Châu Á nỗ lực tìm kiếm chiến lược thoát khỏi COVID-19

04:04, 11/04/2020

Đóng cửa biên giới, cách ly, số ca lây nhiễm gia tăng là những nhân tố khiến một số quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á chưa thể mở cửa trở lại nền kinh tế.

Đóng cửa biên giới, cách ly, số ca lây nhiễm gia tăng là những nhân tố khiến một số quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á chưa thể mở cửa trở lại nền kinh tế.

Kiểm tra y tế phòng lây nhiễm COVID-19 tại Singapore ngày 8/4. Ảnh: THX/TTXVN
Kiểm tra y tế phòng lây nhiễm COVID-19 tại Singapore ngày 8/4. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ Financial Times, trong nhiều tháng qua, Singapore, Hàn Quốc, Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc) luôn được thế giới khen ngợi vì kiểm soát tốt dịch COVID-19.

Tại các khu vực này, số người tử vong thấp, thiệt hại kinh tế do các biện pháp đóng cửa và cách ly không quá lớn, công nghệ theo dõi tiếp xúc trình độ cao, sớm đóng cửa biên giới và áp đặt quy định đeo khẩu trang. Tất cả những biện pháp trên giờ đã trở thành tiêu chuẩn chung cho cả thế giới trong phòng chống COVID-19.

Tuy nhiên, mối đe dọa từ làn sóng lây nhiễm mới trong vài tuần gần đây đã làm đảo lộn các dự tính của các chính quyền về dỡ bỏ, nới lỏng các lệnh phong tỏa, kiểm soát biên giới và giãn cách xã hội. Kỳ vọng trước đó về sớm khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội đời thường cũng chưa thành hiện thực.

Từ đó, dư luận đặt ra câu hỏi về chiến lược thoát COVID-19 của châu Á cho đến khi có vaccine và phương pháp trị bệnh hiệu quả. 

Thách thức của Singapore

Trong tuần này, Singapore đã gặp những thách thức điển hình mà khu vực châu Á đang phải giải quyết.

Sau khi xuất hiện các ca lây nhiễm từ nước ngoài vào, giới chức chính quyền bất ngờ trước tốc độ gia tăng nhanh chóng của số ca mắc COVID-19. Đợt bùng dịch mới này đã tấn công vào khu vực sinh sống tập trung của lao động nước ngoài, nơi có hàng chục nghìn người nhập cư đang sinh sống trong không gian đông đúc, chật chội.

Tổng số ca mắc bệnh mới tại Singapore đã tăng 80%, lên 1.910 trường hợp. Quốc đảo 5,7 triệu dân này đã quyết định đóng cửa toàn quốc trong vòng một tháng. Theo đó, trường học, công sở đều đóng cửa. Người khác gia đình không được phép tụ tập. 

Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong thừa nhận nước này sẽ phải tiếp tục siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh theo thời gian để giảm tỷ lệ lây nhiễm và duy trì khả năng chịu đựng của hệ thống y tế.

Còn Bộ Trưởng Phát triển Quốc gia Lawrence Wong cảnh báo Singapore sẽ phải tìm ra những biện pháp mới để giảm số ca nhiễm bền vững và việc này có thể kéo dài hết năm nay. 

Chu kỳ tiến-lùi của Hong Kong 

Đặc khu hành chính Hong Kong cũng đang chứng kiến số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới tăng mạnh trong hai tuần qua, chủ yếu là những ca dương tính từ ngoài vào. Tuy nhiên, Hong Kong cũng xuất hiện các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.

Ông Lam Ching-choi, cố vấn của Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam, cho biết vùng lãnh thổ này đã áp dụng chiến lược “nén và xả”. Có nghĩa là chính quyền sẽ thực thi các biện pháp mạnh tay hơn khi tình trạng lây nhiễm COVID-19 ở mức cao và sẽ nới lỏng kiểm soát khi tỷ lệ lây nhiễm giảm xuống đến ngưỡng chấp nhận được. 

Các trường học, trung tâm thể hình, quán bar và nhiều địa điểm giải trí bị đóng cửa một phần. Tình trạng này cũng đã gây ra những sức ép lớn hơn đối với nền kinh tế mong manh của Hong Kong. Tuy nhiên, ông Lam Ching-choi cảnh báo tình trạng này có thể sẽ còn kéo dài một vài năm.

Theo đó, người người dân và cộng đồng doanh nghiệp sẽ phải làm quen với “chu kỳ tiến-lùi” kéo dài trong khoảng hai năm, cho đến khi có vaccine phòng bệnh. Người dân Hong Kong cần phải sẵn sàng cho những giai đoạn cách ly hai tuần, tương tự như trong thời chiến. 

Điểm cân bằng của Đài Loan

Chính quyền Đài Loan đã áp dụng các biện pháp kiểm soát bệnh dịch từ rất sớm và quyết liệt, trong đó nổi bật là quyết định đóng cửa biên giới. Nhờ đó, Đài Loan đã tránh được kịch bản lây lan diện rộng từ Trung Quốc và giữ số ca nhiễm bệnh tại hòn đảo này ở mức dưới 400.

Thế nhưng, giới chức Đài Loan cho biết họ sẽ phải duy trì các biện pháp phòng dịch thêm nhiều tháng nữa. Đài Loan phải theo đuổi cách tiếp cận cân bằng giữa ngăn ngừa dịch với bảo vệ cuộc sống của người dân. 

Du lịch, hàng không là hai ngành bị tác động mạnh nhất ở Đài Loan – tình cảnh chung của toàn thế giới. Tuy nhiên, những ngành dịch vụ khác và ngành công nghiệp chế tạo tại Đài Loan vẫn vận hành như thường.

Dù vẫn áp dụng quy định cấm nhập cảnh với người nước ngoài, nhưng Đài Loan vẫn mở cửa tiếp nhận các lao động nhập cư làm việc trong ngành điện tử - ngành kinh tế xương sống của Đài Loan.

Theo dữ liệu giao thông do Goolge cung cấp, hoạt động di chuyển ở một số khu vực tại Đài Loan chỉ giảm 1% trong giai đoạn từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 3 so với một tháng trước đó, trong khi mức giảm này ở châu Âu là 50%. 

Thế nhưng, ngay cả khi chiến lược của Đài Loan dường như thành công, các chuyên gia y tế vẫn đặc biệt quan ngại về số người gốc Đài Loan từ châu Âu và Mỹ trở về hồi tháng trước và mang theo mầm bệnh.

Dòng dịch chuyển này cũng chính là nguyên nhân khiến số bệnh nhân COVID-19 tại Đài Loan tăng gấp 5 lần sau sáu tuần.

Đài Loan đã mở rộng chiến dịch xét nghiệm quy mô và giãn cách xã hội, chuẩn bị hàng nghìn giường bệnh. Một quan chức Đài Loan cho biết: “Chúng ta không thể hoàn toàn loại trừ khả năng một kịch bản New York lặp lại ở Đài Loan. Nếu điều đó xảy ra, Đài Loan sẽ phải đóng cửa… Đài Loan chỉ xem xét mở cửa biên giới khi dịch bệnh tại Mỹ và châu Âu được kiểm soát, có thể phải tới tháng 8 hoặc tháng 9”.

Cách tiếp cận của Hàn Quốc

Hàn Quốc theo đuổi cách tiếp cận phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế phục thuộc vào ngoại thương khi đối diện khủng hoảng y tế: Chính quyền sẽ tìm cách duy trì mạch sống của nền kinh tế bị tác động tiêu cực nhưng không làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong nội địa.

Với các biện pháp kiểm soát hiệu quả, nhất là xét nghiệm trên diện rộng, tỉ lệ các ca nhiễm mới tại Hàn Quốc trong tháng 3 chỉ dao động từ 30-100 ca/ngày, giảm nhiều so với mức 900 trường hợp dương tính tại thời điểm dịch bùng phát cao điểm. Nhưng từng đó vẫn là chưa đủ để loại trừ hết nguy cơ.

Hôm 8/4, Thủ tướng Hàn Quốc đưa ra thông báo bất ngờ: Seoul sẽ ngừng miễn visa cho các nước áp dụng lệnh cấm đi lại với người Hàn Quốc và hạn chế đi lại không cần thiết với người nước ngoài. Động thái này là minh chứng cho thấy lây nhiễm COVID-19 vẫn là vấn đề lớn, nguy cơ thường trực chủ yếu là từ hành khách nhập cảnh Hàn Quốc và các tâm dịch được cô lập. 

Ở chiều ngược lại, quan chức ngoại thương và ngoại giao Hàn Quốc lại tìm cách thu hút sự ủng hộ quốc tế về miễn trừ với giới doanh nhân.

“Hàn Quốc là nước xuất khẩu lớn thứ 8, nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 13 trên thế giới. Việc các nước áp quy định hạn chế đi lại là một cú đánh mạnh vào các công ty của chúng tôi, đặc biệt là các nhà sản xuất, vì họ bị tách khỏi chuỗi cung toàn cầu”, ông Park Ki-young, Thứ trưởng Bộ Thương mại Hàn Quốc chia sẻ với FT.

Còn theo ông Jerome Kim, Tổng Giám đốc Viện Vaccine Quốc tế (IVI), quan chức ngành y tế cần phải đặc biệt cẩn trọng trước bất kỳ quyết định nới lỏng di chuyển quốc tế nào, bởi lẽ mỗi nước cần phải có đủ khả năng để chống chọi với bệnh dịch để không bị nhấn chìm hoàn toàn. 

Theo Hoài Thanh/Báo Tin tức

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh