Số ca mắc Covid-19 tăng đột biến: Ngày buồn với nhiều quốc gia

09:07, 05/07/2020

WHO hôm 4/7 đã phải cảnh báo Covid-19 không biến mất thần kỳ nếu chính phủ các nước quá tập trung khôi phục trạng thái bình thường mà lơ là phòng dịch.

WHO hôm 4/7 đã phải cảnh báo Covid-19 không biến mất thần kỳ nếu chính phủ các nước quá tập trung khôi phục trạng thái bình thường mà lơ là phòng dịch.

Ảnh minh họa: Reuters
Ảnh minh họa: Reuters

Tính đến trưa nay (giờ Việt Nam), theo trang mạng thống kê Worldometers.info, số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã lên 11,4 triệu người và chỉ trong 24 giờ qua, nhiều quốc gia tiếp tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới cao kỷ lục. Trước diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp, Tổ chức Y tế thế giới đã phải cảnh báo, dịch không thể biến mất một cách thần kỳ nếu chính phủ các nước quá tập trung khôi phục trạng thái bình thường mà lơ là việc phòng dịch.

Ngày 4/7 trở thành ngày Quốc khánh buồn tại Mỹ khi nước này ghi nhận ngày thứ 3 liên tiếp có số ca mắc mới cao nhất kể từ khi bùng phát dịch, đặc biệt tăng mạnh ở các bang thuộc miền Nam và miền Tây.

Theo thống kê, Mỹ vẫn là nước có nhiều bệnh nhân nhất thế giới với hơn 2,9 triệu ca và nhiều ca tử vong nhất với hơn 132.000 ca. Trong bối cảnh số ca mắc đang gia tăng tại ít nhất 36 bang của Mỹ, chính quyền nhiều bang đã quyết định hủy bỏ hoặc thu hẹp quy mô kỷ niệm ngày Quốc khánh 4/7 và các sự kiện truyền thống do lo ngại việc tụ họp đông người.

Tại Mỹ  Latin, Brazil vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất ở khu vực và nặng thứ hai trên thế giới về ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, với gần 1,6 triệu ca mắc và hơn 64.000 ca tử vong. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là Tổng thống nước này Jair Bolsonaro đã phủ quyết một phần nội dung của dự luật quốc gia mới quy định người dân phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng, bao gồm trên các phương tiện đi lại, các trung tâm thương mại, tôn giáo và một số không gian mở khác.

“Hôm nay có nhiều luật lệ khác nhau nói về việc bắt buộc phải đeo khẩu trang, kể cả ở trong nhà. Tôi đã phủ quyết dự luật này. Không ai bị phạt tiền vì không đeo khẩu trang. Nếu bị phạt tiền thì giờ đây tôi cũng sẽ bị phạt vì tôi không có khẩu trang”, ông Bolsonaro tuyên bố

Tại châu Á, dịch diễn biến nghiêm trọng tại một số quốc gia như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong ngày hôm qua (4/7), Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong một ngày, với 22.000 ca, tập trung ở khu vực miền Tây và miền Nam.

Trong khi đó, Hàn Quốc sáng nay thông báo có thêm 61 ca mắc mới trong ngày thứ hai liên tiếp giữa bối cảnh số ca mắc ở ngoài vùng đô thị Seoul không có dấu hiệu thuyên giảm, làm gia tăng quan ngại về số ca mắc tăng vọt trở lại. Trong bối cảnh các thành phố lớn khác ở Hàn Quốc cũng thông báo xuất hiện thêm các ổ lây nhiễm mới, giới chức y tế nước này đang chịu áp lực cân nhắc áp đặt trở lại các biện pháp phòng chống dịch.  

Nhật Bản cũng đã xác nhận thêm 274 ca mắc mới trong ngày 4/7. Đây là ngày có số ca mắc mới cao nhất kể từ khi quốc gia này dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc hôm 25/5.

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, hôm qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã hối thúc các nước ảnh hưởng dịch phải tỉnh táo, nhận thức đúng đắn về mức độ nguy hiểm và diễn biến thực tế của dịch bệnh để từ đó kiểm soát được đại dịch. Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp Tổ chức Y tế thế giới, ông Michael Ryan nhấn mạnh, các số liệu không thể nói dối và tình hình thực tế dịch bệnh là hết sức rõ ràng, đáng quan ngại là hiện có quá nhiều nước phớt lờ các dữ liệu thực tế.

Theo ông Ryan, dịch bệnh Covid-19 không thể biến mất một cách thần kỳ và nếu chính phủ các nước quá tập trung khôi phục trạng thái bình thường mà lơ là việc phòng dịch, nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát với số bệnh nhân tăng mạnh là điều tất yếu. Khi hệ thống y tế bị quá tải và sụp đổ, sẽ có thêm nhiều người tử vong.

"Huyết tương của những người đã khỏi bệnh không thể cung cấp đủ cho chúng ta chống lại làn sóng lây nhiễm thứ hai hoặc vượt qua đỉnh dịch. Chúng ta cần phải tăng cường gấp đôi các biện pháp phòng dịch. Chúng ta cần phải ngăn chặn virus lây lan. Chúng ta cần phải giảm tỉ lệ tử vong”.

Quan chức Tổ chức Y tế thế giới cũng chia sẻ chính phủ các nước hoàn toàn có lý do chính đáng để từng bước nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, từng bước vận hành trở lại nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề trong đại dịch. Tuy nhiên, điều quan trọng là các hoạt động này cần được thực hiện song song với đảm bảo an toàn dịch tễ, đảm bảo giãn cách xã hội để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 gây bệnh lây lan./.

Theo Vũ Anh Tuấn/VOV

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh