IMF cảnh báo rằng nguy cơ giảm tốc độ tăng trưởng trong khu vực đã gia tăng, viện dẫn việc giảm sút các hoạt động giao thương, giá dầu dầu tăng cao và sự biến động của thị trường tài chính toàn cầu.
IMF cảnh báo rằng nguy cơ giảm tốc độ tăng trưởng trong khu vực đã gia tăng, viện dẫn việc giảm sút các hoạt động giao thương, giá dầu dầu tăng cao và sự biến động của thị trường tài chính toàn cầu.
Giám đốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IMF, ông Changyong Rhee. (Nguồn: AFP) |
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 12/4 nhận định triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn "tương đối ổn định," song cảnh báo rằng nguy cơ giảm tốc độ tăng trưởng trong khu vực đã gia tăng, viện dẫn việc giảm sút các hoạt động giao thương, giá dầu dầu tăng cao và sự biến động của thị trường tài chính toàn cầu.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Washington bên lề Hội nghị mùa Xuân của IMF và Ngân hàng thế giới (WB) ngày 12/4, giám đốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IMF, ông Changyong Rhee nêu rõ tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương rõ ràng sẽ chịu ảnh hưởng nếu xảy ra tình trạng giảm sút các hoạt động giao thương kéo dài.
Theo ông, chính sách kinh tế khó đoán định có thể tạo ra mối đe dọa mới với tốc độ tăng trưởng. Qua đó, IMF đề xuất các nền kinh tế châu Á cần đưa ra các chính sách kinh tế thận trọng và nhanh chóng để định hướng nền kinh tế vượt qua các cơn "gió xoáy."
Ông cho rằng các chính sách kinh tế vĩ mô cần tập trung vào việc đảm bảo sự tăng trưởng ổn định cũng như tính bền vững và tăng khả năng phục hồi.
Cùng với đó, các chính sách tài chính phải hướng tới việc giải quyết những yếu tố dễ bị tổn thương và thiết lập các biện pháp giảm xóc để phòng ngừa rủi ro.
Ngoài ra, ông nhấn mạnh châu Á cũng cần tập trung vào những chính sách nhằm duy trì đà tăng trưởng "dài hơi" trước sự giảm sút của năng suất và tình trạng lão hoá dân số nhanh chóng.
Các biện pháp bao gồm cải cách thị trường lao động và thị trường hàng hóa, tăng chi tiêu công để giải quyết vấn đề bất bình đẳng gia tăng, cùng với những nỗ lực mở rộng nền kinh tế của các nước trong khu vực nhằm thúc đẩy giao thương, có thể giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực của chủ nghĩa bảo hộ gia tăng toàn cầu và tăng khả năng phục hồi của các nền kinh tế châu Á.
Liên quan đến một hiệp định thương mại mà Mỹ và Trung đang hướng tới, ông Changyong Rhee cảnh báo thỏa thuận này một khi được hình thành sẽ giúp hàng hóa Mỹ lấn át hàng hóa xuất khẩu của các nước châu Á tại thị trường Trung Quốc, và rõ ràng điều này sẽ tác động tiêu cực đến những nước xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc lâu nay, trong đó có Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Mông Cổ.
Theo ông Rhee, hiệp định thương mại Mỹ-Trung sau khi ra đời sẽ đặt dấu chấm hết cho những quy tắc điều phối hoạt động giao thương quốc tế hiện hành.
Cùng với đó, việc hàng hóa Mỹ được ưu đãi tiếp cận thị trường Trung Quốc theo thỏa thuận này có thể làm phát sinh những quan ngại to lớn hơn về tương lai của hệ thống thương mại đa phương.
Hiện Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực đàm phán về một hiệp định thương mại giữa hai nước nhằm chấm dứt tranh chấp thương mại kéo dài nhiều tháng qua.
Mặc dù hai bên đánh giá tích cực về triến triển đàm phán, song chưa rõ thời điểm hai bên có thể hoàn tất một thoả thuận song phương./.
Theo Lan Phương (TTXVN/Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin