Covid-19 lây lan "không thể lý giải", viễn cảnh tệ nhất vẫn ở phía trước?

01:07, 17/07/2020

Số ca mắc không rõ nguồn gốc gia tăng khiến cuộc sống bình thường ở nhiều nơi trên thế giới quay lại tình trạng cảnh báo đỏ khi Covid-19 lại ập đến.

 

Ảnh minh họa: AFP
Ảnh minh họa: AFP

Số ca mắc không rõ nguồn gốc gia tăng khiến cuộc sống bình thường ở nhiều nơi trên thế giới quay lại tình trạng cảnh báo đỏ khi Covid-19 lại ập đến.

Giữa bối cảnh các ca mắc Covid-19 gia tăng ở châu Á - Thái Bình Dương, có một thực tế khiến chính phủ các nước phải đau đầu, đó là sự xuất hiện của các ca mắc không rõ nguồn lây nhiễm.

Việc những bệnh nhân này không hề có liên hệ với những người được xác nhận đã mắc bệnh trước đó, cũng như chưa từng tới các khu vực đang bùng phát dịch bệnh khiến cho các nhà chức trách không thể xác định nguồn lây nhiễm và theo dõi tiếp xúc.

Điều đáng nói là số ca mắc gia tăng tại các nơi như Australia và Hong Kong (Trung Quốc) hiện nay khiến cho những tiến triển trong việc kiềm chế dịch bệnh từng đạt được có thể quay trở về vạch xuất phát và các biện pháp phong tỏa lại một lần nước phải thực hiện.

"Chúng ta hầu như không thể kiểm soát dịch bệnh bởi vì chúng ta không biết nơi nào sẽ là điểm bùng phát tiếp theo. Khi ngày càng có nhiều ca mắc không rõ nguồn gốc, việc kiểm soát dịch bệnh sẽ trở nên khó khăn hơn", Yang Gonghuan - cựu Phó Giám đốc Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc nhận định.

Sự xuất hiện của các ca mắc Covid-19 không rõ nguồn gốc là dấu hiệu cho thấy thế giới có thể đối mặt với làn sóng dịch bệnh lớn hơn cả hiện nay, cũng như buộc phải quay trở lại thực hiện các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nếu số ca mắc không ngừng gia tăng.

Hong Kong (Trung Quốc) từng có 3 tháng cuộc sống quay trở lại bình thường trước khi số ca mắc đột ngột gia tăng trong tháng này. Đây dường như sẽ là làn sóng dịch bệnh tồi tệ nhất "càn quét" qua thành phố này kể từ khi đại dịch bùng phát. Sự lây lan của các ca mắc "không rõ nguồn gốc" tăng vọt và chiếm tới một nửa số ca mắc mới.

Hong Kong đã nhanh chóng phản ứng và buộc phải áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt nhất nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong thành phố 7,5 triệu dân này.

Các trường học bắt đầu nghỉ hè sớm trong khi các quán bar, phòng tập gym và bãi biển đều được yêu cầu đóng cửa. Người dân không được tập trung quá 4 người và những ai không đeo khẩu trang ở nơi công cộng sẽ bị phạt 645 USD.

Thành phố Melbourne 5 triệu dân của Australia cũng phải quay trở lại lệnh phong tỏa trong 6 tuần sau khi số ca mắc mới gia tăng với 51% trong số này là những ca không rõ nguồn gốc.

Làn sóng dịch bệnh mới ở bang Victoria thậm chí đã lan tới cả Sydney làm dấy lên mối lo ngại thành phố lớn nhất Australia này có thể trở thành điểm nóng Covid-19 mới.

Trong khi đó, khi số ca không rõ nguồn gốc chiếm tới 53% số ca mắc mới, Nhật Bản đã đặt trong tình trạng báo động. Ngày 15/7, thủ đô Tokyo đã phải nâng mức cảnh báo lên mức cao nhất trong thang 4 mức và yêu cầu mọi người thay đổi hành vi để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

"Chúng ta cần đảm bảo rằng làn sóng dịch bệnh này sẽ không lớn hơn và buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Tôi cảm thấy, chúng ta đang sắp tiến gần tới giai đoạn này", Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura nhận định./.

Theo Kiều Anh/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh