Đảo chính quân sự tại Sudan

02:04, 11/04/2019

Ngày 11/4, phương tiện truyền thông Sudan đưa tin quân đội Sudan đã phế truất Tổng thống Sudan Omar al-Bashir, sau nhiều tháng biểu tình tại quốc gia châu Phi này.

Ngày 11/4, phương tiện truyền thông Sudan đưa tin quân đội Sudan đã phế truất Tổng thống Sudan Omar al-Bashir, sau nhiều tháng biểu tình tại quốc gia châu Phi này.

Người biểu tình tập trung tại Khartoum, Sudan, ngày 7/4/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN
Người biểu tình tập trung tại Khartoum, Sudan, ngày 7/4/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong một tuyên bố trên đài phát thanh quốc gia, quân đội Sudan tuyên bố phế truất Tổng thống al-Bashir khỏi tất cả các chức vụ và sa thải toàn bộ nội các. 

Báo Al Hadath trụ sở tại Liban xác nhận ông al-Bashir đã chấp nhận từ chức.

Cuối tuần trước, truyền thông nhà nước Sudan dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Awad Ibnouf khẳng định Các lực lượng vũ trang Sudan sẽ không để đất nước “rơi vào tình trạng hỗn loạn”.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh hàng nghìn người biểu tình phản đối chính phủ đã tập trung ở bên ngoài trụ sở của Bộ Quốc phòng Sudan ở thủ đô Khartoum.

Hãng thông tấn chính thức SUNA dẫn phát biểu của ông Ibnouf tại một cuộc họp cho biết các lực lượng vũ trang Sudan hiểu rõ nguyên nhân của các cuộc biểu tình và không phản đối những yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, song sẽ không cho phép để đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Các cuộc biểu tình tại Sudan xảy ra kể từ ngày 19/12/2018, khi người dân phản đối chính phủ tăng gấp 3 lần giá bánh mì, đồng thời bày tỏ sự bất bình với những chính sách kinh tế yếu kém của chính quyền khiến các điều kiện sống của người dân thêm cùng cực.

Tổng thống Sudan Omar al-Bashir tại cuộc họp ở Khartoum, Sudan, ngày 5/4. Ảnh: THX/TTXVN
Tổng thống Sudan Omar al-Bashir tại cuộc họp ở Khartoum, Sudan, ngày 5/4. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Bashir, 75 tuổi, lên nắm quyền sau cuộc đảo chính do những người Hồi giáo hậu thuẫn năm 1989. Bất chấp sự phản đối của người dân, Tổng thống Bashir từng tuyên bố không từ chức và khẳng định cách thức duy nhất để thay đổi chính phủ là thông qua bầu cử.

Trước đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi tất cả các bên liên quan tại Sudan kiềm chế, tránh leo thang bạo lực. Người phát ngôn của TTK LHQ khẳng định ông Guterres đang theo dõi sát sao tình hình biểu tình tại Sudan.

Ông Guterres cũng kêu gọi tôn trọng đầy đủ nhân quyền, bao gồm quyền được tự do hội họp, tự do ngôn luận và phóng thích những người biểu tình bị giam giữ.

Tổng Thư ký Guterres khẳng định LHQ sẵn sàng ủng hộ bất kỳ nỗ lực nào mà người dân Sudan chấp thuận nhằm giải quyết một cách hòa bình cuộc khủng hoảng hiện nay.

Theo Bộ Nội vụ Sudan, đã có 7 người thiệt mạng và hơn 2.400 người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình tại nước này hồi cuối tuần qua.

Người biểu tình tập trung tại Khartoum, Sudan, ngày 8/4/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN
Người biểu tình tập trung tại Khartoum, Sudan, ngày 8/4/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN

Mỹ, Anh và Na Uy cũng kêu gọi một kế hoạch chuyển giao quyền lực đáng tin cậy tại Sudan. Tuyên bố chung của phái đoàn ngoại giao ba nước nêu rõ đây là thời điểm nhà chức trách Sudan cần đáp lại những yêu cầu của đông đảo dân chúng.

Trong khi đó, lãnh đạo đảng đối lập Umma Sadiq al-Mahdi đề nghị lựa chọn một chỉ huy quân sự để đàm phán quá trình chuyển tiếp.

Video làn sóng biểu tình rầm rộ phản đối Tổng thống al-Bashir tại Sudan. (Nguồn: RT)

Theo kênh truyền hình Al Mayadeen của Liban, một nhóm sĩ quan quân đội Sudan đã tuyên bố rằng quân đội có kế hoạch thông báo việc thành lập một hội đồng quân sự có nhiệm vụ điều hành đất nước trong thời gian chuyển giao quyền lực dự kiến kéo dài tới 1 năm.

Theo Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh