Tại sao Tổng thống Trump vừa ký thỏa thuận biên giới vừa tuyên bố tình trạng khẩn cấp?

11:02, 17/02/2019

Với ý định thực hiện hai điều này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt hai mục tiêu.

Với ý định thực hiện hai điều này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt hai mục tiêu.

Thứ nhất, ông có thể tránh một lần đóng cửa nữa cho Chính phủ Mỹ. Thứ hai, ông có thể tuyên bố chiến thắng trong vấn đề bức tường biên giới.

Tổng thống Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Ảnh: CNBC
Tổng thống Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Ảnh: CNBC

Theo tờ Vox, các nghị sĩ Mỹ đang thở phào nhẹ nhõm vì Tổng thống Trump ký dự luật chi tiêu để chính phủ có tiền hoạt động cho tới ngày 30/9. Tuy nhiên, họ cũng đang đối mặt với một tình thế căng thẳng sau khi Tổng thống Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để có ngân sách xây tường biên giới.

Lãnh đạo phe Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện Mitch McConnell cho biết với việc Tổng thống Trump đặt bút ký dự luật chi tiêu, 9 bộ ngành liên bang sẽ có ngân sách hoạt động.

Dự luật chi tiêu đã được Hạ viện và Thượng viện ký cuối ngày 14/2, trong đó gồm 1,375 tỷ USD tiền dành cho ngân sách xây hàng rào vật lý dọc biên giới, nhưng không có tiền dành cho một bức tường bê tông như ý muốn của Tổng thống Trump.

Theo bình luận của tờ Vox, rõ ràng việc chính phủ đóng cửa là một thất bại chính trị đối với Tổng thống Trump. Sự kiện chính phủ đóng cửa dài nhất lịch sử vừa qua đã khiến chỉ lệ ủng hộ ông sụt giảm nghiêm trọng. Ông cũng lo ngại cử tri chỉ trích mình vì ông làm chưa đủ để đối phó với khủng hoảng tại biên giới phía Nam.

Xây tường biên giới là một cam kết tranh cử ông Trump muốn thực hiện bằng được. Ảnh: AP
Xây tường biên giới là một cam kết tranh cử ông Trump muốn thực hiện bằng được. Ảnh: AP

Do đó, bằng cách ký dự luật chi tiêu, ông có thể ngăn chặn chính phủ đóng cửa lần nữa. Tuy nhiên, vẫn còn đó vấn đề thực hiện lời cam kết tranh cử về xây bức tường biên giới.

Dự luật chi tiêu dù có cấp tiền cho làm hàng rào dọc biên giới phía Nam nhưng số tiền đó ít hơn rất nhiều so với con số 5,7 tỷ USD mà Tổng thống Trump đã yêu cầu. Nhằm nỗ lực đạt được một thỏa thuận tích cực hơn, phe Cộng hòa đã đưa ra con số 1,375 tỷ USD – mức “giảm giá” cho việc xây tường.

Tổng thống Trump không hài lòng và đã quyết định hiện thực hóa tuyên bố ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để có số tiền mà ông muốn, mặc dù chưa rõ số tiền đó cuối cùng thực chất là bao nhiêu.

Tuy nhiên, bằng cách tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, Tổng thống Trump sẽ có thể dùng nguồn tiền dành cho cứu trợ trong trường hợp thảm họa hay tiền dành cho dự án xây dựng quân sự để xây tường biên giới.

Bằng động thái vừa ký dự luật chi tiêu và tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, Tổng thống Trump có thể nói ông đạt hai mục tiêu như trên.

Tổng thống Trump xem mẫu tường biên giới ở San Diego hồi tháng 3/2018. Ảnh: New York Times
Tổng thống Trump xem mẫu tường biên giới ở San Diego hồi tháng 3/2018. Ảnh: New York Times

Dù vậy, động thái tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia cũng không hẳn là chiến thắng tuyệt đối với ông Trump. Nỗ lực có tiền xây tường biên giới thông qua tuyên bố tình trạng khẩn cấp sẽ đối mặt với nhiều thách thức pháp lý và có thể xung đột với thẩm quyền về phân bổ ngân sách của Quốc hội.

Trong khi đó, phe Dân chủ có thể kiện Nhà Trắng với lý do tương tự mà phe Cộng hòa đã sử dụng để kiện chính quyền của Tổng thống Barack Obama. Khi đó, các quan chức định dùng tiền ngân sách liên bang chưa được Quốc hội duyệt để chi trả cho các nhà bảo hiểm theo Đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền.

Trong trường hợp trên, một thẩm phán liên bang đã phán quyết rằng phe Cộng hòa có cơ sở để kiện Nhà Trắng vì vi phạm thẩm quyền chi tiêu của Quốc hội.

Các nghị sĩ Cộng hòa cũng lo ngại động thái này sẽ tạo tiền lệ để phe Dân chủ dùng tình trạng khẩn cấp quốc gia để có tiền cho các ưu tiên chính sách trong tương lai.

Điều đáng lưu ý nhất là nỗ lực của Nhà Trắng trong tìm nguồn tiền từ các dự án như giảm nhẹ thảm họa để lấy tiền xây tường sẽ làm tổn hại tới những người ở các khu vực như Puerto Rico và California – vốn đang tái thiết sau thảm họa bão và cháy rừng.

Nghị sĩ Dân chủ Jose Serrano đăng trên Twitter đầu tháng 1: “Đánh cắp tiền từ nỗ lực tái thiết để xây dựng bức tường là đáng bị chỉ trích. Là một người phân bổ ngân sách, tôi sẽ làm mọi thứ trong phạm vi quyền lực để ngăn chặn”.

Theo Vox, việc Tổng thống Trump muốn lấy tiền từ nguồn ngân sách này để xây tường cho thấy ông sẵn sàng làm mọi thứ để thực hiện cam kết khi tranh cử.

Về phần mình, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và ông Chuck Schumer, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện nói trong tuyên bố: “Tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sẽ là hành động bất hợp pháp, vi phạm trắng trợn quyền hạn của tổng thống và một bước đi liều lĩnh nhằm né tránh thực tế là Tổng thống Trump đã phá vỡ lời hứa bắt Mexico phải chi trả tiền cho bức tường biên giới”.

Tổng thống Trump luôn coi cam kết tranh cử xây dựng bức tường biên giới phía nam là một trong những ưu tiên hàng đầu và hành động cần thiết để ngăn dòng người nhập cư từ các nước Trung Mỹ, ngăn chặn tình trạng buôn bán ma túy và tội phạm xâm nhập vào Mỹ.

Tuy nhiên, chương trình nghị sự này vấp phải sự phản đối quyết liệt của đảng Dân chủ và một số nghị sĩ Cộng hòa.

Đặc biệt, sau khi giành lại quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018, phe Dân chủ mà đứng đầu là Chủ tịch Hạ viện Pelosi đã tỏ rõ quan điểm không nhượng bộ và cương quyết phản đối điều khoản cấp 5,7 tỷ USD trong dự thảo ngân sách liên bang theo đề nghị của Nhà Trắng để xây tường biên giới.

Theo Thùy Dương/Báo Tin tức

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh