Tòa án khu vực Uppsala của Thụy Điển ngày 3/6 đã bác đề nghị bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange liên quan đến cáo buộc xâm hại tình dục.
Tòa án khu vực Uppsala của Thụy Điển ngày 3/6 đã bác đề nghị bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange liên quan đến cáo buộc xâm hại tình dục.
Nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks, ông Julian Assange trong cuộc họp báo tại sứ quán Ecuador ở London (Anh) ngày 6/12/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Tòa án khu vực Uppsala của Thụy Điển ngày 3/6 đã bác đề nghị bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange liên quan đến cáo buộc xâm hại tình dục.
Động thái này được cho là sẽ gây khó khăn cho các công tố viên Thụy Điển trong việc yêu cầu dẫn độ ông từ Anh.
Trong một tuyên bố, tòa cho biết có chung nghi ngờ với các công tố viên về việc ông Assange đã thực hiện hành vi xâm hại tình dục và cưỡng hiếp, cũng như nhà sáng lập WikiLeaks có thể sẽ không xuất hiện hoặc bằng cách nào đó lẩn trốn việc tham gia điều tra.
Tuy nhiên, phán quyết của tòa lại nghiêng về luật sư của ông Assange, cho rằng việc ra lệnh bắt giữ là không "hợp lý."
Tòa án khu vực Uppsala lý giải rằng hiện ông Assange đang bị giam giữ ở Anh, vì vậy, có thể tiến hành quá trình khởi tố và điều tra theo các cách khác.
Trước đó, Phó Tổng công tố Thụy Điển Eva-Marie Persson cho rằng nhà sáng lập WikiLeaks đã không hợp tác với các nhà điều tra Thụy Điển, trốn việc dẫn độ, do đó, cần phải bắt giữ và thẩm vấn ông Assange tại Thụy Điển. Bà cũng đề nghị tòa ra lệnh bắt giữ vắng mặt.
Theo bà, đây sẽ là bước đi đầu tiên hướng tới lệnh bắt giữ trên toàn châu Âu nhằm đề nghị Anh dẫn độ ông Assange về Thụy Điển. Mục đích của việc bắt giữ này là tạo điều kiện cho việc hoàn tất điều tra và đưa nhà sáng lập WikiLeaks ra trước pháp luật.
Trong khi đó, luật sư của ông Assange cho rằng việc ra lệnh bắt giữ là "vô nghĩa lý" và không phù hợp khi yêu cầu bắt giữ ai đó chỉ để tiến hành thẩm vấn.
Phán quyết trên của tòa đồng nghĩa với việc công tố viên không thể thúc đẩy việc ra lệnh bắt giữ trên toàn châu Âu nhằm yêu cầu dẫn độ ông Assange về Thụy Điển. Phó Tổng công tố Persson cho biết vẫn chưa quyết định có kháng cáo hay không và quá trình điều tra vẫn tiếp tục.
Bà sẽ ra lệnh điều tra châu Âu để thẩm vấn ông Assange, song không cho biết cuộc thẩm vấn sẽ được tiến hành ở đâu. Về phần mình, luật sư của ông Assange đã hoan nghênh phán quyết trên của tòa.
Ngày 11/4 vừa qua, cảnh sát Anh bắt giữ ông Assange tại Đại sứ quán Ecuador với cáo buộc vi phạm các điều khoản bảo lãnh tại ngoại cách đây 7 năm, và theo yêu cầu dẫn độ từ phía Mỹ liên quan tới việc WikiLeaks phát tán hàng nghìn tài liệu chính thức của quốc gia này.
Ông này đã tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador ở London từ năm 2012 để tránh bị dẫn độ về Thụy Điển xét xử các cáo buộc xâm hại tình dục và cưỡng hiếp.
Ông Assange luôn phủ nhận mọi cáo buộc trên và gọi đó là âm mưu chính trị, liên quan tới vụ rò rỉ thông tin mật của quân đội Mỹ và nhiều tài liệu ngoại giao của quốc gia này. Ông này cũng luôn khẳng định việc bị dẫn độ về Thụy Điển sẽ mở đường cho quá trình dẫn độ ông về Mỹ.
Cáo buộc xâm hại tình dục nhằm vào nhà sáng lập WikiLeaks đã hết hạn từ năm 2015 và năm 2017, các công tố viên Thụy Điển đã ngừng cuộc điều tra sơ bộ với cáo buộc cưỡng hiếp với lý do không thể tiếp cận nghi phạm.
Sau khi ông Assange bị bắt, nạn nhân nữ người Thụy Điển từng tố cáo ông này tấn công tình dục và cưỡng hiếp đã yêu cầu mở lại điều tra vụ việc.
Ngày 13/5, Thụy Điển đã thông báo mở lại cuộc điều tra năm 2010 đối với nhà sáng lập WikiLeaks về cáo buộc xâm hại tình dục.
Hiện Mỹ vẫn tìm cách dẫn độ ông Assange sang nước này để xét xử với tổng cộng 18 cáo buộc, hầu hết liên quan đến việc lưu trữ và phát tán thông tin mật liên quan đến các tài liệu quân sự và điện ngoại giao thông qua website WikiLeaks.
Nếu bị kết tội cả 18 cáo buộc trên, ông Assange có thể bị kết án tới 175 năm tù giam./.
Theo Ngọc Hà (TTXVN/Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin