Dịch COVID-19 đã lan rộng tới 50 quốc gia ở châu Phi, trong đó các trường hợp nhiễm bệnh cao nhất được ghi nhận tại Nam Phi, Algeria và Ai Cập.
Dịch COVID-19 đã lan rộng tới 50 quốc gia ở châu Phi, trong đó các trường hợp nhiễm bệnh cao nhất được ghi nhận tại Nam Phi, Algeria và Ai Cập.
Cảnh vắng vẻ tại một tuyến phố ở Algiers, Algeria do dịch COVID-19 ngày 20/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 5/4, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho biết số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại lục địa này đã chạm mốc 360, đồng thời số trường hợp nhiễm chủng virus nguy hiểm này cũng tăng lên 8.536.
Theo CDC châu Phi, dịch COVID-19 đã lan rộng tới 50 quốc gia ở châu lục này, trong đó các trường hợp nhiễm bệnh cao nhất được ghi nhận tại Nam Phi (với 1.655 ca), Algeria (1.320) và Ai Cập (1.173). Bên cạnh đó, khoảng 710 bệnh nhân mắc COVID-19 đã phục hồi tại châu Phi.
CDC châu Phi cho biết thêm, chỉ riêng trong vòng 24 giờ, qua số trường hợp mắc COVID-19 tại châu Phi đã tăng thêm 795 trường hợp, từ mức 7.741 lên 8.536. Trong khi đó, số ca tử vong tăng tương ứng từ 313 lên 360.
Hiện Liên minh châu Phi, thông qua CDC châu Phi, đã kích hoạt Trung tâm Hoạt động Khẩn cấp và Hệ thống Quản lý Sự Cố (IMS) để xử lý sự bùng phát của dịch COVID-19 trên toàn châu lục. CDC châu Phi cũng đã lên kế hoạch hành động thứ ba trong giai đoạn từ 16/3 đến 15/4.
Ngày 5/4, truyền thông Ai Cập dẫn lời Quốc vụ khanh phụ trách thông tin Osama Heikal cho biết quốc gia này đang cân nhắc gia hạn lệnh giới nghiêm, sau khi số trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra ở quốc gia Bắc Phi này đã vượt qua mốc 1.000 người.
Theo ông Heikal, người dân Ai Cập cần duy trì sự "thận trọng tối đa" trong giai đoạn sắp tới sau khi cột mốc 1.000 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đã bị phá vỡ.
Trong bối cảnh đó, Ai Cập đang cân nhắc gia hạn lệnh giới nghiêm, tiếp tục đóng cửa các trường học và đình chỉ các chuyến bay.
Ông Heikal tuyên bố: "Chúng tôi đang cố gắng duy trì sự ổn định trong giai đoạn thứ hai của dịch bệnh. Dựa trên tỷ lệ lây nhiễm hiện nay, Ai Cập có đủ năng lực để đối phó với tình hình trong thời gian dài."
Tuy nhiên, ông Heikal không cho rằng Ai Cập cần áp dụng lệnh phong tỏa toàn phần và điều này chỉ nên thực hiện nếu người dân không tuân thủ lệnh giới nghiêm và các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh mà chính phủ đang triển khai.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Ai Cập Hala Zayed cảnh báo khả năng tầm soát các trường hợp lây nhiễm ở nước này sẽ trở nên khó khăn hơn khi các ca nhiễm bệnh vượt ngưỡng 1.000 nhanh chóng. Ai Cập đã áp dụng lệnh giới nghiêm kể từ ngày 25/3 và kéo dài trong 2 tuần, từ 19h-6h, nhằm hạn chế nguy cơ lây lan của dịch COVID-19.
Ngày 5/4, nhà chức trách Algeria đã quyết định mở rộng lệnh giới nghiêm trên toàn lãnh thỗ ở 48 tỉnh và thành phố, theo các Nghị định 20-69, 20-70 và 20-72 của Tổng thống AbdelmadjidTebboune trong khuôn khổ các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Algiers, cụ thể Algeria sẽ áp dụng lệnh giới nghiêm với 38 địa phương từ 19h00 đến 7h00, đồng thời mở rộng thời gian giới nghiêm từ 15h00 hôm trước đến 7h00 sáng hôm sau đối với 9 địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất, đã áp đặt từ hôm 23/3, gồm thủ đô Algiers, Oran, Bejaia, sétif, Tizi-Ouzou, Tipaza, Tlemcen, Aïn Defla và Médéa.
Đặc biệt, riêng tỉnh Blida - tâm dịch lớn nhất cả nước, đã áp đặt lệnh giới nghiêm toàn phần 24 giờ. Các quyết định giới nghiêm mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 5-19/4.
Hiện Algeria được đặt trong tình trạng báo động cao nhất để ngăn chặn đại dịch COVID-19, đồng thời để tránh lây nhiễm bệnh, chính quyền yêu cầu tất cả người dân bắt buộc tuân thủ các quy định về kiểm soát sự lây lan của chính quyền, theo đó chỉ được ra ngoài trong trường hợp khẩn cấp.
Ngoài lệnh giới nghiêm trên phạm vi toàn quốc, Algeria được xem là đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh để ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh COVID-19. Nhà chức trách cũng đã ban lệnh cấm đầu cơ trích trữ lương thực và giao cho cơ quan quản lý thị trường xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; quản lý chặt chẽ và cấm tăng giá bán các sản phẩm y tế như khẩu trang và nước diệt khuẩn.
Tính đến thời điểm hiện tại, Algeria đã xếp thứ 2 ở châu Phi về tổng số ca mắc COVID-19, chỉ sau Nam Phi, song lại có số ca tử vong cao nhất châu Phi, với tỷ lệ trên 10% (152 ca tử vong/1.320 người mắc).
Cũng trong ngày 5/4, ông Josep Borrell - Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) khẳng định dịch COVID-19 có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát ở châu Phi và EU phải vào cuộc để tránh sự ảnh hưởng cho khối.
Phóng viên TTXVN tại Trung và Đông Âu dẫn lời ông Borrell khẳng định nếu EU không giải quyết vấn đề ở châu Phi, khối sẽ không thể giải quyết được ở châu Âu.
Theo đó, EU cần phải giúp đỡ châu Phi vì lợi ích của chính mình bởi ngay cả khi dịch châu Âu được giải quyết cũng sẽ không triệt để do dịch có thể bùng phát dữ dội bất cứ lúc nào.
Ngay cả trước cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19, châu Phi vẫn là ưu tiên hàng đầu của EU. Tháng 12/2019. các ngoại trưởng EU đã mô tả năm 2020 là "năm bản lề" trong quan hệ giữa châu Phi và EU.
Ông Borrell cũng cho biết Brussels hiện nghiên cứu một gói tài chính nhằm hỗ trợ các nước châu Phi chống dịch. Theo đó, ông đã yêu cầu một cuộc họp các bộ trưởng phát triển EU vào ngày 8/4 để thảo luận về kế hoạch./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin