Chính phủ các nước châu Á đang đồng loạt nói không với rác thải nhập khẩu, mới nhất là Sri Lanka kêu gọi Anh nhận lại hơn 100 container rác thải độc hại, bao gồm rác thải y tế và những phần nghi là thi thể người từ các nhà xác.
Chính phủ các nước châu Á đang đồng loạt nói không với rác thải nhập khẩu, mới nhất là Sri Lanka kêu gọi Anh nhận lại hơn 100 container rác thải độc hại, bao gồm rác thải y tế và những phần nghi là thi thể người từ các nhà xác.
Các container rác thải nhập bị bỏ rơi ở cảng Colombo, Sri Lanka suốt 2 năm qua - Ảnh: AFP |
Trong hàng thập kỷ qua, các quốc gia châu Á đã nhập khẩu rác thải để chuyển về cho các nhà máy tái chế nhựa. Càng có nhiều rác nhập khẩu, các nước nhập rác càng đối mặt với vấn đề quan trọng là xử lý các loại rác không dễ tái chế và lượng rác dần trở nên quá tải.
Những vấn đề tồn đọng
Tổ chức Hòa bình xanh, có trụ sở tại Canada, cho biết từ tháng 1 đến tháng 11/2018 có khoảng 5,8 triệu tấn rác được các quốc gia phát triển "xuất khẩu" đi các nước khác, dẫn đầu là các chuyến "tàu rác" từ Mỹ, Nhật và Đức.
"Thông thường, một con tàu chở khoảng 70% lượng rác có thể tái chế và khoảng 30% rác bị nhiễm độc hoặc thực phẩm phế thải" - ông Thomas Wong, quản lý Công ty Impetus Conceptus Pte của Singapore chuyên xử lý rác thải nhựa trước khi gửi đến các nhà máy tái chế ở Malaysia và Việt Nam, cho biết.
Ông Wong nói rằng rác ô nhiễm sẽ được chuyển đến các lò đốt rác và bãi chôn lấp với một khoản phí nhưng để tiết kiệm, một số nhà máy tái chế sẽ dồn rác vào một góc và đốt lén.
Hãng tin Bloomberg cho biết báo cáo vào tháng 4/2019 về các cuộc điều tra của Tổ chức Hòa bình xanh tại Indonesia, Malaysia và Thái Lan cho thấy tái chế rác bất hợp pháp, đốt rác ngoài môi trường, ô nhiễm nước và gia tăng các căn bệnh liên quan đến ô nhiễm đang là những vấn đề tồn đọng khó giải quyết tại các quốc gia này.
Khi Trung Quốc cấm nhập khẩu rác tháng 1/2018, điều này đã tạo nên hiệu ứng domino. Các tàu rác chuyển hướng sang Đông Nam Á và các quốc gia nhập rác sớm trở nên quá tải, buộc chính phủ các nước phải có biện pháp hành động.
Khi Đông Nam Á ngừng nhận rác, các công ty sẽ tìm kiếm nơi khác, có thể sẽ là châu Phi. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn nạn này tại cả những quốc gia giàu có lẫn các nước đang phát triển.
Do đó xu hướng bị từ chối nhập rác sẽ gia tăng. Như vậy thông điệp dài hạn cho các quốc gia rất rõ ràng: hãy tự xử lý rác của chính mình. Nhưng làm thế nào để thực hiện việc đó?
Công nghệ là mấu chốt?
Giải pháp có thể nằm ở các sáng kiến công nghệ mới và sự thay đổi hành vi xã hội để giảm thiểu hay loại bỏ nhu cầu của các bãi chôn lấp và lò đốt rác.
Chúng ta có thể xem các bãi rác là nguồn chứa vật liệu tái chế và năng lượng. Việc phân loại rác thường xuyên sẽ hỗ trợ rất nhiều cho công đoạn tái chế. Nhiều công ty trên thế giới cũng bắt đầu thu thập khí sinh học, chủ yếu là khí metan, thải ra từ các bãi chôn lấp để sản xuất điện năng.
Tái chế chất thải rắn là một lựa chọn được nhiều thành phố trên thế giới phát hiện trong những năm gần đây, giúp tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
Trong khi đó, theo Reuters, hầu hết rác thải không thể tái chế của Singapore đều được đốt và tro từ việc đốt rác và một số chất thải rắn được vận chuyển đến đảo nhân tạo Semakau để chôn. Semakau là đảo chôn rác không gây ô nhiễm mà còn có các hoạt động xuất khẩu hải sản đạt chuẩn qua các quốc gia khác như Úc.
Nhật là một trong những nước tiên phong trong việc chôn tro rác đã xử lý nhưng nước này chôn tro rác tại các bãi đất lấn biển chứ không dành hẳn một hòn đảo để chôn như đảo quốc sư tử. Cách này tuy hiệu quả nhưng cần đầu tư khá tốn kém cho các nhà máy đốt rác để tro rác không gây ô nhiễm môi trường.
Thêm vào đó, theo báo The Independent, các nhà khoa học Anh và Mỹ đã tổng hợp ra một loại enzyme ăn nhựa, hứa hẹn các giải pháp chống ô nhiễm môi trường trong tương lai.
Cấm dùng đồ nhựa 1 lần Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, phân loại rác và tránh dùng các loại nhựa khó phân hủy trong xã hội cũng là một biện pháp giúp giảm thiểu rác thải. Một chính sách mà hiện nay được chính phủ các nước từ phương Tây đến phương Đông áp dụng là cấm đồ nhựa dùng một lần. |
Theo TTO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin