COC sẽ không giúp giải quyết tranh chấp, nhưng một COC thực chất, ràng buộc, và hiệu quả sẽ giúp duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
COC sẽ không giúp giải quyết tranh chấp, nhưng một COC thực chất, ràng buộc, và hiệu quả sẽ giúp duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Đại diện Việt Nam tham dự Hội thảo. (Ảnh: Lê Thị Tâm Hằng/TTXVN) |
Ngày 27/6, tại thủ đô Moskva, Quỹ "Con đường hòa bình" (Nga) đã phối hợp với Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ hai "Tranh cãi trên Biển Đông và tìm kiếm giải pháp hòa bình."
Tham dự và đọc tham luận tại hội thảo có các học giả nghiên cứu chính trị, luật gia, chuyên gia về luật biển đến từ Nga, Mỹ, Philippines, Nhật Bản, Pakistan, Việt Nam. Đại biểu Trung Quốc được mời song không thể tham dự vì lý do riêng.
Trong hai phiên, hội thảo đã nghe 11 báo cáo khoa học về các đề tài như diễn biến mới nhất xung quanh xung đột lãnh thổ trên Biển Đông, lịch sử diễn tiến xung đột trên Biển Đông, những thách thức và nguy cơ; chính sách và thực tế hành động của Trung Quốc trên Biển Đông; bác bỏ những sai lệch để tìm ra giải pháp hiệu quả cho cuộc xung đột trên Biển Đông; quan điểm của Nhật Bản về đảm bảo trật tự trong quy định tại khu vực Biển Đông; hợp tác nghề cá trên Biển Đông..., khái quát tổng thể và rõ ràng toàn cảnh lịch sử và hiện tại tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, cũng như quan điểm chính của các nước liên quan, song đặc biệt nhấn vào các đề xuất cho giải pháp hòa bình đối với cuộc xung đột lãnh thổ quan trọng không chỉ ở khu vực Đông Nam Á, mà còn ở tầm châu lục và toàn cầu, trong đó có những đề xuất được đưa lần đầu tiên thu hút chú ý của giới chuyên gia.
Các báo cáo viên đều nhất trí rằng hành vi quân sự hóa ở Biển Đông không chỉ ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh của khu vực, mà còn ảnh hưởng đến tự do hàng hải và hàng không quốc tế cũng như môi trường sinh thái biển. Song cũng chỉ ra rằng chính sách đối ngoại của một số nước không những không giúp giảm bớt căng thẳng mà còn có thể gây gia tăng căng thẳng và có thể khiến cho việc tìm kiếm giải pháp hòa bình ở biển Đông trở nên khó khăn hơn.
Trong phần thảo luận, các ý kiến tại hội thảo chỉ ra rằng cho đến nay đã có nhiều giải pháp giải quyết mâu thuẫn như chia sẻ chủ quyền, cùng quản lý, sửa đổi hợp tác và phát triển, các biện pháp củng cố lòng tin, phi quân sự hóa... Tuy nhiên, chưa biện pháp nào chấm dứt được tranh chấp. Trong bối cảnh đó xã hội hóa tranh chấp được xem là thêm một khả năng cho đối thoại. Cần phải gia tăng các hội nghị, hội thảo quốc tế có sự tham dự của tất cả các bên liên quan, bao gồm Trung Quốc.
Các đề xuất giải pháp được đưa ra bao gồm xây dựng một quy trình quản lý khủng hoảng hàng hải hiệu quả ở Biển Đông, phi quân sự hóa các thực thể đã chiếm đóng ở Biển Đông, tăng cường hợp tác nghề cá ở Biển Đông thông qua việc thành lập một tổ chức quản lý nghề cá khu vực tại Biển Đông, tăng cường tính minh bạch của các hoạt động của lực lượng dân quân hàng hải ở Biển Đông và huy động mọi phương thức giải quyết hòa bình dựa trên Công ước Liên hiệp quốc về luật biển và phán quyết trọng tài năm 2016.
Giám đốc Quỹ "Con đường hòa bình" Irina Umnova chia sẻ với phóng viên TTXVN rằng so với hội thảo lần thứ nhất vào tháng 9/2018, hội thảo lần này mở rộng hơn, không chỉ hạn chế ở giới chuyên gia, mà có thêm sự tham dự của các tổ chức xã hội có hợp tác với chính quyền.
Bà Umnova chỉ ra rằng các tổ chức xã hội, cộng đồng chuyên gia hiện nay có vai trò không nhỏ trong việc hình thành nên ý chí chung trên con đường hướng tới trật tự thế giới yêu chuộng hòa bình.
Điểm khác biệt thứ hai, các nhà tổ chức và người tham gia đặt điểm nhấn vào thực tiễn, cho dù trong hơn nửa năm qua diễn biến ở Biển Đông không có cải thiện, mà có phần xấu đi vì cả những lý do bối cảnh quốc tế toàn cầu, quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng ảnh hưởng đến hầu hết các nước liên quan vấn đề Biển Đông.
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Lê Thị Tâm Hằng/TTXVN) |
Trên cơ sở cách tiếp cận thực tiễn đó, các đại biểu tham gia hội thảo đã chỉ đưa ra những đề xuất thực tiễn gìn giữ hòa bình, mở ra con đường giải quyết những nhiệm vụ rất sâu sắc và lâu dài trong lĩnh vực sinh thái, phát triển bền vững, bảo vệ và cân đối lợi ích của tất cả các bên. Do đó, nhà tổ chức dự định không chỉ tổng kết kết quả hội nghị, mà còn xuất bản và công bố kết quả đó tại các diễn đàn tranh luận quốc tế và Nga. Nhà tổ chức hội thảo còn có kế hoạch đệ trình kết quả mang tính chất khuyến nghị lên Bộ Ngoại giao Nga.
Bà Umnova cũng đặc biệt nhấn mạnh đến sự đóng góp cho hội thảo của Việt Nam, của các tổ chức xã hội, Hội Luật gia Việt Nam, đặc biệt khi năm 2019 là năm chéo giữa hai nước: năm Việt Nam tại Liên bang Nga và năm Liên bang Nga tại Việt Nam. Bà tin tưởng vào hiệu quả của sự hợp tác Nga-Việt trong giải quyết vấn đề Biển Đông mà hội thảo quốc tế là một diễn đàn.
Trao đổi với phóng viên, tiến sỹ Tô Anh Tuấn, Viện phó Viện Biển Đông Học viện Ngoại giao Việt Nam, đánh giá tích cực về một diễn đàn quốc tế mới về cuộc xung đột trên vùng Biển Đông, nơi Việt Nam có thể thông tin chính thức và chính xác đến cộng đồng quốc tế về tình hình Biển Đông cũng như quan điểm của phía Việt Nam về con đường giải quyết xung đột.
Con đường đó tóm tắt ở bốn nội dung chính gồm không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực; thúc đẩy đối thoại và hợp tác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, quyền và lợi ích chính đáng của mọi quốc gia; dựa vào các cơ chế đa phương, đặc biệt ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ARF, EAS, ADMM+ để kiểm soát bất ổn, xây dựng lòng tin, và ngăn ngừa xung đột.
COC sẽ không giúp giải quyết tranh chấp, nhưng một COC thực chất, ràng buộc, và hiệu quả sẽ giúp duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông; tuân thủ luật pháp quốc tế đặc biệt Công ước Luật biển 1982 trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Phát biểu kết luận hội thảo, bà Jeanne Ellen Mirer, Chủ tịch IADL, khẳng định trong nhiều năm qua Hiệp hội đã kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và sẽ tiếp tục theo dõi tình hình để đảm bảo dần ổn định hòa bình và an ninh trong khu vực. Bà kêu gọi tất cả các chuyên gia của hội nghị hôm nay báo cáo kết quả của hội nghị lên Chính phủ để xem xét, áp dụng phù hợp với tình hình của đất nước mình.
Lãnh đạo Quỹ “Con đường hòa bình” và IADL chủ trì Hội thảo. (Ảnh: Lê Thị Tâm Hằng/TTXVN) |
IADL cũng sẽ đăng tải toàn bộ kết quả của hội nghị trên trang web và tạp chí của Hội để lan tỏa rộng hơn nữa những nội dung và lời kêu gọi của hội nghị. Chủ tịch IADL cũng đặc biệt kêu gọi trong khi Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) đang trong quá trình hình thành, các bên cần sớm chấm dứt các hoạt động xây đảo nhân tạo bất hợp pháp và ngừng triển khai các thiết bị và phương tiện quân sự và các hành động quân sự hóa khác khiến tình hình căng thẳng thêm leo thang.
Các bên liên quan nên bắt đầu ngay quá trình xây dựng lòng tin góp phần giữ gìn an ninh khu vực và môi trường biển, tôn trọng và tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), đồng thời sớm thiết lập và thực thi COC có tính ràng buộc pháp lý và dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Bộ quy tắc ứng xử cần bao gồm nghĩa vụ pháp lý của các bên liên quan đối với việc bảo đảm quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông và nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Các thành viên IADL sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình ở Biển Đông để có những động thái kịp thời góp phần ổn định hoà bình, an ninh khu vực./.
Theo Tâm Hằng (TTXVN/Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin