Cuộc chiến tranh giành ngôi vị điểm du lịch an toàn nhất châu Âu

01:06, 18/06/2020

Cả Bồ Đào Nha và Hy Lạp đều có bãi biển tuyệt đẹp, đồ ăn ngon, lịch sử đa dạng và tràn ngập ánh nắng. Nhưng cả hai điểm đến du lịch hàng đầu này đang tự quảng bá mình là nơi an toàn nhất để cố gắng hút du khách trở lại.

Cả Bồ Đào Nha và Hy Lạp đều có bãi biển tuyệt đẹp, đồ ăn ngon, lịch sử đa dạng và tràn ngập ánh nắng. Nhưng cả hai điểm đến du lịch hàng đầu này đang tự quảng bá mình là nơi an toàn nhất để cố gắng hút du khách trở lại.

Thông điệp từ hai thủ tướng

Thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa. Ảnh: CNN
Thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa. Ảnh: CNN

Theo kênh CNN (Mỹ), Bồ Đào Nha và Hy Lạp tuần này đã mở cửa trở lại đón du khách quốc tế khi tỷ lệ lây nhiễm tương đối thấp và áp dụng rộng rãi các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19. Cả hai quốc gia đang đối mặt khó khăn tài chính, trừ khi họ có thể thuyết phục du khách tới đây.

Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa cho biết quốc gia của ông vẫn hấp dẫn như xưa, nhưng ông cũng đã phát động chiến dịch mới để nhấn mạnh tính an toàn. Ông nói: “Mọi lý do tới thăm Bồ Đào Nha vẫn còn đây và du khách được chào đón”.

Bồ Đào Nha là một trong những nước có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 thấp nhất châu Âu: 1.520 ca tử vong/khoảng 11 triệu dân. Chính phủ hy vọng việc xử lý tốt đại dịch sẽ giúp nước này đánh bại các quốc gia khác trong cuộc đua thu hút khách du lịch.

Ông Costa tự hào: “Chúng tôi thuộc những nước xét nghiệm nhiều nhất, chúng tôi thuộc những nước hiểu rõ hơn về sự lây lan thực sự của virus, là nước an toàn nhất mà mọi người có thể tự tin tới thăm… Tôi nghĩ Bồ Đào Nha là điểm đến tốt”.

Thủ tướng Hy Lạp (giữa) thăm thị trấn Fira trên đảo Santorini. Ảnh: AP
Thủ tướng Hy Lạp (giữa) thăm thị trấn Fira trên đảo Santorini. Ảnh: AP

Những gì Thủ tướng Bồ Đào Nha nói cũng được Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis sử dụng để mô tả tình hình ở Hy Lạp. Ông Mitsotakis cho rằng Hy Lạp ưu tiên hàng đầu vấn đề an toàn khi trong tuần này, Hy Lạp mở cửa các khách sạn cho du khách khắp châu Âu.

Ông nói: “Tôi không quan tâm trong biến Hy Lạp thành điểm đến số một châu Âu. Tôi quan tâm tới việc biến Hy Lạp thành điểm đến an toàn nhất châu Âu”.

Bồ Đào Nha nỗ lực xây dựng niềm tin

Thị trấn cổ Lisbon vắng du khách. Ảnh: CNN
Thị trấn cổ Lisbon vắng du khách. Ảnh: CNN

Tại Bồ Đào Nha, nước này nỗ lực xây dựng niềm tin cho du khách bằng cách đưa ra chứng nhận vệ sinh “sạch sẽ và an toàn” cho các cơ sở du lịch được chỉ định.

Thủ tướng Costa cho biết: “Chúng tôi có thỏa thuận giữa giới chức y tế, các khách sạn để thiết lập con dấu đặc biệt, sạch sẽ và an toàn, để đảm bảo với mọi người rằng họ có thể tới và sẽ an toàn”.

Khoảng 14.000 doanh nghiệp đã nhận con dấu và 15.000 nhân viên đã trải qua đào tạo về vệ sinh, an toàn. 

Mặc dù các con số không cao như những năm trước nhưng có chỉ số tốt cho thấy tỷ lệ lấp trống phòng sẽ ở mức tốt. 

Cửa hàng The Pasteis de Belem chỉ bán được 20% lượng bánh so với thường lệ. Ảnh: CNN
Cửa hàng The Pasteis de Belem chỉ bán được 20% lượng bánh so với thường lệ. Ảnh: CNN

Dù vậy, khu vực thị trấn cổ Alfama ở Lisbon vẫn yên tĩnh dù nơi đây thường chật kín du khách vào những ngày nắng. Khu vực này vừa mới mở cửa lại nhà hàng, cửa hiệu và quán cà phê bị đóng do dịch bệnh. Một chủ cửa hàng cho biết từ giữa tháng 5, công việc kinh doanh mới ở mức 15-20% so với bình thường. 

Khảo sát của Hotelaria de Portugal, hiệp hội đại diện cho 65% khách sạn ở Bồ Đào Nha, cho thấy tâm lý lạc quan của du khách vẫn chưa đạt kỳ vọng của Thủ tướng Costa.

Phần lớn khách đặt phòng tới từ Tây Ban Nha, Anh, Pháp và Đức. Khảo sát cho thấy tỷ lệ lấp đầy phòng vẫn sẽ dưới 20% cho tới cuối năm nay.

Do đó, đa số khách sạn sẽ chỉ hoạt động hết công suất từ tháng 9 và phần lớn sẽ phải giảm công suất cho tới cuối năm. Đây là triển vọng ảm đạm, đặc biệt là với quốc gia mà chỉ riêng ngành du lịch đã chiếm 14,6% GDP.

Bãi biển Hy Lạp chờ bóng du khách

Bãi biển Porto Katsiki trên quần đảo Lefkas vẫn vắng bóng du khách. Ảnh: CNN
Bãi biển Porto Katsiki trên quần đảo Lefkas vẫn vắng bóng du khách. Ảnh: CNN

Bức tranh ở Hy Lạp cũng tương tự. Tại nước này, 90% doanh thu du lịch tới từ khách quốc tế. Hy Lạp sẽ may mắn khi đón gần 33 triệu du khách và mang về ước tính 20 tỷ USD như năm 2019.

Tuy nhiên, các bãi biển xinh đẹp như Porto Katsiki trên quần đảo Lefkas vẫn vắng bóng người. Những nơi thường xuất hiện trong danh sách bãi biển đẹp nhất hành tinh này dự kiến đông đúc hơn khi Hy Lạp bắt đầu mở cửa dần biên giới.

Với số ca tử vong thấp hơn đáng kể so với Bồ Đào Nha, Hy Lạp đang được ca ngợi là một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới cho khách du lịch ở Địa Trung Hải mùa hè này. Nước này có chưa tới 200 ca tử vong do COVID-19 và hơn 3.000 ca bệnh trên 11 triệu dân tính tới ngày 17/6.

Hy Lạp sẽ mở cửa lại đón du khách vào ngày 1/7 khi tuyên bố chống dịch thành công. Quá trình mở cửa ở Hy Lạp diễn ra từ từ, bắt đầu bằng giai đoạn bắc cầu cho tới 30/6. Trong thời gian này, các chuyến bay chở khách quốc tế sẽ chỉ được phép vào Hy Lạp qua hai sân bay chính là Athens và Thessaloniki.

Các chuyến bay quốc tế trực tiếp tới nhiều điểm du lịch ở Hy Lạp sẽ nối lại vào ngày 1/7. Phà từ các nước khác sang Hy Lạp sẽ được phép cập bến từ tháng 7.

Thị trấn nghỉ dưỡng Parga hoàn toàn vắng khách đầu mùa hè. Ảnh: CNN
Thị trấn nghỉ dưỡng Parga hoàn toàn vắng khách đầu mùa hè. Ảnh: CNN

Quá trình mở cửa này nghĩa là hành khách từ danh sách hàng chục quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm thấp giờ có thể vào Hy Lạp và bị xét nghiệm ngẫu nhiên. Danh sách sẽ được mở rộng dần tới tháng 7.

Những người tới từ các sân bay nằm trong danh sách đen khu vực lây nhiễm cao sẽ phải xét nghiệm và cách ly qua đêm chờ kết quả. Cho dù kết quả là âm tính, hành khách tới từ khu vực nguy cơ cao cũng sẽ phải tự cách ly một tuần tại điểm đến. Những ai xét nghiệm dương tính sẽ bị cách ly tới 14 ngày.

Hy Lạp hy vọng thành công đầu trong chống dịch sẽ biến thành các hóa đơn mà du khách trả. Ngành du lịch nước này chiếm hơn 20% GDP và cứ bốn việc làm thì có một việc làm trong ngành.

Với nhiều thách thức còn phía trước, Thủ tướng Hy Lạp cho biết những tháng tới sẽ là “mùa hè khác biệt”. Thủ tướng Bồ Đào Nha đồng ý với nhận xét đó: “Chúng ta sẽ phải sống với virus rất lâu. Điều đó có thay đổi cuộc sống của chúng ta không? Có. Điều đó có cản trở cuộc sống của chúng ta không? Không. Tình hình yêu cầu chúng ta sống khác trước”.

Theo Thùy Dương/Báo Tin tức

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh