Năm 2020 được dự kiến là năm ngoại giao châu Âu-Trung Quốc nhưng đại dịch COVID-19 đã khiến tình thế thay đổi.
Năm 2020 được dự kiến là năm ngoại giao châu Âu-Trung Quốc nhưng đại dịch COVID-19 đã khiến tình thế thay đổi.
Sản xuất khẩu trang tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Kênh Bloomberg (Mỹ) cho rằng cách xử lý dịch của Trung Quốc đã làm mất lòng tin của châu Âu. Trong đó, nhiều nước cáo buộc Trung Quốc “hét giá” thiết bị y tế và không minh bạch thông tin trong thời kỳ đầu xuất hiện dịch COVID-19.
Trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai chỉ trích Trung Quốc thì các nhà lãnh đạo châu Âu lại kín tiếng hơn, một phần do lo ngại bị đáp trả. Tuy nhiên, một số chính khách tại Đức, Pháp, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã thể hiện thái độ không hài lòng. Thành viên đảng Xanh (Đức) kiêm lãnh đạo phái đoàn quan hệ với Trung Quốc thuộc Nghị viện châu Âu - Reinhard Buetikofer - nhận định: “Trong những tháng qua, Trung Quốc đã đánh mất châu Âu”.
Nhiều thành viên EU đã theo đuổi chính sách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và theo dõi chặt chẽ đầu tư mang tính thâu tóm từ Trung Quốc. Điều này sẽ gây rủi ro cho quan hệ thương mại Trung Quốc-EU có trị giá gần 750 tỷ USD năm 2019.
Cách đây vài tuần, Trung Quốc đã chuyển thiết bị bảo hộ, bộ xét nghiệm và máy thở tới những quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19. Đại dịch là cơ hội thắt chặt đoàn kết song phương nhưng điều này lại không tồn tại lâu. Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc Joerg Wuttke cho biết quan điểm của “Lục địa Già” với Trung Quốc là không mấy tích cực.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas chia sẻ với tờ Bild rằng cập nhật số người tử vong vì COVID-19 gần đây tại Trung Quốc là đáng báo động, còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng “rõ ràng có điều xảy ra mà chúng ta không rõ”.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói sẽ không còn “kinh doanh như thường lệ” với Trung Quốc một khi đại dịch kết thúc. Bộ Y tế Tây Ban Nha còn hủy đơn đặt hàng bộ xét nghiệm kháng nguyên từ một công ty Trung Quốc do lỗi sản phẩm.
Chính phủ các quốc gia châu Âu đã cẩn trọng hơn với Trung Quốc trong 2 năm qua khi sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Chủ tịch Tập Cận Bình xuất hiện khắp lục địa, tham gia vào các công ty robot, cảng biển, doanh nghiệp lớn từ Địa Trung Hải cho tới Biển Baltic. Một số quốc gia châu Âu còn quan ngại về chương trình "Made in China 2025" với kỳ vọng của Bắc Kinh trở thành đầu tàu thế giới về công nghệ then chốt. Nhiều nước cho rằng đây là mối đe dọa với công nghiệp châu Âu.
Khi giá cổ phiếu chao đảo vì khủng hoảng dịch COVID-19, các quốc gia như Đức đã thắt chặt quy định do lo ngại rằng Trung Quốc có thể nhân cơ hội kiểm soát cổ phiếu ở những công ty yếu thế do dịch.
Ủy viên châu Âu phụ trách lĩnh vực cạnh tranh Margrethe Vestager chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Financial Times rằng các chính phủ cần mạnh tay và mua cổ phiếu của các công ty yếu thế để ngăn chặn Trung Quốc tận dụng.
Không trực tiếp đề cập đến Trung Quốc nhưng các bộ trưởng Thương mại EU vào ngày 16/4 đều thống nhất về tầm quan trọng của việc đa dạng hóa để “giảm phụ thuộc vào quốc gia khác về nguồn cung”. Bước đầu tiên là Đức dự kiến dùng ngân sách quốc gia để khởi động sản xuất hàng triệu khẩu trang tính đến cuối mùa hè. Trung Quốc hiện xuất khẩu 25% khẩu trang trên toàn thế giới.
Ông Joerg Wuttke cho biết thảo luận về chuỗi cung ứng hình thành kể từ khi Bắc Kinh đóng cửa các cảng biển vào đầu năm nay, gây lo ngại dược liệu tại Trung Quốc không thể đến châu Âu. Cũng từ đây, các nghị sĩ nhận thấy rằng cần phải đảm bảo các sản phẩm chiến lược.
Giám đốc chương trình châu Á tại Hội đồng châu Âu nhận định rằng trong diễn biến này, Đức là quốc gia then chốt. Xuất khẩu của Đức tới Trung Quốc trong năm 2019 cao hơn cả Anh, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Hà Lan cộng lại.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trong cuộc họp báo ngày 17/4 cho biết: “Khi cuộc sống của con người gặp rủi ro, không gì quan trọng hơn bảo vệ tính mạng họ. Việc tranh cãi về khác biệt hệ thống hoặc hình mẫu xã hội là vô tác dụng”.
Ông Triệu Lập Kiên cũng khẳng định Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế, bao gồm các quốc gia châu Âu, để “chung tay bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của nhân loại”.
Theo Hà Linh/Báo Tin tức
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin