Những nước chống COVID-19 tốt nhất: Bất ngờ trường hợp Mông Cổ

03:05, 31/05/2020

Có nhiều nước, vùng lãnh thổ theo đuổi biện pháp mạnh mẽ trong đối phó với đại dịch COVID-19: Đó là Hàn Quốc, New Zealand, Đài Loan/Trung Quốc, Hong Kong/Trung Quốc… Nhưng cần phải dành một sự chú ý đặc biệt cho Mông Cổ.

Có nhiều nước, vùng lãnh thổ theo đuổi biện pháp mạnh mẽ trong đối phó với đại dịch COVID-19: Đó là Hàn Quốc, New Zealand, Đài Loan/Trung Quốc, Hong Kong/Trung Quốc… Nhưng cần phải dành một sự chú ý đặc biệt cho Mông Cổ.

Mông Cổ thực hiện chuyến bay đón công dân từ châu Âu về nước. Ảnh: Medium
Mông Cổ thực hiện chuyến bay đón công dân từ châu Âu về nước. Ảnh: Medium

Nằm giữa hai nước lớn Trung Quốc và Nga, Mông Cổ hầu như không thu hút được sự chú ý của dư luận. Nhưng câu chuyện kiềm chế thành công đại dịch COVID-19 khiến Mông Cổ trở nên nổi bật.

Quốc gia 3,17 triệu dân này không có trường hợp tử vong, không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến ngày 18/5, Mông Cổ ghi nhận 136 ca mắc COVID-19, nhưng toàn bộ số này là lây nhiễm “nhập khẩu”. 

Có nhiều nhân tố khiến Mông Cổ thuộc diện dễ bị tổn thương trước đại dịch: Hệ thống y tế yếu kém, giáp Trung Quốc – nước là tâm dịch đầu tiên; giáp Hàn Quốc - cũng là nơi chứng kiến làn sóng bùng phát dịch bệnh lớn nhất ngoài Trung Quốc. Thế nhưng chiến lược phòng chống đại dịch của Mông Cổ đã thực sự hiệu quả tính đến thời điểm này. 

Làm sao Mông Cổ lại có được thành công như vậy? Câu trả lời là: Họ đã thấy những gì diễn ra ở Vũ Hán, lắng nghe, hợp tác tốt với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và hành động nhanh, quyết đoán ngay từ tháng 1. Ngay sau khi WHO đưa ra khuyến cáo ngày 21/1, Mông Cổ đã gấp rút thành lập Ủy ban Khẩn cấp liên Nhà nước để hỗ trợ Bộ Y tế và đóng vai trò là cơ quan điều hành, tiên phong trong phòng chống dịch.

Khi vào trang World In Data’s Coronavirus Data và nhấp chuột vào “Mông Cổ”, sẽ không có bất kỳ thông tin nào hiện lên, bởi lẽ quốc gia này không có trường hợp lây nhiễm nội địa, tử vong vì COVID-19. Đó là bởi Mông Cổ đã có sự chuẩn bị từ sớm dựa trên quan điểm: Cách tốt nhất để giữ mạng sống con người là “phòng bệnh, hơn chữa bệnh; thành công thường đến từ những bước đi vượt trước”. 

Trong cả tháng 2, Mông Cổ căng mình chuẩn bị đối phó với mối nguy. Chính quyền gấp rút mua sắm, nhập khẩu khẩu trang, các bộ kít xét nghiệm, đồ bảo hộ. Kế đến là kiểm tra bệnh viện, trung tâm siêu thị, chợ bán hàng và vệ sinh thành phố. Vẫn không có ca nhiễm bệnh nào. Không có tình cảnh đốt cháy các trạm phát sóng 5G như ở một số nước châu Âu, khi một bộ phận người người dân huyễn hoặc sóng 5G là nguyên nhân gây ra đại dịch. 

Đây cũng là thời điểm đại dịch bùng phát mạnh tại Trung Quốc. Chính quyền Mông Cổ theo đuổi cách tiếp cận ngăn chặn quyết liệt, nổi bật nhất là việc cho dừng các hoạt động đón mừng năm mới, một sự kiện rất lớn với nhiều nước ở châu Á. Chính quyền triển khai hàng trăm người làm nhiệm vụ giám sát hạn chế việc đi lại để bảo đảm an toàn. Việc di chuyển giữa Ulaanbaatar và các tỉnh ngoài thủ đô bị cấm. 

Mông Cổ cùng lúc cũng đóng cửa biên giới với Nga, Trung Quốc, dừng các chuyến bay quốc tế; ngăn chặn, kiểm soát dòng người xuất, nhập cảnh. Chính phủ huy động nguồn lực để hồi hương công dân từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga. Tất cả số này đều thực hiện cách ly trong thời gian 21 ngày, với nhiều lần được lấy mẫu xét nghiệm. 

Đến tháng 3, vẫn không có ca nhiễm bệnh nào. Nếu thế giới muốn biết tại sao Mông Cổ không ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng nào, câu trả lời sẽ là: quốc gia giáp Trung Quốc này đã bắt tay hành động khi chưa xuất hiện ca bệnh nào và họ tiếp tục làm vậy. 

Đơn cử, khi nghe được thông tin về một ca mắc COVID-19 ở dọc biên giới (không thuộc lãnh thổ Mông Cổ), khu vực miền Nam Gobi đã tuyên bố áp đặt tình trạng khẩn cấp, quy định mọi người bắt buộc phải đeo khẩu trang. Những hành động kiểu như vậy tại Mông Cổ có thể vẫn được các nước áp dụng, nhưng đó là khi tình hình đã quá muộn. Mới nhìn, tưởng chừng Mông Cổ hành động hơi quá, nhưng thực chất họ luôn phản ứng kịp thời.

Khi đọc những dòng này, nhiều người hẳn sẽ buồn, muốn khóc lên vì tức giận. Mỹ có thể cũng đã làm được như Mông Cổ, Italy cũng vậy. Brazil, Thụy Điển, Anh, Tây Ban Nha - đều có thể làm được hết. Nhưng đáng tiếc thực tế không diễn ra như vậy. 

Mông Cổ lắng nghe chuyên gia, hành động nhanh chóng và giữ an toàn cho người dân. Trong khi đó, phần còn lại của thế giới, đặc biệt là thế giới phương Tây, thường được gọi là những nước “thế giới thứ nhất”, lại không làm được điều đó. Hậu quả là hàng trăm nghìn người thiệt mạng, số bị ảnh hưởng di chứng sức khỏe không thể kể hết, cùng với đó là tình cảnh đau thương, bất ổn kinh tế. 

Theo Hoài Thanh/Báo Tin tức (Stanford.edu, Kottke.org)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh