Tình hình COVID-19 tại ASEAN hết ngày 29/5: Philippines tăng vọt ca nhiễm, Thái Lan nới lỏng giới nghiêm đêm

01:05, 30/05/2020

Theo thống kê của trang worldometers.info, trong 24 giờ qua các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận 2.449 ca mắc bệnh COVID-19. Trong ngày, Philippines bất ngờ vọt lên dẫn đầu khu vực về số ca mắc bệnh mới, với trên 1.000 người nhiễm virus, trong khi Thái Lan nói lỏng thời gian giới nghiêm.

Theo thống kê của trang worldometers.info, trong 24 giờ qua các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận 2.449 ca mắc bệnh COVID-19. Trong ngày, Philippines bất ngờ vọt lên dẫn đầu khu vực về số ca mắc bệnh mới, với trên 1.000 người nhiễm virus, trong khi Thái Lan nói lỏng thời gian giới nghiêm.

Các vũ công đeo mặt nạ phòng lây nhiễm COVID-19 trong buổi biểu diễn tại Đền Erawan ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN
Các vũ công đeo mặt nạ phòng lây nhiễm COVID-19 trong buổi biểu diễn tại Đền Erawan ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Tính đến 23 giờ 59 ngày 29/5, khu vực Đông Nam Á ghi nhận có tổng cộng 87.365 ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), trong đó có 2.665 ca tử vong, tăng 45 trường hợp so với một ngày trước đó. Khu vực cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 38.269 trường hợp.

Toàn khu vực có 4 quốc gia gồm Philippines, Indonesia, Singapore và Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới ở mức 3 con số. 6 quốc gia ở nhóm "an toàn" gồm Việt Nam, Myanmar, Brunei, Campuchia, Timor Leste và Lào đều không ghi nhận thêm ca nhiễm mới hay tử vong nào trong ngày.

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN tới hết ngày 29/5

Quốc gia

Tổng ca mắc

Ca mắc mới

Tổng ca tử vong

Ca tử vong mới

Ca hồi phục

Singapore

33.866

+611

23

0

18.294

Indonesia

25.216

+678

1.520

+24

6.492

Philippines

16.634

+1.046

942

+21

3.720

Malaysia

7.732

+103

115

0

6.235

Thái Lan

3.076

+11

57

0

2.945

Việt Nam

327

0

0

0

279

Myanmar

206

0

6

0

126

Brunei

141

0

2

0

138

Campuchia

124

0

0

0

122

Timor Leste

24

0

0

0

24

Lào

19

0

0

0

16

 

Một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN
Một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Thái Lan rút ngắn giới nghiêm, mở cửa lại hoàn toàn từ tháng 7

Chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch dỡ bỏ hoàn toàn phong tỏa đối với tất cả các loại hình kinh doanh và hoạt động trên toàn quốc từ ngày 1/7 sau khi thực hiện các bước chuẩn bị trong tháng 6.

Nhà chức trách Thái Lan đã quyết định rút ngắn thời gian giới nghiêm ban đêm thêm 1 giờ khi bước vào giai đoạn 3 nới lỏng các biện pháp phòng, chống đại dịch COVID-19. Theo đó, thời gian giới nghiêm mới sẽ từ 23h00 hôm trước đến 3h00 hôm sau, thay vì đến 4h00 được áp dụng trong giai đoạn 2 nới lỏng.

Tuy nhiên, Thái Lan vẫn sẽ đóng cửa đối với du khách nước ngoài trong giai đoạn 3 do lo ngại về dịch COVID-19 lây lan từ nước ngoài. Hoạt động đi lại giữa các tỉnh sẽ được phép nối lại từ 3/6 đối với những ai có nhu cầu cấp thiết.

Theo kế hoạch, việc mở cửa trở lại toàn bộ đất nước trong tháng Bảy là giai đoạn cuối cùng trong kế hoạch gồm 4 giai đoạn nới lỏng phong tỏa kéo dài hai tháng tại Thái Lan.

Biện pháp giãn cách xã hội được tuân thủ tại khu ăn uống của một trung tâm thương mại ở Bangkok. Ảnh: Ngọc Quang - PV TTXVN tại Thái Lan
Biện pháp giãn cách xã hội được tuân thủ tại khu ăn uống của một trung tâm thương mại ở Bangkok. Ảnh: Ngọc Quang - PV TTXVN tại Thái Lan

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Thái Lan thông báo người nước ngoài có giấy phép lao động hoặc giấy phép từ Bộ Lao động hay các cơ quan chính phủ khác sẽ được phép nhập cảnh quốc gia Đông Nam Á này trong giai đoạn 3 nới lỏng, nhưng phải đăng ký trước với Đại sứ quán Thái Lan ở nước họ.

Ngoài ra, những người đủ điều kiện nhập cảnh còn phải có bảo hiểm y tế và chứng nhận sức khỏe, đồng thời phải cách ly trong vòng 14 ngày sau khi nhập cảnh Thái Lan tại cơ sở của nhà nước hoặc tại cơ sở tư nhân có trả phí.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Thái Lan đến nay đã có những chuyển biến tích cực. Trong tháng này, Thái Lan đã có 4 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng và những ca nhiễm trong những ngày qua đều là các trường hợp công dân hồi hương đã được cách ly.

Trong ngày 29/5, Thái Lan ghi nhận thêm 11 ca mắc COVID-19, tất cả đều là công dân trở về từ Kuwait. Tính đến nay, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 3.076 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có 2.945 trường hợp đã bình phục, 74 ca vẫn đang được điều trị tại các bệnh viện và 57 người tử vong. Thái Lan đứng thứ 77 trong số các nước và vùng lãnh thổ có bệnh nhân COVID-19.

Philippines: Số ca bệnh mới tăng vọt thêm trên 1.000 người

Ngày 29/5 Philippines bất ngờ chứng kiến số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 tăng cao nhất khu vực, với 1.046 người và 21 ca tử vong. Như vậy tổng số ca COVID-19 tại nước này hiện là 16.634, trong đó có 942 ca tử vong.

Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa then chốt vốn được triển khai để ngăn chặn dịch COVID-19 tại thủ đô Manila. Quyết định này được đưa ra nhằm khôi phục nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn sau gần 3 tháng thực hiện cách ly nghiêm ngặt.   

Chuyển thi thể bệnh nhân tử vong do COVID-19 tới nhà tang lễ ở Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN
Chuyển thi thể bệnh nhân tử vong do COVID-19 tới nhà tang lễ ở Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tối 28/5, Tổng thống Duterte nhấn mạnh: "Cần nhớ rằng cả nước vẫn đang thực hiện cách ly. Chúng ta hãy chuyển sang cái gọi là trạng thái bình thường mới". Theo đó, hầu hết các cơ sở kinh doanh sẽ được phép mở cửa lại từ ngày 1/6 tới. Các trung tâm thương mại mở cửa ở mức hạn chế khoảng 2 tuần.

Hoạt động vận tải công cộng cũng vận hành trở lại ở mức giới hạn. Tuy nhiên, các trường học, quán bar, hàng ăn và các tiệm làm tóc vẫn tiếp tục phải đóng cửa. Người cao tuổi và trẻ nhỏ vẫn phải ở nhà, trừ khi cần ra ngoài mua các mặt hàng thiết yếu. 

Thủ đô Manila với 12 triệu dân là khu vực "tâm dịch" COVID-19 tại Philippines. Thành phố này đã thực hiện nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn đại dịch lây lan và là một trong những thành phố áp đặt lệnh phong tỏa lâu nhất trên thế giới. 

Số ca mắc bệnh tại Indonesia vượt qua ngưỡng 25.000 người

Nhân viên y tế hướng dẫn những người trong khu cách ly tập thể dục tại Tangerang, Indonesia, ngày 26/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế hướng dẫn những người trong khu cách ly tập thể dục tại Tangerang, Indonesia, ngày 26/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Indonesia thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 678 ca mắc COVID-19, đưa số người mắc bệnh tại nước này lên hơn 25.216 người, trong đó có 1.520 ca tử vong, tăng 24 ca trong ngày 29/5.

Hiện chính quyền Indonesia đang chuẩn bị thiết lập trạng thái "bình thường mới", trong đó người dân được phép nối lại các hoạt động thường nhật, và hoạt động du lịch được thúc đẩy. 

98% trong tổng số 7.000 công ty lữ hành và các đại lý du lịch tại Indonesia đã phải tạm ngừng hoạt động do dịch bệnh, khiến khoảng 1,4 triệu người mất việc làm. Ngành du lịch "đất nước vạn đảo" đối diện nguy cơ thất thu 4 tỷ USD do lượng khách quốc tế sụt giảm mạnh.

Trong khi đó ngày 29/5, Singapore ghi nhận 611 ca mắc bệnh mới, nâng tổng số ca lên 33.860. 

Cùng ngày, Singapore thông báo quyết định ngừng sử dụng xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) như một tiêu chí để cho bệnh nhân COVID-19 xuất viện, thay vào đó sẽ thực hiện chính sách cho xuất viện căn cứ thời gian.

Bộ Y tế Singapore nêu rõ quyết định trên có hiệu lực ngay lập tức, theo đó các bệnh nhân COVID-19 được đánh giá đã khỏi bệnh sau điều trị lâm sàng vào ngày thứ 21 kể từ khi khở phát bệnh được xuất viện mà không cần tiến hành thêm PCR.

Các trường hợp hoàn tất cách ly 21 ngày cũng sẽ được phép trở về nhà. Quyết định này dựa trên bằng chứng khoa học mới rằng virus suy yếu sau 2 tuần tính từ khi khởi phát bệnh "mặc dù vẫn phát hiện tồn dư axit ribonucleic trong phản ứng chuỗi polymerase".

Công nhân tại S11, khu nhà tập thể khổng lồ dành cho lao động nhập cư tại Singapore, vào tháng 4/2020. Ảnh: Reuters
Công nhân tại S11, khu nhà tập thể khổng lồ dành cho lao động nhập cư tại Singapore, vào tháng 4/2020. Ảnh: Reuters

Malaysia chuẩn bị mở cửa lại nhiều ngành kinh tế xã hội

Bộ Y tế Malaysia cho biết thêm nhiều ngành, trong đó có ngành giáo dục, sẽ hoạt động trở lại nếu Malaysia tiếp tục chứng kiến số ca lây nhiễm bệnh thấp trong tuần đầu tháng 6. Bộ này nhấn mạnh mặc dù Malaysia ghi nhận số ca mắc bệnh mới trong ngày giảm mạnh trong 2 tháng qua, nhưng giới chức vẫn lo ngại nguy cơ trong mùa lễ hội.

Ngày 29/5, Malaysia ghi nhận 103 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 7.732 người. Trong 7 ngày liên tiếp nước này không có ca tử vong mới, số ca tử vong dừng lại ở 115.

Một trung tâm mua sắm ở Kuala Lumpur ngày 28/5. Ảnh: AFP
Một trung tâm mua sắm ở Kuala Lumpur ngày 28/5. Ảnh: AFP

Myanmar gia hạn các biện pháp phòng ngừa 

Chính phủ Myanmar đã thông báo gia hạn các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh đến ngày 15/6 tới. Trong khi đó, Bộ Y tế và Thể thao Myanmar bãi bỏ quy định cấm tập trung nhóm từ 5 người trở lên theo các điều kiện nhất định. Bên cạnh đó, Bộ này cũng thông báo dỡ bỏ biện pháp hạn chế đối với 4 trong số 10 quận huyện tại Yangon đang thực hiện lệnh của chính phủ yêu cầu người dân ở nhà.  

Theo số liệu cập nhật tính đến hết ngày 29/5 trên trang worldometers.info, Myanmar ghi nhận tổng cộng 206 ca mắc COVID-19, trong đó có 6 ca tử vong và 126 người đã hồi phục. 

Kiểm tra thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây lan cỉa dịch COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 24/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Kiểm tra thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây lan cỉa dịch COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 24/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Campuchia xử phạt các du khách không tuân thủ cách ly

Ngày 29/5, Chính phủ Campuchia thông báo bất kỳ du khách nào nhập cảnh vào nước này bị phát hiện vi phạm yêu cầu cách ly 14 ngày sẽ bị xử phạt. Thông báo được đưa ra sau khi Campuchia tuần trước dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách Đức, Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Iran và Mỹ, kèm điều kiện khách nhập cảnh phải có chứng nhận y tế trong 72 giờ không mắc COVID-19. 

Cũng trong ngày 29/5, Thủ tướng Campuchia Hun Sen một lần nữa kêu gọi người dân nâng cao tinh thần cảnh giác để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai, cho dù số người nhiễm bệnh tại nước này không nhiều.

Tính đến nay, Campuchia chỉ phát hiện tổng cộng 124 trường hợp mắc COVID-19 tại nước này và đã chữa trị thành công 122 trường hợp.

Theo Thu Hằng/Báo Tin tức

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh