Ứng phó với đại dịch COVID-19,tuy đa số các nước vẫn "cửa đóng then cài" nhưng một số quốc gia đang kiểm soát tốt dịch bệnh đã thông báo kế hoạch mở cửa trở lại cho du lịch trong tháng Bảy tới.
Ứng phó với đại dịch COVID-19,tuy đa số các nước vẫn "cửa đóng then cài" nhưng một số quốc gia đang kiểm soát tốt dịch bệnh đã thông báo kế hoạch mở cửa trở lại cho du lịch trong tháng Bảy tới.
Việt Nam đang là điểm đến an toàn cho du lịch. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+) |
Những quốc gia và vùng lãnh thổ này đều là điểm đến được du khách quốc tế ưa thích, và chính phủ nước họ đã quyết định mở cửa trở lại cho du lịch trong tháng Bảy tới.
Tuy đa số các nước vẫn “cửa đóng then cài,” chưa khuyến khích những chuyến đi không thiết yếu do đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng một số quốc gia đang kiểm soát tốt dịch bệnh đã thông báo kế hoạch mở cửa trở lại cho du lịch trong tháng Bảy. Đương nhiên, song song với đó là việc tiếp tục thắt chặt các quy định phòng chống dịch bệnh.
Thậm chí, một số quốc gia còn đề xuất sáng kiến trả tiền cho du khách tới thăm quan nước họ nhằm kích cầu và vực dậy ngành du lịch.
Những cánh cửa du lịch mở lại
Liên tục mấy tháng qua Việt Nam vụt thành điểm sáng trong “cuộc chiến” phòng chống COVID-19 và được cả thế giới ngợi ca vì những hành động, quyết sách mau lẹ đã giúp kiềm chế và kiểm soát đại dịch hiệu quả. Tính đến nay, đã không còn ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Với thành tựu đó, Việt Nam đã hoàn toàn mở cửa cho du lịch nội địa và có kế hoạch cấp visa điện tử cho du khách từ 80 quốc gia trên thế giới từ 1/7.
Đặc biệt, ngày 25/5 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP về việc miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2020.
Maldives được mệnh danh là “thiên đường biển đảo,” nằm ở phía Nam quần đảo Lakshadweep của Ấn Độ. Vừa qua, Bộ Du lịch quốc đảo này cho biết sẽ khởi động lại ngành du lịch vốn được coi là “con gà đẻ trứng vàng” cho gần 1.200 đảo san hô lớn nhỏ từ ngày 15/7.
Thành phố Dubai đồng thời cũng là 1 trong 7 tiểu vương quốc của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), thuộc vùng tây nam Á của châu Á. Chính phủ Dubai dự kiến cho phép tiếp nhận du khách từ ngày 7/7.
Trong khi một số quốc gia “mở toang” cửa đón khách thì sân bay quốc tế quốc đảo Malta thông báo sẽ mở cửa trở lại từ ngày 1/7, nhưng chỉ tiếp nhận du khách từ một số quốc gia. Tuy nhiên, những hạn chế với tất cả các điểm đến khác sẽ được dỡ bỏ từ ngày 15/7. Quốc đảo này nằm trong danh sách “các điểm đến an toàn nhất châu Âu về du lịch sau đại dịch.”
Ai Cập cũng dự kiến nối lại các chuyến bay quốc tế từ ngày 1/7, nhưng chỉ cho khách nước ngoài tới một số điểm đến ven biển, không phải là các khu nghỉ dưỡng ở phía Nam Sinai, tỉnh Biển Đỏ và Marsa Matrouh.
Một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác cùng chọn 1/7 là thời điểm mở cửa với du khách bao gồm: Georgia (Gruzia), quốc gia thuộc vùng Kavkaz, nằm ở khu vực “ngã ba” Tây Á và Đông Âu; Bahamas nằm ở Đại Tây Dương, phía Đông nước Mỹ; Bermuda là vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh nằm ở Bắc Đại Tây Dương; Saint Vincent và Grenadines (quốc đảo ở vùng biển Caribe) có kế hoạch đón du khách từ tất cả các nước; để đón khách trở lại, khoảng 1/2 số khách sạn ở Cộng hòa Dominicana mở cửa vào 1/7, số còn lại tiếp tục mở cửa trong tháng Mười Một tới.
Ngoài ra, Puerto Rico (vùng lãnh thổ thuộc Mỹ) đã thực hiện kế hoạch mở cửa trở lại theo 4 giai đoạn, với đỉnh điểm là cho phép tiếp nhận du khách từ 15/7; Turks và Caicos (lãnh thổ hải ngoại của Anh, là quần đảo được tạo thành từ 40 đảo san hô) sẽ đón du khách từ 22/7; Polynesia - khu vực hải ngoại của Pháp bao gồm hơn 100 hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương, sẽ đón du khách trở lại từ 15/7, nhưng bước đầu chỉ tiếp nhận du khách từ châu Âu và Mỹ.
Đi du lịch được “bao” ăn, ở, thuốc men…
Nhằm tái khởi động các hoạt động du lịch và lôi kéo du khách nước ngoài trở lại sau đại dịch COVID-19, một số quốc gia đã có những sáng kiến vô cùng hấp dẫn, trong đó bao gồm cả tặng quà hay tặng một phần chi phí chuyến đi…
Quan chức đảo Síp thuộc Địa Trung Hải thông báo sẽ chi trả toàn bộ phí “ăn, ở và thuốc men” cho những du khách xét nghiệm dương tính với COVID-19 cùng gia đình họ khi ở trên đảo.
Đây là một trong những chính sách ưu đãi của địa phương, bởi nền kinh tế đảo Síp gần như phụ thuộc hoàn toàn vào du lịch. Trong đại dịch COVID-19, nơi này là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm bệnh thấp nhất châu Âu.
Chính quyền đảo Sicily (phía Nam Italy) thì tuyên bố sẽ trả một phần chi phí du lịch cho khách nước ngoài. Đây là một phần trong chương trình trị giá 50 triệu euro do Chính phủ Italy thực hiện nhằm thúc đẩy lượng khách quốc tế tới đây.
Theo kế hoạch này, dự kiến du khách được chi trả 1/2 tiền vé máy bay, 1/3 phí khách sạn. Phương án miễn phí vé vào bảo tàng và các di tích lịch sử cũng đang được chính quyền cân nhắc.
Chính phủ Italy cũng sẽ chi ngân sách lên tới 2,4 tỷ euro cho du lịch nội địa bằng cách cấp tiền lên tới 500 euro cho mỗi gia đình có thu nhập thấp (dưới 40.000 euro/năm) nhằm khuyến khích họ du lịch trong nước thay vì ra nước ngoài.
Trong khi đó, Hiệp hội Khách sạn thành phố Cancun (Mexico) triển khai gói “mua 1 được 2” nhằm kích cầu du lịch. Với chương trình này, nếu du khách đặt khách sạn 2 đêm sẽ được tặng thêm 2 đêm miễn phí, hoàn trả tiền vé máy bay nếu du khách rủ bạn đi cùng.
Còn chính quyền Bulgaria chọn cách miễn phí vé vào cửa ở nhiều điểm du lịch. Ở biển, du khách được miễn phí sử dụng các vật dụng tiện ích như ô che, giường nằm, bàn ghế và phòng tắm nắng…
Trong khi 1 số nước “đài thọ” cả khách ngoại để kích cầu thì Chính phủ Anh quốc hay Nhật Bản lại chọn tập trung chi ngân sách cho thị trường nội địa với mục tiêu khuyến khích người dân mình du lịch trong nước.
Chính phủ Nhật Bản tiết lộ sẽ giảm giá các dịch vụ và tặng voucher du lịch cho du khách. Chiến dịch trị giá 12,5 tỷ USD dự kiến triển khai vào cuối tháng Bảy hoặc đầu tháng Tám tới.
Những động thái này được coi là nỗ lực nhằm “giải cứu” một phần nền kinh tế không khói, là lối đi ngách cho ngành du lịch toàn cầu, khi mà dịch bệnh COVID-19 vẫn đang tiếp tục hoành hành và chưa có dấu hiệu dừng lại./.
Theo Đậu Đậu (Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin