phí giao dịch thương mại đến năm 2020 và tăng gấp đôi giao dịch nội khối ASEAN từ năm 2017 đến năm 2025.
Để thực hiện mục tiêu này, ASEAN đã phát triển dự án ACTS, cho phép các doanh nghiệp gửi các tờ khai quá cảnh điện tử trực tiếp đến các cơ quan hải quan ASEAN và theo dõi việc vận chuyển hàng hóa từ khi chất hàng tại cảng đi cho đến khi giao hàng tại cảng đến.
Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi khẳng định việc triển khai ACTS đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa thông suốt trong khu vực.
Ông Lim Jock Hoi tin tưởng rằng hệ thống này sẽ là một công cụ tốt giúp tăng cường mạng lưới thương mại và sản xuất của ASEAN cũng như xây dựng một thị trường thống nhất hơn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Cũng theo ông Lim Jock Hoi, ACTS sẽ hỗ trợ khôi phục kinh tế hậu dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bằng cách tăng tốc vận chuyển vật tư y tế, vắcxin và các thiết bị bảo hộ cá nhân giữa các quốc gia ASEAN.
Về phần mình, Tổng cục trưởng Hợp tác và Phát triển quốc tế thuộc Ủy ban châu Âu Koen Doens nhấn mạnh ACTS là minh chứng cho mối quan hệ đối tác mạnh mẽ, năng động và lâu dài giữa ASEAN và EU.
Ông Doens cho biết ACTS sẽ thúc đẩy lưu thông hàng hóa bằng đường bộ nhanh hơn và dễ dàng hơn qua biên giới giữa các quốc gia thành viên ASEAN, từ đó giảm chi phí cho các doanh nghiệp và người dân.
Theo ông Doens, EU đã hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ 10 triệu euro cho ACTS từ năm 2012, ngoài 5 triệu euro do các đối tác khác của ASEAN tài trợ.
Hệ thống trên được Đội ngũ quản lý trung tâm ACTS đặt tại trụ sở Ban thư ký ASEAN với sự hỗ trợ của Chương trình ARISE Plus do EU tài trợ.
Ngoài ra, ACTS còn có các bộ phận trợ giúp quốc gia và khu vực luôn sẵn sàng hỗ trợ. Trước khi được triển khai chính thức, ACTS được vận hành thử nghiệm tại Campuchia, Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Dự kiến, hệ thống sẽ sớm được triển khai tại Myanmar và có thể được mở rộng sang Brunei, Indonesia và Philippines tùy thuộc nhu cầu kinh doanh.
ACTS đơn giản hóa và nâng cao hiệu quả của việc lưu thông hàng hóa trong khu vực. Với hệ thống này, các doanh nghiệp tư nhân có thể chỉ cần lập một tờ khai quá cảnh hải quan cho việc vận chuyển hàng hóa giữa nhiều quốc gia ASEAN mà không cần khai báo nhiều lần hoặc thay đổi phương tiện tại mỗi cửa khẩu.
Các thỏa thuận đặc biệt cho phép các thương nhân có uy tín bốc xếp hàng hóa tại các cơ sở của mình và giao hàng tại quốc gia đến.
Việc thông quan nhanh hơn tại các biên giới giúp đẩy nhanh quá trình vận chuyển, giảm thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa thương mại trong khu vực, từ đó mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng trong toàn khu vực ASEAN lục địa./.
Theo Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin