Bầu cử Mỹ: Sự can dự của Tòa án Tối cao có giúp ông Trump lật ngược tình thế?

01:11, 08/11/2020

David Strauss - giáo sư luật của Đại học Chicago nhận xét, Tổng thống Trump sẽ khó xoay chuyển được tình thế dù nhờ đến sự can thiệp của Tòa án Tối cao.

David Strauss - giáo sư luật của Đại học Chicago nhận xét, Tổng thống Trump sẽ khó xoay chuyển được tình thế dù nhờ đến sự can thiệp của Tòa án Tối cao.

Ngay khi Tổng thống Trump thông báo sẵn sàng đề nghị Tòa án Tối cao để giải quyết những tranh cãi liên quan đến việc kiểm phiếu, ban vận động tranh cử của ông đã đưa ra yêu cầu kiểm phiếu lại tại bang Wisconsin và thực hiện một loạt vụ kiện tại bang Michigan và Pennsylvania – 3 bang được cho là có vai trò quyết định trong cuộc bầu cử lần này.

Tòa án Tối cao Mỹ. Ảnh: Cloud Pro.
Tòa án Tối cao Mỹ. Ảnh: Cloud Pro.

Truyền thông Mỹ đã công bố ông Biden là người chiến thắng tại Michigan và Wisconsin, còn kết quả tại Pennsylvania vẫn là một ẩn số. Cuối ngày 4/11, đội ngũ tranh cử của ông Trump tiếp tục đệ đơn kiện tại bang chiến địa thứ 4 là Georgia sau khi tỷ lệ dẫn đầu của ông bị co hẹp xuống chưa đầy 1 điểm phần trăm.

Song giới phân tích cho rằng, ông Trump có thể sớm phải đối mặt với vấn đề mà ứng cử viên Al Gore gặp phải trong cuộc bầu cử năm 2000 khi ông này để mất bang chiến địa Florida do thua đối thủ khoảng 500 phiếu bầu. Vấn đề nằm ở chỗ không dễ dàng thuyết phục các thẩm phán hủy bỏ kết quả bầu cử một khi tất cả các phiếu bầu đã được kiểm đếm.

Vụ kiện nhắm vào khía cạnh đặc biệt của cuộc bầu cử

Các vụ kiện mà đội ngũ tranh cử của ông Trump đưa ra tấn công vào một khía cạnh đặc biệt trong cuộc bầu cử năm nay: hàng triệu cử tri đã đi bỏ phiếu qua thư do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Mối đe dọa của dịch bệnh đã buộc các bang phải khuyến khích người dân bỏ phiếu qua thư, cũng như thay đổi luật lệ về cách thức thu thập, xác minh, kiểm đếm lá phiếu. Trong đó có việc kéo dài thời gian tiếp nhận lá phiếu vì Cơ quan dịch vụ bưu điện-bưu chính của Mỹ đang bị quá tải và cho thêm thời gian kiểm phiếu.

Đảng Cộng hòa cho rằng, một số thay đổi được ban hành hoặc thực hiện không đúng đắn và mang lại lợi thế cho phe Dân chủ.

Tại Pennsylvania, đội ngũ tranh cử của ông Trump cho biết, họ quyết theo đuổi vụ kiện đang diễn ra về việc kéo dài thời gian nhận phiếu bầu gửi qua thư của bang này. Nếu thành công, họ có khả năng hủy bỏ hàng chục nghìn phiếu bầu gửi qua thư được nhận sau Ngày bầu cử (3/11).

Tòa án bang Pennsylvania ra phán quyết nêu rõ, việc gia hạn thời gian nhận phiếu là hợp pháp. Trong khi Tòa án Tối cao liên bang tuần trước từ chối can dự, nhưng vẫn để ngỏ cánh cửa cho những thách thức pháp lý hậu bầu cử.

Đội ngũ của ông Trump cũng cho biết, họ đang kiện để buộc Pennsylvania phải tạm thời ngừng việc kiểm phiếu vì cho rằng quá trình này đang bị phe Dân chủ can thiệp. Tại  thành phố Philadelphia, việc kiểm phiếu được phát trực tiếp, vì thế mọi người có thể dễ dàng theo dõi.

Một vấn đề khác là những thay đổi trong nhận diện cử tri, vốn được điều chỉnh đề thích ứng với tình hình đại dịch. Tuy nhiên, đội ngũ tranh cử của ông Trump cho rằng sự thay đổi này đã vi phạm quy tắc bầu cử.

Tại bang Michigan, nhóm của ông Trump đệ đơn kiện để bang này dừng quá trình kiểm phiếu với lý do họ không được “quyền tiếp cận một cách thực chất”. Vụ kiện tại Georgia yêu cầu các hạt của bang này phải phân tách những lá phiếu đến muộn với những lá phiếu hợp pháp được gửi trước hạn chót 19h trong ngày bầu cử, Justin Clark, phó giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Trump cho biết.

Tái hiện kịch bản năm 2000?

Còn nhớ trong cuộc bầu cử năm 2000, cuộc đua vào Nhà Trắng giữa ứng cử viên đảng Cộng hòa George Bush và ứng cử viên đảng Dân chủ Al Gore được quyết định tại bang chiến địa Florida.

Ở thời điểm đó, ông George Bush dẫn trước 537 phiếu. Từ vấn đề nảy sinh liên quan đến hàng nghìn phiếu bầu bị máy đếm loại bỏ với lý do đục lỗ không chính xác, đội ngũ tranh cử của ông Al Gore đã đưa ra yêu cầu kiểm phiếu lại tại bang này.

Tuy nhiên, đội ngũ tranh cử của ông Bush đã kháng cáo vụ việc lên Tòa án Tối cao Mỹ và tòa án này sau đó ra phán quyết ngăn việc kiểm lại toàn bộ phiếu bầu.

Nhờ vậy ông Bush được xác định giành chiến thắng tại bang Florida. Các chuyên gia cho rằng những vụ kiện như vậy chỉ có kết quả thực tiễn nếu tập trung vào một vấn đề thực sự và cách biệt về số lượng phiếu bầu giữa hai ứng cử viên tương đối nhỏ.

Ông Derek Muller, giáo sư luật tại trường Đại học Iowa đánh giá: “Nếu cách biệt giữa hai ứng cử viên là hai hoặc ba điểm phần trăm, chẳng hạn như chênh lệch 100.000 phiếu bầu ở bang Pennsylvania, thì rất khó kiện tụng. Tuy nhiên nếu cuộc bầu cử được định đoạt tại một bang duy nhất thì tôi cho rằng vụ kiện sẽ có kết quả”.

Nếu một ban vận động tranh cử hoặc một ứng cử viên muốn kiện các quy định của tiểu bang, họ phải đệ trình vụ việc lên tòa án cấp bang trước khi đưa ra Tòa án Tối cao Mỹ. Bằng cách tiếp tục theo đuổi vụ kiện về việc gia hạn phiếu bầu hiện có tại Pennsylvania, đội ngũ tranh cử của ông Trump đã nâng cao cơ hội tiếp cận Tòa án Tối cao.

Tuy nhiên Tòa án Tối cao luôn tỏ ra thận trọng khi can dự vào các vấn đề bầu cử. Họ nhận thức rằng họ từng có nguy cơ làm lung lay vị thế là một cơ quan độc lập, khi đưa ra phán quyết có lợi cho ông Bush trong cuộc bầu cử năm 2000.

Người dân Mỹ bỏ phiếu. Ảnh: CTV News.
Người dân Mỹ bỏ phiếu. Ảnh: CTV News.

Tòa án có thể định đoạt cuộc bầu cử?

Hiện tại, cán cân quyền lực tại Tòa án Tối cao đang nghiêng về phe bảo thủ với 6 ghế thẩm phán bảo thủ và 3 ghế thẩm phán tự do, sau khi bà Amy Coney Barrett được bổ nhiệm làm thẩm phán của tòa án này vào tháng 10 vừa qua. Tổng thống Trump cho biết, ông muốn nhanh chóng bổ nhiệm nhân vật này để bà có thể tham gia xử lý các vụ kiện liên quan đến bầu cử.

“Trong vụ kiện năm 2000, Tòa án Tối cao có thể cảm thấy cần phải can thiệp nhưng chưa biết lần này họ có cảm thấy giống như vậy hay không”, ông Muller nói.

Trong một bài phân tích đăng tải trên trang blog cá nhân, Rick Hasen – một chuyên gia về luật bầu cử thuộc Đại học California tại Irvine, đã tỏ ra hoài nghi về ý kiến cho rằng tòa án có thể quyết định cuộc bầu cử.

“Tôi cho rằng, cách duy nhất mà tòa án có thể quyết định cuộc bầu cử năm nay đó là vụ kiện phải diễn ra tại một bang chủ chốt, đóng vai trò quyết định đối với thắng lợi ở lá phiếu đại cử tri và tỷ lệ phiếu bầu giữa hai ứng cử viên phải rất sít sao. Vào thời điểm này, vẫn chưa có bất cứ điều kiện nào được đáp ứng.

Có vẻ như Pennsylvania không phải là bang quyết định đến thắng lợi về lá phiếu đại cử tri và vì thế bất cứ vụ kiện nào tại bang này cũng không làm thay đổi tình hình”.

Còn David Strauss, một giáo sư luật của Đại học Chicago nhận xét, Tổng thống Trump sẽ khó xoay chuyển được tình thế dù nhờ đến sự can thiệp của Tòa án Tối cao bởi các thẩm phán đều nhận thức được rằng phán quyết liên quan đến vụ kiện giữa ông Al Gore với ông Bush phần nào đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Tòa án./.

Theo Hồng Anh/VOV.VN 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh