Dù Hạ viện Anh thông qua dự luật hoãn thời điểm Brexit nhưng quan điểm về tiến trình rời EU trong nội bộ nước Anh vẫn chia rẽ sâu sắc.
Dù Hạ viện Anh thông qua dự luật hoãn thời điểm Brexit nhưng quan điểm về tiến trình rời EU trong nội bộ nước Anh vẫn chia rẽ sâu sắc.
Hạ viện Anh hôm 3/4 đã thông qua dự luật buộc Thủ tướng Anh Theresa May phải tìm cách hoãn thời điểm Brexit.
Đây là một phần trong nỗ lực của Anh nhằm ngăn chặn nguy cơ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (gọi tắt là Brexit) vào ngày 12/4 mà không có thỏa thuận trong bối cảnh nội bộ nước Anh vẫn đang chia rẽ sâu sắc về vấn đề Brexit.
Nội bộ nước Anh vẫn chia rẽ sâu sắc về vấn đề Brexit. Ảnh: Reuters |
Kịch bản Brexit mà không có thỏa thuận là điều mà cả Anh và Liên minh châu Âuđều không mong muốn lúc này.
Do đó, không có gì là khó hiểu khi dự luật đã nhanh chóng được thông qua tại Hạ viện sau khi vượt qua rất cả các khâu bỏ phiếu. Duy chỉ ở khâu bỏ phiếu cuối cùng, dự luật chỉ nhận được 313 phiếu thuận trong khi có tới 312 phiếu chống, chênh nhau đúng 1 phiếu - một dấu hiệu cho thấy, nội bộ Anh vẫn còn đang rất chia rẽ về tiến trình Brexit.
Theo hiến định, dự luật này sẽ được chuyển tới Thượng viện xem xét thông qua trước khi được triển khai trên thực tế.
Trước đó, cùng ngày Thủ tướng May đã có cuộc gặp với lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn nhằm tìm cách tháo gỡ bế tắc về Brexit. Cuộc gặp được hai bên đánh giá là tích cực và mang tính xây dựng.
Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, hai bên đều thể hiện sự linh hoạt, mềm dẻo” và cùng đưa ra cam kết kết thúc tình trạng Brexit bất ổn hiện nay. Trong khi thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn thì cho rằng, cuộc họp “rất có ích” nhưng chưa đi đến kết luận cuối cùng vì không có nhiều thay đổi trong lập trường của Thủ tướng May như ông kỳ vọng.
“Chúng tôi đã có cuộc thảo luận song chưa có nhiều thay đổi như tôi kỳ vọng. Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận vào sáng mai để giải quyết những vấn đề mang tính kỹ thuật xoay quanh vấn đề Brexit. Cuộc gặp diễn ra tích cực song chưa đi đến kết luận cuối cùng.
Tôi muốn Chính phủ Anh hiểu rằng, Hạ viện sẽ không ủng hộ thỏa thuận Brexit đã nhất trí với Liên minh châu Âu. Bà May phải nỗ lực ở mọi giai đoạn nhằm đạt một thỏa thuận Brexit được Hạ viện chấp thuận. Nguy cơ Brexit mà không có thỏa thuận rất nghiêm trọng và cần tránh để nó xảy ra”, ông Corbyn nói.
Theo kế hoạch, Công đảng và Bảo thủ mỗi bên đã cử một đội đàm phán tham gia các cuộc thảo luận “marathon” ngay trong tối qua (3/4) và cả ngày hôm nay nhằm tìm kiếm giải pháp thuyết phục các nghị sĩ tiến hành thêm một lần bỏ phiếu nữa đối với thỏa thuận Brexit, vốn bị Hạ viện bác bỏ 3 lần trước đó.
Bản thân cuộc gặp giữa bà May với thủ lĩnh Công đảng cũng không nhận được sự đồng thuận giữa thành viên của cả đảng Bảo thủ và Công đảng. Cương lĩnh của Công đảng chủ trương ủng hộ quyết định của cử tri Anh rời Liên minh châu Âu song đa phần các nghị sĩ trong đảng này lại mong muốn tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân mới để giữ nước Anh lại Liên minh châu Âu.
Trong khi về phía đảng Bảo thủ, việc Thủ tướng May đưa ra đề xuất thương lượng với Công đảng đã khiến những nhân vật thuộc phe Brexit cứng trong đảng Bảo thủ tức giận. Không ít nhân vật thuộc Brexit cứng như cựu Ngoại trưởng Boris Johnson bày tỏ mong muốn Anh chia tay hoàn toàn với Liên minh châu Âu để có thể toàn quyền kiểm soát các chính sách pháp luật và thương mại.
Để bày tỏ thái độ, Thứ trưởng phụ trách Brexit của Anh, ông Chris Heaton-Harris ngày 3/4 đã đệ đơn xin từ chức sau khi Thủ tướng Anh cho biết bà sẽ lại đề nghị Liên minh châu Âu xin lui lại ngày Anh rời Liên minh châu Âu. Theo ông Harris, tuyên bố của bà May cho thấy Thủ tướng không muốn rời Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận đã đàm phán với Liên minh châu Âu.
Những diễn biến trên chính trường Anh cho thấy, tiến trình Brexit sẽ còn kéo dài và phức tạp, ẩn chứa những mâu thuẫn nội tại không dễ gì có thể nhanh chóng giải quyết./.
Theo VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin