Chuyến thăm hai ngày của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Bình Nhưỡng – là chuyến công du đầu tiên của một lãnh đạo Trung Quốc trong 14 năm – diễn ra ngay trước thềm cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chuyến thăm hai ngày của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Bình Nhưỡng – là chuyến công du đầu tiên của một lãnh đạo Trung Quốc trong 14 năm – diễn ra ngay trước thềm cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Triều Tiên sáng 20/6, chuyến thăm được cho là nhằm củng cố quan hệ với đất nước Đông Bắc Á trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân bị ngưng trệ.
Chuyến thăm dài hai ngày của ông Tập Cận Bình đến Bình Nhưỡng – là chuyến công du đầu tiên của một lãnh đạo Trung Quốc đến Triều Tiên trong 14 năm – diễn ra một tuần trước thềm cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra vào cuối tháng này tại Nhật Bản.
Hành khách đi tàu ở Hàn Quốc xem chương trình thời sự về cuộc gặp trước giữa ông Kim Jong-un và ông Tập Cận Bình. Ảnh: AP |
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sẽ đề cập đến vấn đề phát triển trong nước của Triều Tiên cũng như hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên – vấn đề chưa đạt được đột phá kể từ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội.
Việc đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc thăm cấp nhà nước Triều Tiên cũng khẳng định tầm quan trọng của sự kiện này.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đã đúc rút ra 5 vấn đề chính được trông đợi trong chuyến thăm lịch sử này.
Phi hạt nhân hóa: Có hay không?
Ngày 19/6, tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên đã đăng một xã bình luận của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên trang nhất. Trong bài viết, ông kêu gọi Bình Nhưỡng tiếp tục duy trì đi “đúng hướng” để giải quyết các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên.
Bắc Kinh trước đó thông báo hai bên sẽ thảo luận nhằm “hướng đến tiến triển mới trong (một) thỏa thuận chính trị”.
Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Ko Min-jung bày tỏ hy vọng rằng chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ giúp mở đường “để sớm nối lại các cuộc đàm phán” về hòa bình và giải giáp toàn diện vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá chuyến thăm khả năng sẽ không thu được đột phá về vấn đề trên.
Denny Roy, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Đông-Tây (Hawaii, Mỹ) cho rằng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Trung Quốc lần này nhằm nhấn mạnh sự sẵn sàng đàm phán của phía Bình Nhưỡng song những bất đồng với Washington sẽ vẫn là một trở ngại.
“Tôi nghĩ trong quan điểm của Bắc Kinh, người Mỹ nên chấp nhận một thỏa thuận nhượng bộ hơn với Bình Nhưỡng”, ông nói.
Nhiều hơn một “chuyến thăm hữu nghị”
Chuyến công du trong hai ngày 20 – 21/6 của ông Tập Cận Bình chính là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một Chủ tịch nước Trung Quốc đến Bình Nhưỡng.
Những chuyến thăm trước đây chỉ được xếp loại “thăm hữu nghị”, “thăm hữu nghị chính thức”, “thăm chính thức” và “thăm không chính thức”.
Các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng được xếp loại tương tự, ngoại trừ lần Chủ tịch Kim INhật Thành thăm Bắc Kinh tháng 9/1982 được công bố là một chuyến thăm cấp nhà nước.
Tình hữu nghị Bắc Kinh – Bình Nhưỡng
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Tập Cận Bình sẽ tham dự các hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Hai bên đều là đồng minh từ lâu, khi mối quan hệ song phương thời cố lãnh đạo Mao Trạch Đông từng được ví “gần gũi như răng với môi”.
Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, cung cấp một huyết mạch kinh tế thiết yếu cho nước láng giềng. Hai nước cũng ký một hiệp ước tương trợ.
Bà Rorry Daniels, Phó giám đốc dự án tại Diễn đàn An ninh châu Á – Thái Bình Dương dự đoán chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sẽ “nặng về nghi thức, nhẹ về chi tiết”.
Tuy nhiên, nó vẫn là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang tái vận động các nguồn lực theo hướng ngoại giao và sẽ cởi mở để nối lại một tiến trình ngoại giao có Mỹ tham gia.
“Có khả năng Triều Tiên muốn hợp tác Trung Quốc trước khi tiếp cận ngoại giao với Mỹ cùng các nước lớn khác, trong đó có Hàn Quốc”.
Tập trung vào kinh tế
Các nhà phân tích dự đoán chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng sẽ tập trung vào hợp tác kinh tế và thương mại sâu rộng hơn giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.
Nền kinh tế Triều Tiên đã bị tấn công bởi các biện pháp cấm vận của Liên hợp quốc và Mỹ liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc viết chuyến thăm sẽ nêu bật “các vấn đề kinh tế và thương mại song phương”.
Dẫn lời ông Zheng Jiyong, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu liên Triều tại Đại học Fudan ở Thượng Hải, tờ báo trên cho biết hai bên sẽ tập trung vào lĩnh vực giáo dục và du lịch văn hóa – hai lĩnh vực không bị Liên hợp quốc cấm vận.
Một nguồn tin ngoại giao cũng tiết lộ với SCMP rằng Trung Quốc có thể cứu trợ nhân đạo cho Triều Tiên sau chuyến thăm.
Đòn bẩy tiềm năng của Trung Quốc?
Sự kiện cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ sắp sửa diễn ra tại G-20 đã làm dấy lên đồn đoán rằng Trung Quốc sẽ tận dụng mối quan hệ với Triều Tiên làm đòn bẩy trong các đàm phán thương mại sắp tới với Mỹ. Bắc Kinh đã bác bỏ lập luận trên như một biện pháp “thổi phồng vấn đề”.
Zhao Tong, chuyên gia tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua, cho rằng Trung Quốc có thể muốn thúc đẩy các đàm phán hạt nhân để khuyến khích Mỹ chọn cách tiếp cận ít đối đầu hơn trong cuộc chiến thương mại.
“Bằng cách chứng minh mối quan hệ độc nhất vô nhị với Triều Tiên tại thời điểm cả Washington lẫn Seoul đều không thể nối lại vòng đàm phán cấp cao với Bình Nhưỡng, Bắc Kinh đang bắn tín hiệu với Washington rằng nước này vẫn là một đối tác hữu ích, không thể thiếu để giải quyết các vấn đề quan trọng trong khu vực”, ông Zhao nhận xét.
Theo Xuân Chi/Báo Tin tức
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin