Tình hình COVID-19 hết ngày 14/5 tại ASEAN: Toàn khối có trên 64.500 người mắc bệnh, trên 2.000 ca tử vong

11:05, 15/05/2020

Theo trang thống kê worldometers.info, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận 1.802 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 40 ca tử vong trong 24 giờ qua. 

Theo trang thống kê worldometers.info, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận 1.802 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 40 ca tử vong trong 24 giờ qua. 

Singapore vẫn là nước có số ca mắc mới nhiều nhất khối với 752 ca trong ngày 14/5. Tiếp đó là Indonesia với 568 ca, Philippines với 258 ca. Đây cũng là ba nước có tổng số ca mắc COVID-19 nhiều nhất Đông Nam Á.

Về số ca tử vong, tính tới hết ngày 14/5, Indonesia đứng đầu ASEAN với 1.043 ca, tiếp đó là Philippines với 790 ca, Malaysia với 112 ca. Các nước còn lại đều có số ca tử vong dưới 100 (Brunei, Myanmar, Singapore và Thái Lan) hoặc chưa ghi nhận ca tử vong (Campuchia, Lào, Timor-Leste và Việt Nam).

Singapore vẫn là điểm nóng nhất ASEAN

Nhân viên lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người lao động nước ngoài ở Singapore ngày 27/4. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người lao động nước ngoài ở Singapore ngày 27/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Hết ngày 14/5, Singapore có tổng cộng 26.098 ca mắc COVID-19. Trong số các ca mắc mới, chỉ có 2 người Singapore và người có thẻ thường trú, còn lại là người lao động nước ngoài sống trong các khu nhà ở chật chột.

Tới nay, Singapore có hơn 7% trong 323.000 người lao động nhập cư mắc COVID-19.

Tính trung bình, số ca mắc mới hàng ngày ngoài khu nhà ở của lao động nhập cư đều giảm. Số ca mắc không rõ nguồn gốc trong người Singapore, người có thẻ thường trú và người có hộ chiếu dài hạn giảm.

Dù số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất khối ASEAN nhưng Singapore mới có 21 người tử vong.

Indonesia ghi nhận 568 ca mắc COVID-19

Nhân viên y tế làm việc tại một trạm xét nghiệm COVID-19 lưu động ở Tangerang, Indonesia ngày 8/5. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế làm việc tại một trạm xét nghiệm COVID-19 lưu động ở Tangerang, Indonesia ngày 8/5. Ảnh: THX/TTXVN

Quan chức Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto cho biết nước này ghi nhận 568 ca nhiễm trong ngày 14/5, nâng tổng số ca mắc bệnh lên thành 16.006 người. Ngoài ra, Indonesia cũng ghi nhận 15 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên thành 1.043 người. Trong khi đó, 3.518 trường hợp đã hồi phục và trên 127.800 người đã được xét nghiệm.

Chính phủ Indonesia có kế hoạch xét nghiệm ngẫu nhiên virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp phản ứng chuỗi polymerase (PCR) tại 8 tỉnh và thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh.

Trước đó, người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của chính phủ Indonesia, ông Doni Monardo cho biết các xét nghiệm này sẽ được triển khai tại thủ đô Jakarta cùng các tỉnh Banten, Tây Java, Trung Java, Đông Java, Bali, Bắc Sumatra và Nam Sulawesi.

Ngoài cách tiếp cận dịch tễ học, thống kê và khảo sát, kế hoạch này còn đặt mục tiêu lấy mẫu xét nghiệm của 1.000 người đại diện cho các nhóm cộng đồng dân cư khác nhau tại mỗi tỉnh thành nhằm phác thảo bức tranh dịch bệnh. Kết quả xét nghiệm sẽ là cơ sở để các bộ ngành và địa phương ra các quyết định nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Chính phủ Indonesia đang tìm cách tăng cường nỗ lực nhằm kiểm soát đại dịch COVID-19 trong những tuần tới, đồng thời yêu cầu Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 chuẩn bị các bước nhằm nới lỏng các hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB) vào tháng 7 tới.

Tính đến ngày 13/5, Indonesia đã xét nghiệm tổng cộng 169.195 mẫu bệnh phẩm bằng phương pháp PCR cho 123.572 người.

Malaysia có thể tái áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ 

Binh sĩ và cảnh sát phong tỏa một khu vực tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 15/4. Ảnh: THX/TTXVN
Binh sĩ và cảnh sát phong tỏa một khu vực tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 15/4. Ảnh: THX/TTXVN

Chính phủ Malaysia có thể tái áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát trở lại.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 13/5, Tổng Giám đốc cơ quan Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah cho biết chính phủ nước này sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch COVID-19 kể từ khi áp dụng lệnh giới hạn di chuyển có điều kiện - một hình thức nới lỏng của lệnh giới hạn di chuyển và sẽ đưa ra kết luận sau 2 tuần áp dụng, trong đó không loại trừ khả năng tái áp dụng lệnh giới hạn di chuyển.

Theo ông Noor Hisham, giai đoạn áp dụng lệnh giới hạn di chuyển đã giúp Malaysia kiểm soát, ngăn chặn tốt sự lây lan của dịch bệnh. Trong khi đó, khoảng thời gian áp dụng lệnh giới hạn di chuyển có điều kiện không mang lại kết quả khả quan.

Người đứng đầu Cơ quan y tế Malaysia chia sẻ, trường hợp số ca nhiễm trong tầm kiểm soát, quốc gia Đông Nam Á này sẽ mở cửa trở lại nhiều lĩnh vực. Ở chiều ngược lại, nếu số lượng bệnh nhân mới tiếp tục tăng, sau ngày 18/5, Malaysia sẽ tái áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ. 

Ngày 14/5, Malaysia ghi nhận 40 ca nhiễm và một ca tử vong. Hiện tổng số ca nhiễm của nước này là 6.819 ca, bao gồm 112 ca tử vong.

Lào cho phép nhiều lao động nước ngoài nhập cảnh

Người dân đeo khẩu trang tại Viêng Chăn, Lào ngày 23/3. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân đeo khẩu trang tại Viêng Chăn, Lào ngày 23/3. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Lào chiều 14/5 cho biết nước này đã bước sang ngày thứ 32 không phát hiện ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2, song tiếp tục kêu gọi người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng chống COVID-19 cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát.

Tính tới hết ngày 14/5, tại Lào vẫn chỉ có 19 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó 14 người đã bình phục.

Theo nguồn tin của Bộ Y tế Lào, ngày 13/5, nước này đã cho phép 16 lao động Việt Nam nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Nam Soy, Thanh Hóa, để tiếp tục thi công dự án bệnh viện tỉnh Hua Phanh. Đây là công trình viện trợ không hoàn lại của Nhà nước Việt Nam cho Lào. Sau khi nhập cảnh, toàn bộ 16 lao động trên đã được kiểm tra y tế, lấy mẫu xét nghiệm và được đưa đi cách ly.

Trong những ngày gần đây, Lào cũng đã cho phép nhiều lao động Trung Quốc, Thái Lan, làm việc tại các dự án trọng điểm, được nhập cảnh vào nước này để tiếp tục công

Campuchia có thể nới lỏng hạn chế một số dịch vụ kinh doanh 

Kiểm tra sức khỏe các lao động nhập cư nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 20/4. Ảnh: AFP/TTXVN
Kiểm tra sức khỏe các lao động nhập cư nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 20/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhật báo Khmer Times đưa tin Ủy ban chống COVID-19 Campuchia đã thảo luận biện pháp nới lỏng hạn chế, mở lại kinh doanh trong một số lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy hoạt động kinh tế quốc gia. 

Căn cứ thực tế hiện nay, người dân Campuchia đang dần trở lại cuộc sống bình thường trong bối cảnh tình hình một tháng qua, Bộ Y tế Campuchia không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 nào. Hiện nay chỉ còn lại 1/122 bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị tại Phnom Penh. 

Người phát ngôn Bộ Y tế Or Vandine cho biết bộ vẫn đang cân nhắc các phương án đề xuất trình Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Bà Or Vandine cho hay các ngành nghề được thảo luận để cho phép hoạt động trở lại gồm kinh doanh nhà hàng, cơ sở giải trí, trường học và sòng bạc.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia tiếp tục cảnh báo trong khi Chính phủ đang xây dựng tiến trình phục hồi sau dịch bệnh, điều cần thiết nhất đó là mọi người dân phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm ngăn chặn làn sóng bùng phát virus lần hai. 

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế Campuchia, có 3 biện pháp quan trọng phải thực hiện để phòng chống dịch bệnh COVID-19 gồm: rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội đồng thời tiến hành các biện pháp nghiêm ngặt đối với du khách nhập cảnh Campuchia.

ASEAN và Mexico trao đổi kinh nghiệm phòng-chống dịch COVID-19

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mexico Nguyễn Hoài Dương dự tọa đàm trực tuyến. Ảnh: TTXVN phát
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mexico Nguyễn Hoài Dương dự tọa đàm trực tuyến. Ảnh: TTXVN phát

Ngày 13/5, đại sứ và đại biện các nước ASEAN tại Mexico, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, đã có buổi trao đổi trực tuyến với Tổng Vụ trưởng châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao, Claudia Franco Hijuelos về tình hình, các biện pháp và kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại khu vực Đông Nam Á và Mexico, cũng như khả năng tổ chức các hoạt động ngoại giao sau khi Mexico dỡ bỏ lệnh phong toả vào cuối tháng Năm này.

Tại cuộc làm việc trực tuyến, Đại sứ Việt Nam Nguyễn Hoài Dương đã thông báo những nội dung chính của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN + 3 về ứng phó dịch bệnh COVID-19, diễn ra dưới sự chủ trì của Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN; cập nhật tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm “chống dịch như chống giặc”.

Đại sứ nhấn mạnh với ý thức cộng đồng cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, và niềm tin tuyệt đối của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi dịch bệnh và trở thành điểm sáng trong cuộc chiến chống COVID-19. 

Sau khi nghe các đại sứ, đại biện ASEAN thông báo về tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng chống dịch tại mỗi nước, Tổng Vụ trưởng Claudia Franco đã thông tin chi tiết về tình hình dịch COVID-19, cũng như các biện pháp phòng chống dịch mà Chính quyền Mexico ban bố, áp dụng nhằm vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội. 

Tổng Vụ trưởng Claudia khẳng định Mexico rất coi trọng và đánh giá cao quan hệ ASEAN - Mexico, vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực và mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với ASEAN trong ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID -19. 

Theo Thùy Dương/Báo Tin tức

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh