Ngày 19/4, nhiều hãng thông tấn thế giới đã đưa tin đậm nét về Hội nghị Ban Chấp hành Tổ chức các Hãng thông tấn châu Á-Thái Bình Dương (OANA) lần thứ 44, do Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đăng cai tổ chức từ ngày 18-20/4 với chủ đề "Vì một nền báo chí chuyên nghiệp và sáng tạo".
Ngày 19/4, nhiều hãng thông tấn thế giới đã đưa tin đậm nét về Hội nghị Ban Chấp hành Tổ chức các Hãng thông tấn châu Á-Thái Bình Dương (OANA) lần thứ 44, do Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đăng cai tổ chức từ ngày 18-20/4 với chủ đề “Vì một nền báo chí chuyên nghiệp và sáng tạo”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi, các đại biểu và khách mời chụp ảnh chung tại Hội nghị. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Theo Tân Hoa xã (THX), hội nghị lần này tập trung thảo luận các vấn đề như tin giả và kiểm chứng thông tin báo chí. THX dẫn lời Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên khai mạc khẳng định thúc đẩy hoạt động báo chí theo hướng vừa sáng tạo, vừa chuyên nghiệp sẽ tăng thêm sức mạnh cho các tổ chức báo chí thực thi sứ mệnh cung cấp thông tin chuẩn xác, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển, kiến tạo hòa bình và hòa hợp. Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, đại diện các hãng thông tấn tham dự hội nghị sẽ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm phát triển và xây dựng chiến lược trong kỷ nguyên số, đề ra được những giải pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả hoạt động trao đổi thông tin, tăng cường hơn nữa sức lan tỏa của thông tin từ châu Á-Thái Bình Dương ra thế giới và về châu Á-Thái Bình Dương.
Cũng theo THX, Chủ tịch OANA, Tổng Giám đốc Hãng tin AZERTAC (Azerbaijan), ông Aslan Aslanov kêu gọi nỗ lực không ngừng để giải quyết các thách thức và duy trì tính chính xác, khách quan và công bằng của tin tức trong bối cảnh truyền thông trực tuyến và các mạng xã hội đang mở rộng và một xu hướng nguy hiểm như tin giả đang lan nhanh. THX cũng viết, với chủ đề “Vì một nền báo chí chuyên nghiệp và sáng tạo”, hội nghị năm nay có sự tham gia của khoảng 40 đại diện đến từ các cơ quan thông tấn khu vực, trong đó có THX (Trung Quốc), ITAR-TASS (Nga), Kyodo (Nhật Bản), Yonhap (Hàn Quốc)...
Trong khi đó hãng tin AZERTAC của Azerbaijan cũng đưa tin đậm nét về buổi tiếp đoàn các hãng thông tấn sang Hà Nội tham dự Hội nghị lần thứ 44 Ban Chấp hành OANA của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc diễn ra chiều 19/4 tại Trụ sở Chính phủ.
Theo AZERTAC, tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của các hãng thông tấn, khẳng định bên cạnh thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin, các hãng thông tấn còn phải tạo ra những công cụ hữu hiệu giúp kiểm chứng và chỉnh hướng các luồng thông tin sai sự thật.
Về phần mình, Chủ tịch OANA Aslan Aslanov trân trọng cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ Việt Nam và TTXVN vì đã tổ chức chu đáo, thành công sự kiện quan trọng này; khẳng định OANA đang ngày càng có sức ảnh hưởng qua từng năm tháng phát triển và luôn đề cao các giá trị của báo chí và sự tin cậy. Ông Aslanov cũng đánh giá cao mối quan hệ giữa AZERTAC và TTXVN, đồng thời nhấn mạnh vai trò của hai hãng thông tấn Azerbaijan và Việt Nam trong việc cung cấp những thông tin tin cậy cho người hai nước.
Hãng thông tấn IRNA đưa tin sự kiện tại Hà Nội tập trung vào 3 chủ đề chính gồm chiến lược của các hãng thông tấn nhằm ứng phó với việc thay đổi thói quen sử dụng thông tin, tập trung vào các nội dung video và nền tảng YouTube; tin giả và kiểm chứng thông tin báo chí; giành lại niềm tin đối với báo chí chính thống. IRNA dẫn lời đại diện của hãng Gholamreza Nemati kêu gọi hợp tác sáng tạo giữa các thành viên của tổ chức, trong đó đề cao vai trò của các hoạt động trao đổi kinh nghiệm để thúc đẩy các cơ quan thông tấn dựa trên sự thay đổi từng ngày trong ngành truyền thông. IRNA cũng hoan nghênh các sáng kiến thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên.
OANA là diễn đàn thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương giữa các cơ quan báo chí, được thành lập tại Bangkok vào ngày 22/12/1961 theo sáng kiến của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). OANA hiện có 44 hãng thông tấn thành viên đến từ 35 nước trong khu vực, chiếm 2/3 lượng thông tin trên toàn thế giới.
Theo Lê Ánh (TTXVN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin