Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 17/4 đã kêu gọi khoanh toàn bộ nợ cho một số nước đang phát triển nhằm giúp các nước này tập trung chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 17/4 đã kêu gọi khoanh toàn bộ nợ cho một số nước đang phát triển nhằm giúp các nước này tập trung chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres trong bài phát biểu tại New York, Mỹ ngày 10/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, TTK Guterres đưa ra lời kêu gọi trên tại Hội nghị Mùa Xuân do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức trực tuyến trong bối cảnh LHQ đang đề xuất thiết lập một khung giải quyết nợ toàn diện cho các nước đang phát triển hiện phải vật lộn với đại dịch COVID-19.
TTK LHQ cũng nhấn mạnh COVID-19 không chỉ là đại dịch đối với sức khỏe mà còn là đại dịch tác động tới việc làm, cũng như vấn đề nhân đạo và phát triển.
TTK Guterres cho rằng đề xuất nói trên của ông mới chỉ là bước khởi đầu trong công tác hỗ trợ và mức độ nghiêm trọng của đại dịch lần này sẽ đòi khỏi các nước cần phải có nhiều hành động hơn nữa, nhất là khi nhiều nước đang phát triển hiện bị tổn thương nghiêm trọng và "ngập" trong nợ nần hoặc sẽ sớm rơi vào tình trạng đó nếu suy thoái toàn cầu xảy ra.
Người đứng đầu LHQ cho biết thêm mức nợ trung bình tính trên GDP ở châu Phi đã tăng từ 39,5% vào năm 2011 lên tới 61,3% vào năm 2019.
Cũng tại Hội nghị mùa Xuân nói trên, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cảnh báo những thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra có thể hủy hoại tiến bộ đạt được gần đây tại các quốc gia nghèo.
Phát biểu trong khuôn khổ hội nghị, Chủ tịch Malpass đã đề cập tới kế hoạch của WB trong việc sẽ giải ngân 160 tỷ USD tiền viện trợ dành cho các quốc gia nghèo tại châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh trong vòng 15 tháng tới nhằm tăng khả năng ứng phó của các nước này đối với cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch COVID-19 gây ra, cũng như đối với nỗ lực phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh "rõ ràng điều đó là chưa đủ. Nếu chúng ta không nhanh chóng hành động để củng cố các cơ chế và khả năng phục hồi, các kết quả đạt được trong những năm gần đây có thể dễ dàng mất đi".
Trong khi đó, với việc mô tả khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra là "Cuộc Đại phong tỏa" và là vụ khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ Cuộc Đại suy thoái vào những năm 30 của thế kỷ 20, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu có nguy cơ sụt giảm 3% trong năm nay.
Theo IMF, xu hướng sụt giảm này có thể còn trầm trọng hơn nữa nếu thế giới chưa thể kiểm soát đại dịch COVID-19 vào cuối tháng 6 tới và nếu các biện pháp hạn chế vẫn tiếp tục được duy trì trong nửa cuối năm nay.
Cũng tại hội nghị nói trên, WB và IMF cho biết mặc dù đã nhận được nhiều gói hỗ trợ lớn, cũng như các cam kết về giãn, giảm, xoá các khoản nợ nhưng châu Phi vẫn cần thêm 44 tỷ USD để đối phó với đại dịch COVID-19.
Thời gian gần đây, WB và các chủ nợ quốc tế khác đã huy động được khoảng 57 tỷ USD để hỗ trợ hệ thống y tế và thúc đẩy phục hồi kinh tế ở châu lục nghèo nhất thế giới. Các quỹ tư nhân cũng đã trao cho các quốc gia châu Phi các gói viện trợ trị giá 13 tỷ USD. Tuy nhiên, theo WB, châu Phi cần 114 tỷ USD trong năm 2020 để khắc phục hậu quả, cũng như thoát khỏi đại dịch. Điều đó có nghĩa là cộng đồng quốc tế cần tiếp tục hỗ trợ, huy động khoản tiền lên đến 44 tỷ USD.
Các chuyên gia y tế lo ngại hệ thống y tế yếu kém, lạc hậu của phần lớn các nước châu Phi sẽ khó có thể ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19. Trong khi đó, nhu cầu về các nguyên liệu đầu vào cơ bản, như dầu mỏ, khoáng sản... sụt giảm, cộng với việc đóng cửa, phong toả để hạn chế lây nhiễm đã khiến nền kinh tế nhiều quốc gia đối mặt với khủng hoảng. IMF dự báo GDP của châu Phi sẽ giảm 1,6% trong năm 2020 và là mức thấp nhất từ trước đến nay. WB cũng đưa ra cảnh báo châu lục này hoàn toàn có thể rơi vào suy thoái - lần đầu tiên trong 25 năm qua.
Tổng thống Nam Phi, đồng thời là Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) Cyril Ramaphosa nhận định rằng đại dịch đã gây ra tác động tàn phá đối với các quốc gia của châu lục và tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực trong thời gian tới. Đây là những trở ngại đáng kể cho các mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, xoá bỏ bất bình đẳng và kém phát triển trong chương trình nghị sự AU.
Ngày 15/4 vừa qua, Nhóm các quốc gia phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí ủng hộ sáng kiến lùi thời hạn trả nợ cho các quốc gia nghèo nhất thế giới - đa số trong đó là ở châu Phi trong bối cảnh những quốc gia này đang chật vật ứng phó với đại dịch COVID-19. Tất cả các cơ quan tín dụng chính thức có liên quan đều sẽ tham gia sáng kiến này.
Theo Hải Vân - Quang Trường (TTXVN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin