Cận cảnh Ấn Độ phóng thành công tàu thăm dò Mặt trăng

03:07, 23/07/2019

Cơ quan không gian Ấn Độ vừa phóng thành công tàu thăm dò Mặt trăng sau khi lần phóng đầu tiên bị rời lịch trình triển khai vì sự cố kỹ thuật.

Cơ quan không gian Ấn Độ vừa phóng thành công tàu thăm dò Mặt trăng sau khi lần phóng đầu tiên bị rời lịch trình triển khai vì sự cố kỹ thuật.

Hình ảnh tàu vũ trụ Ấn Độ mang theo phương tiện thăm dò lên Mặt trăng. Ảnh cắt từ video
Hình ảnh tàu vũ trụ Ấn Độ mang theo phương tiện thăm dò lên Mặt trăng. Ảnh cắt từ video

Dự kiến, tàu thăm dò của Ấn Độ sẽ tiếp đất tại Cực Nam trên Mặt trăng với hy vọng đem về nhiều phát hiện đột phá, vì đây là nơi con người chưa từng biết tới trên Mặt trăng.

Theo hãng tin RT, tàu thăm dò Chandrayaan-2 rời khỏi bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan trong vịnh Bengal vào hôm 22/7. Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) sử dụng tên lửa GSLV Mark-III nặng 640 tấn trong nhiệm vụ lần này.

Ngay sau khi phóng, các nhà khoa học và kỹ sư tiếp tục dõi tên lửa hướng về quỹ đạo. Cơ quan này báo cáo phương tiện phóng đã đưa thành công tàu thăm dò vào quĩ đạo, đồng nghĩa với giai đoạn khởi đầu trong nhiệm vụ không gian lần này của Ấn Độ thành công.

Lần phóng Chandrayaan-2 lên quỹ đạo diễn ra một tuần sau lần thử đầu tiên bị hủy vào phút chót. Vào thời điểm đó, một "sự cố kỹ thuật đã được phát hiện trong hệ thống phóng", theo tuyên bố chính thức của ISRO.

Tàu vũ trụ Chandrayaan-2 bao gồm bốn thành phần chính, gồm có tên lửa, thiết bị hướng quỹ đạo, mô đun đổ bộ và phương tiện tự động thám hiểm. Các nhà khoa học Ấn Độ hy vọng tàu thăm dò sẽ hạ cánh xuống Mặt trăng sau 48 ngày du hành trong không gian.

Khi tàu đổ bộ rời khỏi thiết bị định hướng quỹ đạo, phương tiện thăm dò chạy bằng năng lượng Mặt trời sẽ được triển khai trên bề mặt Mặt trăng. Trong vòng 14 ngày, phương tiện thăm dò Pragyan dự kiến di chuyển nửa km từ tàu đổ bộ và chụp ảnh gửi về Trái Đất.

Ấn Độ đang phấn đấu trở thành quốc gia thứ tư, sau Mỹ, Nga và Trung Quốc, đáp xuống Mặt trăng. Điều đáng nói trong nhiệm vụ lần này là tàu thăm dò Chandrayaan-2 sẽ hạ cánh tại khu vực chưa được khai phá trên Mặt trăng như Cực Nam.

Theo Hồng Hạnh/Báo Tin tức

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh