Tờ Times of India của Ấn Độ vừa có bài viết cho rằng, Việt Nam như một ngôi sao đang lên. Các tập đoàn đa quốc gia xem Việt Nam là một điểm đến trong kế hoạch tái sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tờ Times of India của Ấn Độ vừa có bài viết cho rằng, Việt Nam như một ngôi sao đang lên. Các tập đoàn đa quốc gia xem Việt Nam là một điểm đến trong kế hoạch tái sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ấn Độ cũng tập trung thu hút các tập đoàn này nhưng kém lợi thế do chưa thực sự kiểm soát được dịch COVID-19 khi số ca nhiễm vẫn đứng thứ 4 thế giới. Việt Nam không có trường hợp nào tử vong trong đại dịch, điều này thực sự làm vững tâm các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Times of India, Việt Nam đang tăng tốc guồng máy kinh tế và đã tái khởi động du lịch nội địa. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 2,7% trong khi dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) lên tới 4,9%, cao hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực.
Các dự báo trong nước cũng khá lạc quan. Theo một nghiên cứu của Đại học Kinh tế quốc dân, tăng trưởng kinh tế Việt Nam ước đạt 4,8%, nếu nỗ lực có thể đạt 5,2% như mục tiêu Chính phủ đề ra.
Trong khi đó, đài Sputnik đã tổng hợp các bài viết nhận định tình hình kinh tế và đánh giá bí quyết thành công của Việt Nam trên báo chí các nước. Trang Axios đánh giá kinh tế Việt Nam đang đi lên khi là một trong những đất nước đầu tiên trên thế giới mở cửa sau đại dịch và đón nhận dòng đầu tư từ nước ngoài.
Về phần mình, CNA chỉ ra rằng dù khủng hoảng do đại dịch COVID-19 đòi hỏi việc áp dụng một số biện pháp nhất định, song chính những yếu tố này sẽ giúp cho các khu vực hoạt động hiệu quả hơn.
Trong số này phải kể đến sự phát triển của thương mại điện tử, ứng dụng đào tạo trực tuyến có thể giúp loại bỏ sự bất bình đẳng về tiếp cận giáo dục trên cả nước, thúc đẩy sử dụng hội chẩn-điều trị từ xa và nâng cao trình độ nghiên cứu di truyền y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng nói chung.
Bài viết cho rằng đại dịch COVID-19 đã là một thử nghiệm đối với tất cả các hệ thống tại Việt Nam và nước này đã vượt qua với kết quả xuất sắc.
Bên cạnh đó, báo chí các nước cũng có không ít bài viết về sự hồi sinh của nền kinh tế Việt Nam. Trang Geopolitical Monitor xuất bản bài viết thú vị về việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số để giúp đỡ nông dân đối phó với biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, BNN đưa tin sản lượng gạo Việt Nam cung cấp đã tăng 42% trong tháng Năm, đó là mức kỷ lục trong 11 năm qua.
Về năng lượng, The New Straits Times Online dự báo đặc điểm có đường bờ biển dài và sức gió mạnh khiến Việt Nam trở thành ứng cử viên tiềm năng trở thành nước tiên phong toàn cầu về khai thác năng lượng gió ven biển.
Từ thành công của Việt Nam, Brookings Institution đã đưa ra hàng loạt gợi ý như nên thay đổi chiến lược phát triển như thế nào để không chỉ phát triển nhanh hơn mà còn đạt thành tựu tốt đẹp hơn, cần quản lý sự thịnh vượng của đất nước một cách hiệu quả như thế nào, để làm cho các công ty năng động hơn, có đội ngũ công nhân lành nghề hơn, môi trường sinh thái xung quanh sẽ vững vàng hơn trước hoạt động của con người và tình hình biến đổi khí hậu.
Theo BT/Chính phủ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin