Kinh tế Mỹ trong năm nay cần duy trì đà tăng trưởng của năm 2018 và nguy cơ suy thoái là rất thấp là nhận định của Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng, Kevin Hassett về tình hình kinh tế Mỹ năm 2019.
Vận chuyển hàng hóa tại Cảng Long Beach ở Los Angeles, bang California, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Kinh tế Mỹ trong năm nay cần duy trì đà tăng trưởng của năm 2018 và nguy cơ suy thoái là rất thấp là nhận định của Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng, Kevin Hassett về tình hình kinh tế Mỹ năm 2019.
Trả lời phỏng vấn kênh CNBC, nhà kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng cho biết trong năm 2018, các doanh nghiệp Mỹ đã tăng cường đầu tư cho hoạt động sản xuất và kinh doanh thông qua nguồn vốn huy động từ khoản tiền thuế được cắt giảm theo quy định thuế mới áp dụng từ cuối năm 2017.
Theo ông Hassett, đây là yếu tố sẽ làm gia tăng năng suất của cả nền kinh tế Mỹ trong năm 2019. Ông Hassett dự báo nền kinh tế số 1 thế giới sẽ có thêm một năm đạt mức tăng trưởng 3%, tương tự năm 2018.
Những đánh giá tích cực của ông Hassett trái ngược với nhiều dự báo trước đó về tăng trưởng kinh tế Mỹ. Tháng trước, Văn phòng Ngân sách quốc hội Mỹ dự báo kinh tế nước này trong năm nay sẽ chỉ tăng trưởng 2,3%, giảm từ mức 3,1% của năm ngoái.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng kinh tế Mỹ năm 2019 sẽ đạt mức tăng trưởng 2,5%, trước khi giảm còn 1,8% vào năm kế tiếp. Cũng trong tháng trước, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ khu vực New York đưa ra đánh giá về nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái, theo đó tỷ lệ này trong năm 2019 là 24%, mức cao nhất kể từ sau cuộc đại suy thoái năm 2008.
Cuối tháng 12/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành luật cải cách thuế lớn nhất trong vòng 30 năm trở lại đây, theo đó, thuế doanh nghiệp của nước này đã giảm mạnh từ 35% còn 21%.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng được khấu trừ ngay lập tức tiền thuế đối với nhiều khoản đầu tư mới. Chính phủ Mỹ cho rằng việc cắt giảm thuế lâu dài sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ, từ đó đưa đến nguồn thu lớn hơn.
Tuy nhiên, cho đến nay, tính hiệu quả của chính sách này vẫn gây nhiều tranh cãi khi trên thực tế, việc cắt giảm thuế đã khiến nguồn ngân sách liên bang thâm hụt nghiêm trọng, trong khi có nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng chính sách thuế mới trên thực tế chỉ làm gia tăng hoạt động mua đi bán lại cổ phần, cũng như chuyển nhượng tài sản từ người đóng thuế sang cổ đông - một dạng thức chuyển tiền về Mỹ trên giấy tờ, chứ không phải bằng những dự án chuyển dịch hoạt động thực sự về nước để hưởng lợi thế từ giảm thuế./
Theo LAN PHƯƠNG (TTXVN/VIETNAM+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin