Trong cuộc họp báo đêm 28/2, rạng sáng 1/3, Triều Tiên cho biết đã yêu cầu Mỹ dỡ bỏ 5 trong số 11 lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc trong cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên tại Hà Nội. Vậy những lệnh cấm vận này là gì?
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho (phải) chủ trì cuộc họp báo đêm 28/2, rạng sáng 1/3. Ảnh: TTXVN. |
Trong cuộc họp báo đêm 28/2, rạng sáng 1/3, Triều Tiên cho biết đã yêu cầu Mỹ dỡ bỏ 5 trong số 11 lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc trong cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên tại Hà Nội. Vậy những lệnh cấm vận này là gì?
Những cấm vận với Triều Tiên
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) đã thông qua gần 10 nghị quyết, tất cả đều có sự đồng thuận của 15 quốc gia thành viên trong đó nhất trí lên án Triều Tiên theo đuổi vũ khí hạt nhân và áp dụng các biện pháp trừng phạt.
Sau nhiều năm, các biện pháp trừng phạt này mở rộng tới:
Cấm buôn bán vũ khí và thiết bị quân sự, các công nghệ lưỡng dụng, phương tiện, máy móc công nghiệp và kim loại;
Đóng băng tài sản của các cá nhân liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên;
Cấm nhập khẩu vào Triều Tiên một số mặt hàng xa xỉ;
Cấm Triều Tiên xuất khẩu thiết bị điện tử, than, khoáng sản, hải sản và thực phẩm và nông sản khác, gỗ, dệt may và đá;
Giới hạn số lượng lao động xuất khẩu của Triều Tiên;
Giới hạn số lượng dầu và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế nhập khẩu vào Triều Tiên;
Cấm nhập khẩu khí thiên nhiên;
Giới hạn quyền đánh bắt cá.
11 lệnh cấm vận với Triều Tiên
Ngày 14/10/2005, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết 1718 lên án vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên và áp đặt lệnh trừng phạt với nước này. Trong đó, có cấm vận vũ khí hạng nặng, công nghệ và vật liệu tên lửa cũng như một số mặt hàng xa xỉ nhất định.
Ngày 12/6/2009, UNSC ra nghị quyết số 1874 tăng cường các biện pháp trừng phạt với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân thứ hai của Bình Nhưỡng.
Ngày 22/1/2013, UNSC ra nghị quyết số 2087 lên án việc phóng vệ tinh năm 2012 của Triều Tiên và các hoạt động phổ biến vũ khí của Triều Tiên.
Đến ngày 7/3/2013, UNSC thông qua nghị quyết số 2094 áp đặt biện pháp trừng phạt mạnh hơn với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân thứ 3.
Ngày 2/3/2016, UNSC tiếp tục phê chuẩn nghị quyết số 2270 lên án vụ thử hạt nhân thứ 4 của Triều Tiên và các hoạt động thử tên lửa từ tàu ngầm của nước này trong năm 2015. Các biện pháp trừng phạt được tăng cường, trong đó có cấm các quốc gia cung cấp nhiên liệu máy bay cho Triều Tiên.
Ngày 30/12/2016, UNSC thông qua nghị quyết số 2321 mở rộng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của nước này, trong đó có biện pháp trừng phạt đánh vào xuất khẩu khoáng sản của Triều Tiên như đồng, nickel,…
Ngày 5/8/2017, UNSC thông qua nghị quyết số 2371 tăng cường các biện pháp trừng phạt sau 2 vụ thử tên lửa liên lục địa của Triều Tiên trong tháng 7, trong đó có cấm xuất khẩu than và sắt.
Ngày 11/9/2017, UNSC đồng thuận thông qua nghị quyết 2375 tăng cường các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sau các vụ thử hạt nhân lần thứ 6 đồng thời là vụ thử lớn nhất của nước này.
Ngày 22/12/2017, UNSC thông qua nghị quyết 2397 áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với hoạt động cấm nhập khẩu dầu mỏ, cũng như các mặt hàng kim loại, nông nghiệp và xuất khẩu lao động của Triều Tiên.
Ngoài ra, Mỹ cũng đã áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương với Triều Tiên nhằm hạn chế nhiều hoạt động kinh tế hơn và nhắm vào một danh sách các cá nhân và doanh nghiệp lớn hơn so với các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Năm 2016, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật đầu tiên áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên thêm vào các sắc lệnh đã được các đời tổng thống Mỹ liên tục đưa ra.
Năm 2017, một bộ luật được Mỹ bổ sung là luật mang tên: Ứng phó với các kẻ thù của nước Mỹ thông qua đạo luật trừng phạt - Countering America's Adversaries Through Sanctions Act (CAATSA) trong đó có áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt với Triều Tiên.
Theo THANH HÀ/LĐO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin