Sáp nhập các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây – Bước đi phiêu lưu của Israel

05:04, 30/04/2019

"Chảo lửa" Trung Đông đang đối diện với nguy cơ căng thẳng leo thang hơn nữa với những bước đi mới đây của Mỹ và Israel.

“Chảo lửa” Trung Đông đang đối diện với nguy cơ căng thẳng leo thang hơn nữa với những bước đi mới đây của Mỹ và Israel.

Bờ Tây luôn là một điểm nóng trong cuộc xung đột giữa Isreal và Palestine. Ảnh: independent.ie
Bờ Tây luôn là một điểm nóng trong cuộc xung đột giữa Isreal và Palestine. Ảnh: independent.ie

Mảnh đất Trung Đông huyền bí hàng nghìn năm vẫn luôn tiềm ẩn trong lòng các xung đột về lãnh thổ, tôn giáo và không ít các cuộc chiến tranh. “Chảo lửa” này đang đối diện với nguy cơ căng thẳng leo thang hơn nữa với những bước đi mới đây của Mỹ và Israel. 

Lá bài chính trị

Theo trang euronews, những cái tên Jerusalem, Hebron, Nablus, Ramallah hay Bethlehem từ lâu đã là những địa danh huyền thoại đối với người Do Thái, Hồi giáo và Thiên chúa giáo.

Các vùng đất linh thiêng này có ý nghĩa to lớn trong đời sống tâm linh và giá trị tự tôn dân tộc của các cộng đồng dân cư. Chính vì lẽ đó khu vực Bờ Tây, nhất là sau Thế chiến 2 tới nay, luôn là một trong những “chảo lửa”, một trong những điểm nóng địa chính trị hàng đầu thế giới.

Xuyên suốt lịch sử, cả 3 tôn giáo này đều xem Jerusalem là thánh địa và cuộc tranh giành vẫn còn tiếp diễn cho đến tận ngày nay. Đối với người Thiên chúa giáo, Jerusalem là nơi chúa Jesus qua đời và còn lưu lại rất nhiều thánh tích cổ tại đây.

Người Hồi giáo xem Jerusalem là nơi Nhà tiên tri Mohammed bay về trời, trong khi người theo Do Thái giáo xem Jerusalem là nơi chứa đựng bản sắc của toàn bộ dân tộc Do Thái, là nơi có đền thờ thiêng liêng của Vua Salomon.

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày năm 1967 trước liên quân Arab, Nhà nước Do Thái Israel đã chiếm đóng phần lớn Cao nguyên Golan, sáp nhập và mở rộng kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn tại Trung Đông, trong đó có Bờ Tây.

Nhiều thập kỷ sau cuộc chiến, tiến trình hòa bình Trung Đông luôn rơi vào bế tắc, trong những nguyên nhân dẫn tới thế giằng co này có qui chế của thành phố linh thiêng Jerusalem và các khu định cư Do Thái.

Các khu định cư Do Thái của Israel ở Bờ Tây và qui chế của Jerusalem cũng luôn được dùng như là quân bài chính trị, nhằm tập hợp sự ủng hộ của dân chúng. Điều này đã được chứng minh nhiều lần trong quá khứ, nhất là trước các cuộc bầu cử quan trọng.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ sáp nhập các khu định cư Do Thái. Ảnh: TV7 Israel News
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ sáp nhập các khu định cư Do Thái. Ảnh: TV7 Israel News

Và gần đây nhất, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử quan trọng tại nước này, sau khi triển khai những quyết sách và tuyên bố mang tính chiến lược liên quan tới hai điểm nóng: qui chế của Cao nguyên Golan và các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây.

Ngày 10/4, kết quả kiểm phiếu chính thức cuộc tổng tuyển cử Israel cho thấy đảng Likud của đương kim Thủ tướng Netanyahu đã đánh bại đối thủ chính là đảng Xanh - Trắng của cựu Tham mưu trưởng quân đội Benny Gantz. Kết quả này sẽ trao cho ông Netanyahu nhiệm kỳ thứ năm, qua đó trở thành thủ tướng tại nhiệm lâu nhất của Israel.

Trước thềm bầu cử, kết quả thăm dò dư luận tại Israel báo hiệu đây là kỳ bầu cử khó khăn nhất đối với Thủ tướng Netanyahu khi tỷ lệ ủng hộ ông xuống mức thấp kỷ lục.

Ngày 25/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh, trong đó nói rằng Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan.

Đây được xem như là động thái nhằm thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho đồng minh quan trọng nhất của ông Trump ở Trung Đông: Netanyahu.

Hơn 1 tuần sau, ngày 7/4 tức là chỉ ba ngày trước bầu cử, Thủ tướng Netanyahu tiếp tục tung ra “cú đấm” thứ hai đó là tuyên bố sẽ sáp nhập các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây nếu ông được bầu lại làm thủ tướng. Theo giới quan sát, đây là hai bước đi “đảo ngược thế cờ” và mang lại chiến thắng cho đảng Likud.

Theo một cuộc thăm dò của Trung tâm nghiên cứu chính sách và quan điểm công cộng Guttman tại Viện Dân chủ Israel, có 2/3 (chiếm 66%) công chúng Do Thái ở Israel nghĩ rằng sự công nhận của Mỹ đối với chủ quyền của Israel ở Cao nguyên Golan đã thúc đẩy vị thế của Netanyahu trong chiến dịch tranh cử hiện tại. Và tỷ lệ ủng hộ ông Netanyahu đã tăng từ 35% lên 39% so với cuộc thăm dò ý kiến trước đó.

Các khu định cư Do Thái của Israel ở Bờ Tây luôn là tâm điểm căng thẳng giữa Israel và Palestine. Ảnh: AFP
Các khu định cư Do Thái của Israel ở Bờ Tây luôn là tâm điểm căng thẳng giữa Israel và Palestine. Ảnh: AFP

Bước đi phiêu lưu

Thủ tướng Netanyahu đã giành chiến thắng chính trị quan trọng trong cuộc bầu cử. Và giờ là lúc ông phải tính tới việc hoàn tất các cam kết tranh cử và cả những hệ lụy không thể lường trước nếu triển khai kế hoạch này.

Những gì xảy ra với các khu định cư luôn là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất giữa Israel và Palestine. Phía Palestine nói rằng sự hiện diện của các khu định cư khiến viễn cảnh thành lập một quốc gia độc lập trong tương lai tại khu vực này là điều không thể.

Đáp lại, Israel nói rằng người Palestine đang tận dụng vấn đề định cư như cái cớ để tránh các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp và rằng các khu định cư không phải là trở ngại thực sự cho hòa bình và hoàn toàn có thể thương lượng.

Tới nay, Israel đã sắp xếp cho khoảng 400.000 người Do Thái ở các khu định cư ở Bờ Tây và 200.000 người khác sống ở Đông Jerusalem. Hiện có khoảng 2,5 triệu người Palestine sống ở Bờ Tây.

Người dân Palestine muốn thành lập một nhà nước ở Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza bị chiếm đóng. Israel cho rằng các khu định cư là cần thiết cho an ninh của nước này và người Palestine phải công nhận quyền tồn tại của Israel nếu có một hòa ước.

Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng hoạt động xây dựng nhà định cư cho người Do Thái của Israel chính là một chướng ngại lớn đối với hòa bình ở Trung Đông.

Hành động này của Israel đã gây ra sự phản đối lớn từ những người Palestine, làm bùng lên các cuộc biểu tình và những vụ tấn công của người Palestine nhằm vào người Israel trong nhiều thập kỷ qua.

Từ năm 2009, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã liên tục gây sức ép buộc Chính phủ Israel phải ngừng xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây và khôi phục lại tiến trình hòa bình với Palestine.

Tuy nhiên, Tel Aviv vẫn tiếp tục cho phép mở bán những ngôi nhà được xây dựng tại khu định cư ở Đông Jerusalem, song song với đó, chính quyền Israel tiếp tục thông qua kế hoạch xây dựng thêm các khu nhà định cư tại các vùng lãnh thổ tranh chấp với Palestine. Các bước đi như thế khiến tiến trình đàm phán giữa Israel và Palestine luôn “lầm vào ngõ cụt”.

Một phụ nữ Palestine va chạm với lính Israel. Ảnh: Getty
Một phụ nữ Palestine va chạm với lính Israel. Ảnh: Getty

Trong lúc tiến trình hòa bình Israel-Palestine vẫn trong tình trạng bế tắc, thì hàng loạt diễn biến gần đây tại khu vực này như việc Mỹ chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem, công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan và tuyên bố của nhà lãnh đạo Israel sẽ sáp nhập các khu định cư ở Bờ Tây được giới phân tích là những bước đi đầy phiêu lưu, tiềm ẩn nguy cơ thổi bùng “chảo lửa” Trung Đông nóng trở lại.

Những động thái này của Mỹ và Israel là "cú đòn" giáng mạnh vào thế giới Hồi giáo và các nước Arab, gây ra hàng loạt phản ứng giận dữ từ chính các nước đồng minh của Mỹ.

Hòa bình Trung Đông vốn đã mong manh nay lại đối mặt thêm với nhiều thử thách và miền đất linh thiêng này có lẽ chưa thể yên bình sau hàng thế kỷ xung đột.

Theo Báo Tin tức

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh