Diễn biến COVID-19 tại ba ổ dịch 'nóng' nhất thế giới

05:05, 06/05/2020

Trong khi một số nước đã qua đỉnh dịch và đang nới lỏng giãn cách xã hội, Mỹ vẫn là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới, còn Nga và Brazil là hai điểm nóng mới ở châu Âu và Nam Mỹ.

Trong khi một số nước đã qua đỉnh dịch và đang nới lỏng giãn cách xã hội, Mỹ vẫn là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới, còn Nga và Brazil là hai điểm nóng mới ở châu Âu và Nam Mỹ.

Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 6/4. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 6/4. Ảnh: THX/TTXVN

Dịch bệnh chưa qua, Mỹ đã tính giảm lực lượng chống COVID-19

Tính tới ngày 5/6, Mỹ có trên 1,2 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó trên 72.000 ca tử vong. Bỏ xa các nước khác, Mỹ hiện là quốc gia có số ca mắc và ca tử vong cao nhất thế giới khi mỗi ngày ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc và hàng nghìn ca tử vong.

Tuy nhiên, Mỹ lại có ý định giảm quy mô lực lượng chống COVID-19. Theo kênh CNN, một quan chức cấp cao Nhà Trắng ngày 5/5 cho biết lực lượng này sẽ giảm bớt nhân sự vào cuối tháng 5. Dù vậy, Nhà Trắng sẽ duy trì đội ngũ chuyên gia y tế chủ chốt để cố vấn cho Tổng thống Donald Trump hàng ngày và cung cấp thông tin cho báo chí trong suốt những tháng tới.

Động thái trên sẽ dần chấm dứt hoạt động của trung tâm đầu não phản ứng với virus SARS-CoV-2 của Chính phủ liên bang Mỹ. Dù vậy, quan chức Nhà Trắng cho biết các thành viên đội phòng chống COVID-19 sẽ vẫn giữ liên lạc với các thống đốc bang và lãnh đạo các ngành vì Nhà Trắng thấy rằng họ muốn các bác sĩ cố vấn trong khi các bang dần mở cửa lại nền kinh tế.

Thay vì tập trung vào nhóm phòng chống COVID-19, Nhà Trắng sẽ tập trung vào mở cửa lại nền kinh tế và đưa người Mỹ trở lại làm việc. Phó Tổng thống Mike Pence, người đứng đầu nhóm đặc nhiệm phòng chống COVID-19, cho biết Nhà Trắng có thể bắt đầu chuyển giao nhiệm vụ điều phối phản ứng chống dịch của Mỹ sang các cơ quan liên bang vào cuối tháng 5. 

Thông tin nói trên xuất hiện trong thời điểm số ca mắc và tử vong vì COVID-19 ở Mỹ dù vẫn cao nhưng đã có xu hướng ổn định. Tuy nhiên, một mô hình có ảnh hưởng của Viện Đánh giá và Thống kê Y tế thuộc Đại học Washington dự báo tới ngày 4/8, số ca tử vong ở Mỹ sẽ gấp đôi, tức là khoảng 134.000 ca. 

Tổng thống Trump ngày 5/5 cũng thừa nhận rằng có thể sẽ có thêm nhiều người Mỹ tử vong do COVID-19 khi nền kinh tế mở cửa trở lại, song ông vẫn giữ lập trường riêng là không cần đeo khẩu trang do nguy cơ dịch bệnh đang dần được kiểm soát.

Nga – điểm nóng COVID-19 mới ở châu Âu

Trong khi nhiều quốc gia châu Âu đã qua giai đoạn nghiêm trọng nhất của đại dịch COVID-19, thì Nga lại trở thành điểm nóng trong những ngày qua. 

Trong ngày 5/5, Nga xác nhận 10.102 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 155.370. Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 nhất tính trong một ngày.

Theo tờ Moscow Times, Nga có số ca mắc hàng ngày cao thứ hai thế giới (chỉ sau Mỹ) và tổng số ca mắc đứng thứ 7 thế giới sau khi vượt Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran vào tuần trước. Trong số người mắc bệnh có cả Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin. Tuy nhiên, số ca tử vong ở Nga ở mức thấp với 1.451 trường hợp tính tới ngày 6/5. Theo hãng tin AFP, Nga đứng thứ 18 về số ca tử vong.

Dịch bệnh cũng bùng phát trong quân đội Nga. Bộ Quốc phòng nước này báo cáo tính đến 26/4, ít nhất 870 binh sĩ Nga đã nhận kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tình hình dịch bệnh leo thang khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gia hạn tháng “không làm việc” trên toàn quốc qua ngày 11/5. Lệnh phong tỏa thủ đô Moskva cũng kéo dài tới ngày 11/5. Vệ binh Quốc gia Nga cho biết sẽ sử dụng trực thăng và thiết bị bay không người lái để thực thi quy định tự cách ly ở Moskva và vùng Moskva trong những ngày nghỉ lễ tháng 5. Trực thăng và thiết bị bay không người lái sẽ gửi thông tin về tình hình vi phạm quy định để giới chức gửi thông báo phạt cho người vi phạm.

Trước đó, diễn biến dịch COVID-19 ở Nga hồi tháng 3 không nghiêm trọng. Tổng thống Putin còn tự tin về phản ứng của chính phủ với cuộc khủng hoảng toàn cầu và trấn an người dân là tình hình trong tầm kiểm soát nhờ các biện pháp can thiệp sớm. Tuy nhiên, tới ngày 13/4, ông Putin phải thừa nhận: “Chúng ta có rất nhiều vấn đề”.

Brazil phải trả giá vì coi nhẹ dịch bệnh

Nếu như Nga là điểm nóng COVID-19 mới ở châu Âu thì Brazil là ổ dịch lớn nhất tại Mỹ Latinh. Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, sau hơn 2 tháng phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên hồi cuối tháng 2, Brazil đang là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất với số ca bệnh mới tăng chóng mặt từng ngày. 

Theo số liệu cập nhật tới ngày 6/5, Brazil đã ghi nhận gần 116.000 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có gần 8.000 trường hợp tử vong. Nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh cũng đứng đầu khu vực cả về số ca mắc lẫn tử vong vì COVID-19.

Một trong những nguyên nhân khiến Brazil mất kiểm soát với COVID-19 là do bất đồng giữa Tổng thống Jair Bolsonaro và chính quyền các bang về quan điểm ứng phó với COVID-19. Bất đồng này khiến tình hình càng trở nên rối ren và biến Brazil trở thành một ổ dịch mới của thế giới. 

Ngay từ thời điểm virus SARS-CoV-2 bắt đầu lây lan trong cộng đồng tại Brazil, giới chuyên gia đã cảnh báo về khả năng bùng phát những ổ dịch lớn, khuyến cáo chính quyền cần phải có những biện pháp quyết liệt để đối phó với “kẻ thù vô hình” này. Tuy nhiên, Tổng thống Bolsonaro luôn bảo vệ quan điểm rằng đây là một chiến dịch “thổi phồng” vấn đề mà giới truyền thông đưa ra để chống phá những chương trình phát triển đất nước, đồng thời coi COVID-19 chỉ giống như một loại cúm thông thường và những lo lắng của dư luận là thái quá.

Thậm chí khi chính quyền các bang buộc phải tự áp dụng các biện pháp cách ly xã hội, dừng những hoạt động đông người để ngăn chặn dịch bệnh thì Tổng thống Bolsonaro lại kêu gọi tổ chức các cuộc mít tinh và trực tiếp tham gia. Ông cũng là người phản đối kịch liệt việc đóng cửa các trường học, ngừng các hoạt động thường nhật trong xã hội vì cho rằng điều đó khiến cho nền kinh tế đất nước có thể bị sụp đổ.

Nhà lãnh đạo Brazil cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng chỉ nên áp dụng biện pháp cách ly xã hội đối với người cao tuổi thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao, còn tất cả những đối tượng khác cần phải tiếp tục một cuộc sống bình thường.

Một lý do khác khiến tình trạng bệnh dịch COVID-19 lây lan nhanh chóng tại Brazil là điều kiện vệ sinh dịch tễ trong cộng đồng chưa đáp ứng được những đòi hỏi phòng chống dịch. Dân số lên tới hơn 211 triệu người, trong đó hơn 20% thuộc tầng lớp người nghèo, trong đó nhiều người phải sống trong các khu ổ chuột đông đúc, thiếu điều kiện vệ sinh tối thiểu... 

Ngoài ra, hệ thống y tế công của Brazil mới chỉ có 7 trung tâm có khả năng xét nghiệm COVID-19. Do thiếu que thử nên khoảng 90.000 mẫu xét nghiệm vẫn chưa được các trung tâm này xử lý, trong khi kết quả xét nghiệm của hàng chục nghìn mẫu khác sau cả tuần mới có kết quả.     

Tới nay, hệ thống bệnh viện, nhà tang lễ và nghĩa trang Brazil gần như "sụp đổ" do quá tải, trong khi các ca mắc hàng ngày vẫn tăng theo cấp số nhân. Bộ trưởng Y tế Brazil Nelson Teich hôm 1/5 dự báo số ca tử vong ở nước này có thể lên tới hàng nghìn người mỗi ngày nếu dịch tiếp tục lây lan mạnh. 

Theo Thùy Dương/Báo Tin tức

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh