Sự thống trị của người Việt trong ngành công nghiệp làm móng trên đất Mỹ

10:05, 21/05/2019

Quá trình người Việt Nam thay đổi cả một nền công nghiệp làm móng tại Mỹ và thậm chí đóng góp lớn tạo ra nền công nghiệp trị giá 8,5 tỷ USD đã được đưa một cách chân thực nhất trong bộ phim tài liệu "Nail It".

Quá trình người Việt Nam thay đổi cả một nền công nghiệp làm móng tại Mỹ và thậm chí đóng góp lớn tạo ra nền công nghiệp trị giá 8,5 tỷ USD đã được đưa một cách chân thực nhất trong bộ phim tài liệu “Nail It”.

Nhân lực Việt Nam đóng góp lớn trong ngành công nghiệp làm móng 8,5 tỷ USD tại Mỹ. Ảnh: Adele Pham
Nhân lực Việt Nam đóng góp lớn trong ngành công nghiệp làm móng 8,5 tỷ USD tại Mỹ. Ảnh: Adele Pham

Lớn lên tại thành phố Porland, bang Oregon nằm bên bờ Tây nước Mỹ, Adele Free Pham – đạo diễn của bộ phim – cho biết cô nhận ra tất cả mọi tiệm salon làm móng quanh khu cô sinh sống đều do người Việt Nam làm chủ.

“Tôi biết một điều gì đó đang bị thiếu trong lĩnh vực truyền thông rộng lớn khi nhắc đến ngành nghề này, nghề làm móng. Và tôi cũng luôn luôn tự hỏi tại sao lại có nhiều người Việt Nam trong ngành công nghiệp làm móng như vậy, tới mức mà cha tôi, một người Việt Nam đến Mỹ năm 1975, cũng muốn tôi làm móng khi tốt nghiệp trung học”, Free Pham chia sẻ.

Trên khắp các thành phố, tiểu bang và trung tâm thương mại trên nước Mỹ, mọi người đều dễ dàng có thể làm móng trong các tiệm do người Việt Nam làm chủ.

Theo thống kê năm 2015 của tạp chí chuyên ngành Nails Magazine, Mỹ có khoảng 60.000 tiệm nail, với khoảng 350.000 người hành nghề, trong đó 51% là người Việt Nam. Tại một số bang như California, tỷ lệ người Việt hành nghề này thậm chí lên tới 80%.

Nghề làm móng đến với người Việt Nam bắt nguồn từ 20 người phụ nữ Việt có cơ hội được gặp gỡ với nữ diễn viên nổi tiếng kiêm nhà hoạt động nhân đạo Tippi Hedren.

Nữ diễn viên nổi tiếng kiêm nhà hoạt động nhân đạo Tippi Hedren dạy phụ nữ Việt Nam làm móng. Ảnh: NPR
Nữ diễn viên nổi tiếng kiêm nhà hoạt động nhân đạo Tippi Hedren dạy phụ nữ Việt Nam làm móng. Ảnh: NPR

Cách đây 44 năm, khi nữ diễn viên Tippi Hedren tới thăm trại tị nạn người Việt Nam có tên “Ngôi làng Hy vọng” tại bang California, bộ móng tay óng ánh thon dài của ngôi sao Hollywood đã khiến những người phụ nữ Việt Nam tại đây thích thú.

Sau đó, bà Hedren đã đưa thợ làm móng của mình mỗi tuần thăm trại tị nạn này dạy những người phụ nữ Việt Nam cách làm móng.

Bên cạnh đó, bà cũng thuê một ngôi trường làm đẹp ở địa phương tới trợ giúp việc giảng dạy. Khi những người học viên làm móng Việt Nam tốt nghiệp, bà Hedren giúp họ có việc làm trên khắp Nam California.

Kể từ đó, người Việt Nam đã làm thay đổi ngành công nghiệp làm móng tại Mỹ. Vào những năm 1970, dịch vụ làm móng tại Mỹ rất đắt đỏ, rơi vào tầm 50 USD và chỉ có những người giàu có như ngôi sao Hollywood mới đủ khả năng chi trả. Lúc này, những thợ làm móng cũng đều là người Mỹ.

Tuy nhiên, khi nhân lực người Mỹ gốc Việt bước vào thị trường, mức giá dịch vụ họ đưa ra chỉ là 20 USD, bằng một nửa so với các salon khác. Từ đó, làm móng không còn là dịch vụ xa xỉ nữa mà nó đã được nhiều người đón nhận và sử dụng hơn.

Theo kênh World Channel, các tiệm làm móng giúp mở cho cộng đồng người Việt một con đường để theo đuổi giấc mơ Mỹ và sự độc lập về tài chính. Không chỉ vậy, các tiệm làm móng cũng mang đến một không gian thư giãn với mức giá phải chăng cho mọi người từ những hoàn cảnh kinh tế và xã hội khác nhau.

Đối với đạo diễn Free Pham, trong quá trình làm phim, cô có cơ hội được học hỏi về lịch sử và qua đó gây dựng một mối liên hệ khăng khít hơn với nền văn hóa của người Việt Nam tại Mỹ.

Free Pham chia sẻ: “Tôi nhận được nhiều phản ứng tích cực, sự ủng hộ từ những người thuộc tầng lớp lao động – những người không nhất thiết phải lên phim để tái hiện câu chuyện của bản thân mình. Đó là phần xúc động nhất. Tôi nhận được rất nhiều email xúc động từ mọi nơi trên thế giới”.

Theo Bảo Hà/Báo Tin tức

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh