Việt Nam đóng góp tích cực vào thành công của Hội nghị G20

04:07, 02/07/2019

Không chỉ đóng góp tích cực vào thành công của Hội nghị G20, chuyến thăm Nhật Bản góp phần thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa Việt Nam-Nhật Bản.

Không chỉ đóng góp tích cực vào thành công của Hội nghị G20, chuyến thăm Nhật Bản góp phần thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa Việt Nam-Nhật Bản.

 Các lãnh đạo dự hội nghị G20. Ảnh: G20.org
Các lãnh đạo dự hội nghị G20. Ảnh: G20.org

Đêm 1/7 theo giờ Việt Nam, Thủ tướng còn Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân dẫn đầu đoàn cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và thăm Nhật Bản, từ ngày 27/6 đến 1/7.

Chuyến đi đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời củng cố, tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Cần nhấn mạnh rằng, Hội nghị G20 là diễn đàn cấp quốc tế cao quy mô lớn với sự tham dự của lãnh đạo 19 quốc gia phát triển, Lãnh đạo EU, các định chế lớn của quốc tế, lãnh đạo một số nền kinh tế đang trỗi dậy. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới có không ít bất ổn và thách thức mang tính toàn cầu, nhất là xu hướng bảo hộ thương mại. Đây cũng là lần đầu tiên Nhật Bản tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 và đặc biệt có ý nghĩa đối với nước chủ nhà vì đây là sự kiện quốc tế lớn đầu tiên khi triều đại Reiwa - Lệnh hòa mới bắt đầu.

Sáng kiến góp phần vào thành công hội nghị

Trong bối cảnh đó, với vai trò là quốc gia khách mời đặc biệt, Việt Nam đã nói lên tiếng nói của những nền kinh tế mới nổi, đưa ra những đóng góp quan trọng góp phần vào thành công của hội nghị. Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong suốt chuyến đi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đánh giá: "10 năm qua, Việt Nam đã 4 lần được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20. Trong hơn 2 năm qua, Nhật Bản đã mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 và lần này là Hội nghị thượng đỉnh G20. Điều này thể hiện vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế rất cao. Điểm nữa là Nhật Bản và các nền kinh tế G20 kỳ vọng, với vị thế, kinh nghiệm thành công của Việt Nam thời gian qua, sẽ đóng góp vào thành công của hội nghị. Và chúng ta đã làm được kỳ vọng đó của phía bạn".

Trong hai ngày (28 và 29/6), Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã diễn ra 4 phiên họp chính thức và 2 phiên thảo luận chuyên đề. Các nhà lãnh đạo nhận định tình hình kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, xuất hiện nhiều rủi ro, vấn đề bảo hộ thương mại gia tăng, thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, vấn đề về phát triển nền kinh tế số, vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu...

Trước thực tế đó, Hội nghị lần này đã dành riêng một phiên thảo luận về các giải pháp đối với nền kinh tế thế giới. Các nhà lãnh đạo khẳng định tiếp tục sử dụng, phối hợp các công cụ chính sách để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cân bằng và bao trùm, củng cố lòng tin, ngăn ngừa rủi ro bất ổn; sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu…

Đặc biệt, các nhà lãnh đạo đã thể hiện quyết tâm lớn trong duy trì hệ thống thương mại tự do mở và đa phương dựa trên luật lệ, kêu gọi chống chủ nghĩa bảo hộ, đảm bảo các luồng hàng hóa di chuyển tự do, qua đó đóng góp vào phục hồi và tăng trưởng của kinh tế thế giới. Đây cũng là quan điểm của Việt Nam trong phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Dưới sự điều hành của nước Chủ tịch G20 Nhật Bản và nỗ lực gác lại bất đồng, các nước đã thông qua Tuyên bố của các Nhà lãnh đạo G20. Từ sáng kiến của nước chủ nhà Nhật Bản, nhiều nước tham dự Hội nghị đã ủng hộ, thông qua Tuyên bố Osaka về kinh tế số, trong đó khởi động “Tiến trình Osaka” về thúc đẩy đàm phán xây dựng các quy tắc, luật lệ quốc tế về điều chỉnh thương mại điện tử. Đây là những kết quả nổi bật của Hội nghị G20 năm nay.

Tại hội nghị lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có hai bài phát biểu quan trọng. Trong phiên họp về Đổi mới sáng tạo, Thủ tướng cho biết Việt Nam xác định kinh tế số là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sẽ ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia vào cuối năm 2019. Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về lưu chuyển tự do dữ liệu đi đôi với bảo đảm sự tin cậy; đề nghị cần có khuôn khổ pháp luật, quy tắc toàn cầu về lưu chuyển và quản trị dữ liệu.

Từ sáng kiến của Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu sáng kiến về thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo, trong đó có các các trung tâm nghiên cứu – phát triển trí tuệ nhân tạo, để thúc đẩy chia sẻ tri thức, công nghệ mới, hỗ trợ các nước đang phát triển tranh thủ các cơ hội từ đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau và thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự các phiên họp, hoạt động quan trọng của Hội nghị Thượng đỉnh G20. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự các phiên họp, hoạt động quan trọng của Hội nghị Thượng đỉnh G20. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.

Phát biểu tại phiên họp về khí hậu – môi trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, bất ổn an ninh năng lượng đang thách thức sự tồn vong của nhân loại; đề nghị các nước có những đột phá, sáng tạo về huy động phân bổ hiệu quả nguồn lực và thực hiện đầy đủ các cam kết về khí hậu, môi trường.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam thực hiện nghiêm túc cam kết Thỏa thuận Paris về khí hậu; đề nghị các nước và cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ thiết thực cho các nước dễ tổn thương về biến đổi khí hậu, trong đó có khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trước vấn đề rác thải nhựa là vấn đề cấp bách toàn cầu, Thủ tướng đề nghị các nước chung tay xây dựng các thể chế, quy định về biển và đại dương, ngăn ngừa rác thải nhựa biển. Thủ tướng khẳng định Việt Nam đã và đang huy động sự tham gia của cả xã hội vào phong trào chống rác thải nhựa, phấn đấu đến năm 2025 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Thủ tướng nêu sáng kiến về thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển- đại dương và tiến tới Khuôn khổ toàn cầu về ngăn ngừa rác thải nhựa biển vì các đại dương xanh.

Đánh giá về các đóng góp của Việt Nam đối với Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, cho rằng, lần này chỉ có 4 phiên, thời gian ngắn, trong nhóm G20 cũng có thành viên chỉ phát biểu một lần, nhưng Thủ tướng nước chủ nhà đã mời Thủ tướng Việt Nam phát biểu hai lần ở hai phiên khác nhau. Trong phiên họp về Đổi mới sáng tạo, Thủ tướng ủng hộ sáng kiến của Nhật Bản và quan trọng hơn, Thủ tướng đã đóng góp thêm sáng kiến xây dựng trung tâm dữ liệu kết nối lại trên toàn cầu và đồng thời cùng chia sẻ để hỗ trợ các nước, đảm bảo cơ sở dữ liệu đó được chia sẻ với các nước nhưng vẫn an toàn. Tại phiên phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu, Thủ tướng cũng đã ủng hộ sáng kiến của Nhật Bản, tăng cường hợp tác giữa các nước, cam kết thức hiện COP 21 cùng các nước. Nhưng quan trọng hơn là đưa ra sáng kiến xây dựng trung tâm chia sẻ dữ liệu về biển và đại dương, nhất là ứng phó với việc chống rác thải nhựa ở biển. Như vậy góp phần vào thành công của hội nghị.

Ngay trong hội đàm song phương giữa Thủ tướng nước ta và Thủ tướng Abe thì Thủ tướng Abe cũng đánh giá cao sáng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đã đóng góp trực tiếp vào hai sáng kiến, đồng thời ủng hộ để tăng thêm giá trị của các sáng kiến đó, góp phần vào thành công của hội nghị.

Trong quá trình diễn ra chuyến đi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một hoạt động đặc biệt là từ Osaka quay về Việt Nam chứng kiến lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU và hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU. Hoạt động này thể hiện rất rõ quan điểm của Việt Nam trong việc ủng hộ tự do hóa thương mại trên thế giới, quan điểm được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra trong phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20.

Cùng ngày, Thủ tướng đã quay trở lại Nhật Bản, và tại buổi đối thoại với các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản cũng như dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam, Thủ tướng đã mang thông tin này ra chào hàng các nhà đầu tư Nhật Bản. Các nhà đầu tư Nhật Bản đã rất hào hứng và cho biết, đây là một điểm nhấn quan trọng giúp họ ra quyết định đầu tư, mở rộng đầu tư vào Việt Nam.

Nhân dịp dự G20, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nga, Đức và lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế, như Ủy ban châu Âu, Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới... Hơn một chục cuộc tiếp xúc song phương chỉ trong thời gian hai ngày dự hội nghị, cũng là dịp để Việt Nam để trao đổi về các biện pháp tăng hợp tác với các nước, qua đó thể hiện quan điểm của Việt Nam, nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.

Củng cố tin cậy chính trị, thống nhất quan điểm hợp tác song phương

Sau chương trình tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm Nhật Bản. Sự tin cậy chính trị, thống nhất về các quan điểm hợp tác song phương được thể hiện rất rõ trong chuyến thăm này. Không giống như nhiều chuyến thăm khác, ngay trước khi tiến hành hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ trao 6 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, y tế, năng lượng tái tạo...

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe

Trong hội đàm, Thủ tướng Abe đánh giá cao cộng đồng hơn 330.000 người Việt Nam tại Nhật Bản, coi đây là “tài sản chung quý giá” đối với quan hệ hai nước. Hai bên nhất trí về các thủ tục để cho phép nhập khẩu quả vải của Việt Nam và quả táo của Nhật Bản; nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả các dự án hợp tác ODA của Nhật Bản tại Việt Nam, thúc đẩy hợp tác theo hình thức hợp tác công tư (PPP).

Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh hai nước ký Hiệp định chuyển giao người bị kết án tù, nhất trí thúc đẩy đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, tăng cường hợp tác y tế thông qua Sáng kiến sức khỏe Châu Á. Thủ tướng Abe khẳng định Nhật Bản sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam đào tạo cán bộ, đào tạo nghề, xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, đối phó với biến đổi khí hậu...

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đánh giá: "Ngay trước khi hội đàm cấp cao, hai bên đã thống nhất trao đổi 6 văn kiện hợp tác, trong đó, kể cả trao đổi người bị kết án tù. Bạn nói là điều này rất quan trọng vì lao động và thực tập sinh hai nước giao lưu rất phong phú, Việt Nam có trên 330.000 người học tập, lao động, sinh sống tại Nhật Bản. Những hiệp định này sẽ góp phần tăng cường giao lưu hai nước. Hai bên cũng nhất trí hợp tác trong lĩnh vực y tế, ODA, lao động, đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có việc Nhật Bản hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam. Ngươc lại Nhật Bản bị già hóa dân số nên mong muốn có nhiều lưu học sinh sang Nhật Bản, đồng thời góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế của cả Việt Nam và Nhật Bản. Điều quan trọng hai Thủ tướng và hai đoàn thống nhất trong hầu hết mọi vấn đề nêu ra và nhấn mạnh sẽ triển khai ngay các thỏa thuận đã ký".

Miền đất lành Việt Nam

Trong chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã dành nhiều thời gian cho hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, trong đó Thủ tướng dự và phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam với 1.200 đại biểu tham dự; hai lần đối thoại trực tiếp với 40 lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản tại Osaka và Tokyo. Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư các dự án chất lượng cao vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như chế biến, chế tạo; du lịch; nông nghiệp công nghệ cao; năng lượng tái tạo; bất động sản; kinh tế internet. Trước các nhà đầu tư Nhật Bản, Thủ tướng nhấn mạnh niềm tin vững chắc rằng, Việt Nam sẽ là miền đất lành cho các tập đoàn lớn của Nhật Bản.

 Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam với 1.200 đại biểu tham dự
Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam với 1.200 đại biểu tham dự

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, Thủ tướng cùng quan chức hai nước đã chứng kiến trao 32 giấy chứng nhận đầu tư và Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa các địa phương, doanh nghiệp hai nước, tổng giá trị lên đến hơn 8 tỷ USD.

Riêng về hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, bà Katayama Satsuki, Bộ trưởng phụ trách Chấn hưng địa phương của Nhật Bản đánh giá: "Trong thời gian tới, chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, sự hợp tác giữa doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam cũng như hợp tác hai nước trong cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư, nguồn nhân lực..., sẽ ngày càng được tăng cường hơn nữa. Nhật Bản đã có hoạt động hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực ở Việt Nam, cụ thể là phối hợp giữa các trường của Việt Nam và các doanh nghiệp Nhật Bản. Chúng tôi cũng đã triển khai 14 khóa học tại 9 trường đại học Việt Nam và đào tạo nhân lực trong các ngành công nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, thông qua các dự án ODA chúng tôi cũng đã đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam để nhận chuyển giao công nghệ và đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam".

Trong khuôn khổ chuyến tham dự G20 và thăm Nhật Bản, Thủ tướng đã tiếp Tổng thư ký đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP), Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam và tiếp lãnh đạo một số địa phương Nhật Bản. Thủ tướng đã thăm Đại sứ quán Việt Nam, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, gặp gỡ, thăm hỏi cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản và vùng Kansai.

Thủ tướng cũng dự Lễ hội hoa sen Việt Nam – Nhật Bản 2019 tại thành phố tỉnh Wakayam, nơi cùng trồng giống hoa sen cổ Oga có từ 2000 năm trước của Nhật Bản và hoa sen do Việt Nam trao tặng. Dẫn câu ca dao của Việt Nam: Hoa sen sao khéo giữ màu/Nắng nồng không nhạt, mưa dầu không phai, Thủ tướng tin tưởng quan hệ giữa Việt Nam và tỉnh Kawayama ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu sắc, “thắm màu, không phai”.

Có thể nói chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 và thăm Nhật Bản của Thủ tướng đã thành công tốt đẹp, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động, trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề toàn cầu. Chuyến thăm Nhật Bản góp phần thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước, tăng cường tin cậy chính trị giữa Việt Nam và Nhật Bản./.

Theo VOV

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh